Đằng sau các cuộc đấu giá gỗ cao su
21/03/2011, 09:14 (GMT+7)
Ít ai biết, trong các cuộc đấu giá gỗ cao su thanh lý với diện tích trên dưới 100 ha nhưng có mặt hàng trăm khách hàng tham gia đấu giá. Người tham gia để phục vụ SX thì ít mà “chân gỗ” thì nhiều. Tại sao lại như vậy?
[xtable=bleft|border:0|cellpadding:2|cellspacing:2|200x@]
{tbody}
{tr}
{td}
{/td}
{/tr}
{tr}
{td=bcolor:#e2e2e2}
Gỗ cao su đưa về Nhà máy cưa xẻ thành phẩm
{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
Ít ai biết, trong các cuộc đấu giá gỗ cao su thanh lý với diện tích trên dưới 100 ha nhưng có mặt hàng trăm khách hàng tham gia đấu giá. Người tham gia để phục vụ SX thì ít mà “chân gỗ” thì nhiều. Tại sao lại như vậy?
Vừa qua, một số Cty cao su ở miền Đông Nam bộ khi thông báo bán đấu giá vườn cây cao su già cỗi đã có không dưới 80 khách hàng là các cty tư nhân tham gia đấu giá. Trong số này, nếu chịu khó quan sát thì không ít khách đã trở nên quen mặt mà người ta nói nôm na đó là những “chân gỗ”. Mặc dù, mỗi lô cao su đưa ra thanh lý thường có giá trị hàng chục tỷ đồng, tức DN nào muốn tham gia đấu giá trước hết là phải bỏ ra ít nhất 5% giá trị “gói thầu” (còn gọi tiền ký quỹ), tức số tiền không nhỏ từ 1 đến 2 tỷ đồng.
Đơn cử, Cty CS Phú Riềng tổ chức đấu giá thanh lý 82 ha cao su vào giữa tháng 2/2010 vừa qua đã có đến 85 DN tư nhân tham gia. Tương tự, cách đây nửa tháng, Cty cao su Phước Hòa tổ chức đấu giá thanh lý 41 ha cao su nhưng cũng có đến 83 vị tham gia. Trong hai cuộc đấu giá nói trên, các “vị” nào muốn tham gia đấu giá bắt buộc phải nộp tiền ký quĩ từ 1,5- 2 tỷ đồng, tức tổng số tiền ký quỹ lên tới hơn 150 tỷ đồng.
Mặc dù theo qui chế đấu giá, nếu ai không tham gia đấu giá theo đúng qui định của qui chế thì sẽ mất tiền ký quỹ, thế nhưng hầu hết trong các cuộc đấu giá này, gần như không có “vị” nào sợ mất tiền ký quỹ. Như tại cuộc đấu giá ở Cty CS Phú Riềng, qui định đúng 9 giờ sáng thì tất cả đại diện các DN tham gia đều phải vào hội trường để “khui thầu”. Thế nhưng, mãi đến 10 giờ mà trong hội trường không có lấy một nhà đấu giá nào chịu vào hội trường. Mặc cho 5 vị trong ban tổ chức xướng tên các nhà đấu giá đã nộp tiền tham gia đấu giá, đọc hết lần 1, lần 2, lần 3 mà chẳng một ai thèm vào hội trường.
Điều hết sức ngạc nhiên là, trong hội trường thì chỉ có ban tổ chức làm việc, còn ngoài hội trường thì các nhà đấu giá thoải mái hiệp thương “giàn xếp”.
Tại sao như vậy?. Anh T., GĐ một DN thường có mặt trong các buổi đấu giá giải thích, thông thường giá khởi điểm đem ra đấu giá của các Cty cao su thường thấp hơn nhiều so giá thị trường, nếu 1 cây cao su đưa ra giá khởi điểm là 300 ngàn đồng, người nào muốn thắng thầu phải bỏ giá cao từ 120%-150%, tức phải là 540-600 ngàn/cây mới đúng giá trị thực. Thế nên, trong hơn 80 vị tham gia chỉ cần “hiệp thương” cho 1 vị bỏ thầu trúng giá khoảng 450 ngàn/cây, tức rẻ hơn giá thị trường, với điều kiện vị này phải chia tiền chênh lệch 100 ngàn/đồng cho tất cả các vị có mặt trong buổi tham gia đấu giá. “Nếu Cty đấu giá 40 ha, bình quân 1 ha còn 400 cây, chia tiền chênh lệch 1 cây là 100 ngàn, 1 ha được 40 triệu, 40 ha được 1,6 tỷ đồng chia đều cho 80 vị tham gia đấu giá, tức một vị được 20 triệu đồng. Đặt tiền ký quỹ 2 tỷ, sau buổi kết thúc đấu giá được nhận lại tiền mà chỉ trong 1 tuần còn được 20 triệu thì ai mà không ham (?!)”- Anh T. nói.
Trong tuần trước, khi Cty TNHH MTV Cao su Bà Rịa và Cao su Thống Nhất thực hiện đấu giá đã có tới 271 đơn vị tham gia với giá khởi điểm chưa đến 300 ngàn đồng/cây. Ngay khi phiên đấu giá kết thúc, đã có rất nhiều thông tin lùm xùm do thỏa thuận, thông thầu nên mỗi đơn vị tham gia dự thầu được chia 25 triệu đồng (?!)
Không biết có phải có những tiêu cực, mà trong các cuộc đấu giá ở các Cty cao su thường được mô tả như một cái “chợ”. Dàn xếp bên ngoài chưa đủ, họ còn đưa vào bên trong hội trường tiếp tục “hiệp thương”. Thậm chí, có nhiều vị từng nhẵn mặt trong các cuộc đấu giá như ông B. ở Bình Long, ông T. ở Bến Cát, cô L. ở Đồng Phú, ông S. ở Hóc môn (TPHCM)... luôn ra sức thuyết phục các nhà đấu giá khác bỏ đúng giá khởi điểm, thậm chí còn hăm dọa nếu ai bỏ hơn giá khởi điểm.
Có rất nhiều dấu hiệu để làm sáng tỏ những nghi vẫn này. Tại Cty CS Phú Riềng, tổng trị giá 3 lô cao su thanh lý đưa ra là 6 tỷ 176 triệu, nhưng đã đấu lên 13 tỷ 644 triệu đồng, chênh lệch gần 7,5 tỷ đồng, cao đến 120%. Giả sử nếu các DN tham gia đấu giá “hiệp thương” bên ngoài thành công, Cty CS Phú riềng sẽ bị mất oan 7,5 tỷ đồng. Tại Cty Cao su Phước Hòa, vào trung tuần tháng 3 qua, đấu 41 ha với giá sàn 4,5 tỷ, nhưng người bỏ thầu lên tới 7,2 tỷ đồng, cao 1,6 lần so với giá của Tập đoàn CNCS duyệt!. Còn tại Cty Cao su Đồng Phú tổ chức đấu thầu ngày 17/03/2011, do thuê công ty đấu giá chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, làm bài bản và đúng pháp luật nên giá sàn đưa ra rất cao 800 ngàn đồng/cây. Tuy cuộc đấu giá chỉ có 11 DN tham gia nhưng kết quả giá trúng thầu đạt tới 980 ngàn đồng/cây!.
[xtable=bright|border:0|cellpadding:2|cellspacing:2|285x@]
{tbody}
{tr}
{td=bcolor:#fffcc0}
“Giá gỗ cao su nguyên liệu đang tăng mạnh, so với năm 2010, giá 1 m3 gỗ phôi ( cưa, tẩm, sấy) chỉ có 3,5 triệu, nay tăng lên 5,7 - 6 triệu đồng, tương đương giá gỗ bao bì vào khoảng 1,2 triệu/ster cao gấp đôi so với năm 2009. Nguyên nhân chính do thời gian qua các DN Trung Quốc đến các cơ sở cưa xẻ trong nước thu gom mua gỗ phôi cao su, sau đó xuất sang Trung quốc vì thuế suất bằng 0%; thứ hai, các Cty cao su giảm bớt diện tích vườn cây thanh lý do giá mủ tăng nên dẫn đến nguồn hàng khan hiếm” - ông Trần Văn Đá, TGĐ Cty CP chế biến gỗ Thuận An.
{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
GĐ một Cty cao su cho hay, việc đấu giá có thành công hay không thì giá sàn được Tập đoàn CNCS duyệt là rất quan trọng. Cao hay thấp, sát hay không sát với giá thị trường đều ảnh hưởng đến kết quả trúng thầu. Nhưng thực tế như đã đề cập, giá sàn được duyệt lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Liệu có điều gì bất ổn ở đây không?. Dư luận không thể không đồn đoán về những tiêu cực trong đấu thầu khi hai đơn vị là Cty TNHH MTV Cao su- Bà Rịa và CP Cao su Hòa Bình (Xuyên Mộc, BR-VT) thanh lý vườn cây cùng thời điểm nhưng giá sàn đưa ra lại khác nhau, một bên ra giá 330 ngàn/cây, còn một bên chỉ có 270 ngàn đồng.
Chưa hết, trong các cuộc đấu giá (chỉ 30% diện tích vườn cây), thì các đơn vị chế biến gỗ cao su trong ngành không tham gia. Sau khi các DN ngoài ngành đấu giá thành công số diện tích còn lại (70%), Cty sẽ cho các đơn vị trong ngành được mua theo mức giá DN ngoài ngành đầu trúng (gọi là “chỉ tiêu”). Câu chuyện thoạt nghe tưởng chừng như hợp tình, hợp lý, nhưng thật ra không phải thế. Nếu giá cao quá không thực hiện nổi thì các đơn vị này “bỏ của chạy lấy người”. Còn giá thấp quá, thay vì đưa vào SX thì hoàn toàn có thể bán sang tay cho các Cty tư nhân theo hình thức gia công mà thực chất là mua đứt bán đoạn và sau đó được hợp pháp hóa giấy tờ.
Hiện nay, mỗi năm Tập đoàn CNCS phải thanh lý từ 2.000–3.000 ha cao su. Nếu không tổ chức đấu giá chặt chẽ đúng theo quy định của pháp luật thì số tiền nhà nước bị thất thoát phải tới hàng trăm tỷ đồng.