Phí bảo trì đường bộ là thuế đánh vào tài sản của dân?</h1>
NGUYÊN HÀ
04/06/2012 14:54 (GMT+7)
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng phí sử dụng đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới đường bộ của người dân.
E-mail
Bản để in
Cỡ chữ
Chia sẻ:
Ý kiến (3)[/b]
Không chờ đến phiên chất vấn trực tiếp, bức xúc của cử tri về phí giao thông đã qua đại biểu của mình đến địa chỉ cần chất vấn.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, sau khi gửi chất vấn vài ngày, ông đã nhận được trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.
Đại biểu Lịch đặt vấn đề, Luật Giao thông đường bộ đã quy định về nguồn tài chính hình thành quỹ bảo trì đường bộ tại khoản 2, điều 49 là: a) ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm; b) các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ.
Tuy nhiên, tại Nghị định 18 năm 2012 về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải - cơ quan trình Chính phủ ban hành văn bản này - điều 5 lại quy định ba khoản. Trong đó, khoản 2, 3 có nội dung đã thể hiện tại 2 điểm a, b của khoản 2, điều 49 Luật Giao thông đường bộ. Còn khoản 1 quy định, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bao gồm: xe ôtô, máy kéo; rơ mooc, sơ-mi rơ mooc được kéo bởi ôtô, máy kéo và xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy).
Ông Lịch yêu cầu Bộ trưởng Thăng giải trình, khoản 1, điều 5 Nghị định 18 này căn cứ vào nội dung nào của Luật Giao thông đường bộ?
“Phải chăng, bản chất của điều khoản này là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện xe cơ giới, lại được ban hành bằng một nghị định của Chính phủ?”, chất vấn của đại biểu Lịch nêu rõ.
Tại văn bản trả lời đề ngày 29/5/2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày, theo đề án về quỹ bảo trì đường bộ do bộ này xây dựng, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện cơ giới đường bộ được xây dựng theo 2 phương án: phương án 1 là thu qua giá xăng dầu, phương án 2 là thu trực tiếp trên đầu phương tiện. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, phương án được lựa chọn là thu trực tiếp trên đầu phương tiện theo thời gian.
Các khoản thu liên quan đến sử dụng đường bộ có nhiều loại như: phí sử dụng đường bộ, tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, lệ phí cấp phép lưu hành phương tiện quá tải trọng… Tuy nhiên, ban soạn thảo nghị định khi tiếp thu các ý kiến nhận thấy, trong giai đoạn hiện nay, có một số khoản thu còn ít, một số khoản thu cơ sở để các định mức thu và tổ chức thu phức tạp, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, trong giai đoạn đầu hình thành quỹ, mới chỉ đề xuất Chính phủ quy định chi tiết khoản thu phí sử dụng đường bộ đánh theo đầu phương tiện như khoản 1, điều 5 Nghị định.
Các nguồn thu còn lại theo nội dung quy định tại điểm b, điều 49 luật Giao thông đường bộ 2008 tuy chưa được quy định cụ thể về mức thu, hình thức thu, nhưng vẫn cần thiết phải quy định tại khoản 3, điều 5 Nghị định 18 để trong điều kiện phù hợp, Thủ tướng có thể bổ sung thêm một số nguồn thu khác liên quan đến sử dụng đường bộ mà không phải sửa đổi Nghị định.
“Như vậy, quy định tại điều 5 Nghị định 18 hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 49 Luật Giao thông đường bộ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Người trả lời chất vấn cũng nhấn mạnh, phí sử dụng đường bộ không phải là một loại phí mới, mà đã được quy định tại danh mục phí và lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001. Hiện nay, phí sử dụng đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí. Còn Nghị định 18 quy định việc thu phí này được tiến hành hàng năm trên đầu phương tiện chỉ là thay đổi phương thức thu so với hiện hành.
Ông Thăng phân tích, việc thay đổi phương thức thu là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Mức phí sử dụng đường bộ được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện.
Bộ trưởng Thăng cũng “phản biện “quan điểm chất vấn, cho rằng phí sử dụng đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới đường bộ của người dân.
Văn bản trả lời chất vấn cũng giải thích thêm, Nghị định 18, quy định về quỹ bảo trì đường bộ được xây dựng bởi ban soạn thảo do bộ này thành lập nhưng có cả tổ biên tập liên ngành (trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính…) tham gia. Việc xây dựng quy định là quá trình nghiên cứu để chi tiết hóa, cụ thể hóa luật. Dự thảo nghị định cũng đã được gửi xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, được đăng trên website Chính phủ và website của bộ này để lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo sau đó đã được Bộ Tài chính và các bộ, ngành đồng ý bằng văn bản, Bộ Tư pháp thẩm định. Việc xây dựng dự thảo nghị định đã tuân thủ đầy đủ, đúng quy trình.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, ông không hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng Thăng
http://vneconomy.vn/20120604121040921P0C9920/phi-bao-tri-duong-bo-la-thue-danh-vao-tai-san-cua-dan.htm