Ông Oliver Schmidt - cựu giám đốc điều hành VW vừa bị tuyên án 7 năm tù giam và bị phạt 400.000 USD cho những sai phạm của ông này trong bê bối dieselgate.
[pagebreak][/pagebreak]
Scandal Dieselgate hay còn gọi là bê bối gian lận phát thải VW đã khiến cho hãng xe Đức phải chi gần 30 tỷ USD để giải quyết. Có 8 người trong ban điều hành cấp cao VW phải chịu mức phạt tài chính nhưng Schmidt là người thứ 2 phải vào tù vì tội danh này.
Ngày 7/12, Tòa án khu vực Detroit của Mỹ đã tuyên phạt cựu Giám đốc điều hành Volkswagen (VW) Oliver Schmidt 7 năm tù và 400.000 USD tiền phạt về vai trò của ông này trong vụ bê bối gian lận khí thải liên quan tới hãng VW.
Schmidt từng làm trưởng ban tại văn phòng kỹ thuật và môi trường của VW tại Michigan. Ông đã bị bắt hồi tháng 1 năm nay. Ông này cũng nhận tội vì đã âm mưu gian lận chính quyền liên quan và vi phạm Đạo luật Không khí sạch của Mỹ (Clean Air Act). Thẩm phán Sean F. Cox khẳng định trong phán quyết của mình rằng ông này là “người chịu trách nhiệm chính trong việc bao che những sai phạm gian lận khổng lồ gây hại cho người tiêu dùng tại Mỹ”.
Trước đó, một nhân viên VW là cựu kỹ sư James Liang cũng bị phạt tù 40 tháng vì những sai phạm liên quan đến scandal Dieselgate.
Vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen bị phanh phui từ tháng 9/2015 sau khi một số nhà khoa học phát hiện trong bài thử nghiệm của mình. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và sở Quản lý Tài nguyên Không khí bang California (CARB) cho biết, tập đoàn Volkswagen đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng một phầm mềm (được gọi là defeat-device software) làm sai lệch kết quả khiểm định khí thải của 11 triệu xe chạy động cơ diesel trên toàn thế giới, trong đó có 600.000 xe động cơ diesel được bán ở Mỹ từ 2009 nhằm né tránh yêu cầu phát thải khí NO2.
Scandal này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn có mặt ở nhiều quốc gia khác từ châu Âu đến châu Á, khiến cho VW một phen lao đao. Hãng xe Đức phải chi gần 30 tỷ USD để đóng tiền phạt, các thỏa thuận dàn xếp pháp lý, chi phí triệu hồi...Tuy nhiên, công ty này vẫn đối mặt với các vụ kiện tại các quốc gia khác.
Hãng này từng bày tỏ ý muốn bán một số thương hiệu để có tiền trang trải chi phí sau khủng hoảng. Nguồn tin từ Reuters cho biết tập đoàn Volkswagen vừa nhờ Evercore - một công ty tư vấn tài chính - liên hệ với một số đối tượng có hứng thú với việc mua thương hiệu Ducati. Hãng mong đợi khách hàng sẽ mua thương hiệu này với giá từ 1 đến 1,5 tỷ EUR.
Theo: Reuters, Bloomberg