http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/225307/hoc-nuoc-ngoai-can-than--dau-bung-uong--nhan-sam-.html
Khi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nên nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, nhất là không chịu ảnh hưởng của một luận điểm đã định trước. Nếu không cẩn thận lại thành “Đau bụng thì uống… nhân sâm!”
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện khi người điều khiển có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Song biện pháp này liệu có giải quyết được căn bản và lâu dài vấn nạn tai nạn giao thông hay lại tạo thêm những hệ lụy?
Nhiều rủi ro
Trước hết, cần khẳng định rằng, lái xe trong tình trạng bị tác động của rượu cồn, hay ma túy rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc. Vì vậy phải xử lý nghiêm khắc, chẳng hạn khép lái xe khi say (rượu và ma túy) là tội phạm, xử lý hình sự.
Tuy nhiên, biện pháp tịch thu phương tiện sẽ không có tác dụng cơ bản, lâu dài và rất rủi ro. Tai nạn chủ yếu do con người gây ra chứ không phải do phương tiện, vì vậy hãy tập trung xử lý con người.
Cũng không nên coi đó là biện pháp răn đe để người dân sợ mà không vi phạm, đừng quản lý xã hội văn minh bằng nỗi sợ hãi của người dân. Hơn nữa, tạo ra nỗi sợ hãi tức là tạo ra sự căng thẳng, trong nhịp sống hiện đại gấp gáp có khi lại thành nguy cơ gây thêm tai nạn.
Ngoài ra, nếu đó là phương tiện kiếm sống của một gia đình/ nhóm người, hay phương tiện kinh doanh của một doanh nghiệp, thì việc nó bị tịch thu vì lỗi của một cá nhân, đột ngột làm mất đi “nguồn kiếm sống” của cả những người còn lại, sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực về an sinh xã hội.
Thử hình dung, nếu mất chiếc xe giá trị hàng tỷ, thậm chí nhiều tỷ, hay phương tiện kiếm sống, thì chắc chắn chủ xe sẽ làm bất kỳ việc gì để cứu vãn, dù là một phần trong giá trị đó, còn hơn chịu mất trắng. Họ sẽ tìm cách hối lộ để chuộc một tài sản lớn như vậy.
Liệu chúng ta có thể ngăn ngừa được hàng nghìn, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ của mình, những người hàng ngày phải đương đầu với sự cám dỗ đó không? Liệu lực lượng chức năng có tập trung vào việc “tịch thu phương tiện” mà sao nhãng các việc khác không? Từ góc độ này thì vô hình trung, phương pháp tịch thu lại làm hại chính mình!
[xtable=bcenter|cellpadding:0|cellspacing:0|400x@]
{tbody}
{tr}
{td}
{/td}
{/tr}
{tr}
{td}
CSGT hướng dẫn người dân cách thổi để kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Thanh Huyền/
CAND{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
Một khía cạnh khác cũng cần tính đến là các phức tạp nảy sinh, như xử lý trường hợp vi phạm đối với xe biển xanh, biến đỏ, xe của cộng đồng nước ngoài (Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI, Dự án ODA và cá nhân người nước ngoài)... Nếu có quy định đặc cách với những trường hợp đó, thì chúng ta sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong pháp luật.
Việc tạm giữ phương tiện của người vi phạm cũng gây lãng phí nguồn lực xã hội. Dù là xe đạp, xe máy hay ô tô, chúng đều là khoản đầu tư của ai đó và suy cho cùng là công cụ lao động. Chúng chỉ tạo ra giá trị khi lăn bánh trên đường; khi nằm một chỗ chúng là tiêu sản!
Thứ nhất, những phương tiện bị tạm giữ đương nhiên làm mất đi một khoản giá trị mà chúng có thể tạo ra. Thứ hai, phương tiện bị tạm giữ không được bảo quản tốt sẽ han rỉ, hỏng nát. Thứ ba, cơ quan chức năng phải di chuyển phương tiện tạm giữ về nơi tập kết, chi một số nguồn lực lưu giữ. Về mặt kinh tế, xã hội mất đi một nguồn lực và một giá trị nhất định. Nước ta còn nghèo, mọi nguồn lực, dù nhỏ, đều quý và nên được tận dụng để tạo ra giá trị.
Tham khảo kinh nghiệm cần thấu đáo
Một số ý kiến dẫn ra kinh nghiệm của nước ngoài, tuy nhiên việc tịch thu phương tiện ở một số nước cần được hiểu thấu đáo. Ví dụ ở Mỹ, thường cảnh sát tạm giữ phương tiện chờ xử lý, chẳng hạn giữ 30 ngày, sau đó do toà phán quyết, có thể kéo dài thời hạn tạm giữ. Việc tịch thu phương tiện kèm theo một loạt điều kiện. Ví dụ:
i. Thông thường phương tiện chỉ bị giữ khi người điều khiển vi phạm nhiều lần, từ 2 đến 4 lần tuỳ theo luật của từng tiểu bang, v.v.
ii. Nếu chủ xe không phải là người lái xe vi phạm thì có quyền làm thủ tục lấy lại xe trước thời hạn.
iii. Nếu chiếc xe bị giữ được chứng minh là phương tiện đi lại duy nhất của một gia đình, gia đình đó có thể làm thủ tục lấy lại xe trước thời hạn.
Mới đây, có người dẫn ra một nghiên cứu tại bang Oregon, Mỹ, năm 1995 cho thấy trong số những người bị tịch thu phương tiện, chỉ có một nửa tái phạm. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chỉ riêng biện pháp tịch thu xe đưa đến kết quả đó, mà là kết quả của một loạt biện pháp khác nữa. Biện pháp tịch thu này sau cũng bị hủy bỏ vì không hiệu quả.
Ý thức thượng tôn pháp luật của người dân ở các nước phát triển trước hết dựa trên nền tảng của một nền pháp luật nghiêm minh, công bằng và minh bạch, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất với hàng loạt biện pháp thực thi pháp luật đồng bộ và hữu hiệu, được thực hiện bởi lực lượng chấp pháp chất lượng cao và nói chung là trong sạch, chứ không phải nhờ một hai biện pháp kỹ thuật đơn lẻ. Vì vậy, khi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nên nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, nhất là không chịu ảnh hưởng của một luận điểm đã định trước. Nếu không cẩn thận lại thành “Đau bụng thì uống… nhân sâm!”
(
Còn tiếp)
Đâu mới là căn nguyên của tình trạng ý thức chấp hành luật giao thông kém? Và những giải pháp xử lý chúng? Mời độc giả theo dõi các phần tiếp theo.
*Tác giả nguyên là Thư ký của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Cử nhân ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà nội, Cử nhân ĐH Tổng hợp Quốc gia Australia - ANU, Thạc sĩ ĐH Harvard, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Kinh tế, Viện Kinh tế học Việt Nam.