Hạng D
2/12/03
1.927
4.557
113
Vietnam
3 trong 5 dự án nâng cấp các trục đường cửa ngõ TP HCM đầu tư theo hình thức BOT được nghiên cứu xây trên cao, giúp tăng khả năng thông hành, thuận lợi thu phí.

Đề xuất được đơn vị tư vấn đưa ra tại hội nghị tham vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án nâng cấp quốc lộ 1, 13, 22, đường trục Bắc - Nam và cầu - đường Bình Tiên ở các cửa ngõ TP HCM, chiều 14/11. Đây là các trục đường hiện hữu được triển khai theo hình thức BOT, sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép thành phố áp dụng.

Đại diện liên danh tư vấn cho biết phạm vi nâng cấp 5 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 36,5 km. Quy mô đầu tư từng tuyến đã được các bên nghiên cứu với nhiều phương án, bao gồm đi thấp như hiện trạng và chỉ mở rộng; xây trên cao kết hợp đi thấp và làm các nút giao khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui). Sau khi đánh giá, tư vấn đề xuất phương án kết hợp giữa đi trên cao bằng cầu cạn và đi thấp như hiện nay, tùy đặc thù từng tuyến đường. Tổng chiều dài cầu cạn dự kiến được xây dựng khoảng 16 km.

Đề xuất làm trên cao 3 trục đường cửa ngõ TP HCM

Kẹt xe trên quốc lộ 13, hướng vào trung tâm TP HCM. Ảnh: Gia Minh​

Trong đó, dự án nâng cấp quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, dài gần 6 km, sẽ chủ yếu đi trên cao với quy mô 4 làn xe. Phía dưới, đường được cải tạo làm tuyến song hành. Theo cách này, dự án có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.000 tỷ so với đi thấp. Đơn vị tư vấn cho rằng việc triển khai theo phương án trên sẽ giúp giảm ùn tắc rất lớn cho quốc lộ 13 và tạo kết nối đồng bộ với hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh - cũng đang được nghiên cứu làm trên cao.

Ngoài tuyến quốc lộ trên, dự án đường trục Bắc - Nam, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài khoảng 8,6 km, cũng được đề xuất chủ yếu làm trên cao giúp hạn chế giao cắt với các đường hiện hữu. Theo cách này, dự án cần tổng vốn gần 8.500 tỷ đồng, nhiều hơn so với đi thấp khoảng 1.000 tỷ. Tương tự, dự án cầu - đường Bình Tiên, đoạn từ đường Phạm Văn Chí tới Nguyễn Văn Linh dài khoảng 3,6 km cũng được đề xuất đi trên cao bằng cầu cạn, tổng vốn ước tính hơn 6.863 tỷ đồng.

Riêng hai dự án còn lại là nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) và quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3), liên danh tư vấn đề xuất đi thấp kết hợp làm các nút giao khác mức. Tổng mức đầu tư hai công trình lần lượt được ước tính gần 16.000 tỷ đồng và hơn 8.800 tỷ đồng.

Để triển khai các dự án, ngân sách tham gia khoảng 50-70%, còn lại nhà đầu tư BOT tự sắp xếp, bao gồm vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng. Phương án thu phí được tư vấn đưa ra với nhiều kịch bản, nhưng sẽ linh hoạt theo hướng xe đi trên cao chịu giá vé cao hơn dưới thấp. Việc thu phí sẽ áp dụng theo vé lượt hoặc tính theo km.

Đề xuất làm trên cao 3 trục đường cửa ngõ TP HCM

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), nói tại hội nghị, chiều 14/11. Ảnh: Gia Minh

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), cho rằng phương án đi trên cao sẽ có chi phí đầu tư đắt đỏ. Ngoài ra, làm trên cao sẽ chỉ tạo kết nối hai đầu mà không phân bổ được lưu lượng xe trên tuyến. Vì vậy, ông cho rằng trước mắt vẫn giữ tuyến đi thấp và chỉ làm trên cao khi nhu cầu đi lại lớn. Trong hợp đồng ký với nhà đầu tư, thành phố có thể ràng buộc họ bằng điều khoản làm trên cao khi lưu lượng xe tăng cao, khi đó cũng không cần lập một dự án mới nên sẽ thuận lợi triển khai.

Theo đại diện CII, để dự án hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, thành phố nên tách giải phóng mặt bằng làm dự án độc lập và sử dụng ngân sách để chi trả. Khâu đền bù, giải tỏa cần hoàn thành trước khi thi công nhằm tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. "Ngoài ra, những dự án này không nên áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu. Nhà đầu tư nào đã tham gia thì cần xác định lời ăn lỗ chịu", ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, cho rằng nên hạn chế làm đường trên cao nhằm hạn chế ảnh hưởng cảnh quan, giảm chi phí. Để hạn chế xung đột tại các nút giao, thành phố có thể tính toán xây hầm ngầm. Việc thu phí nên áp dụng theo km, thay vì theo lượt nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng.

Đề xuất làm trên cao 3 trục đường cửa ngõ TP HCM

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nói tại hội nghị, chiều 14/11. Ảnh: Gia Minh

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, cho biết trước đây thành phố từng triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu, như mở rộng Xa lộ Hà Nội (hiện là đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 1. Tuy nhiên, hình thức này sau đó chỉ được áp dụng ở các trục đường mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trong điều kiện nhiều tuyến đường chưa thể mở rộng như quy hoạch, thiếu vốn, TP HCM sau đó đề xuất và được Quốc hội cho cơ chế đặc thù để thí điểm hình thức trên. Mục tiêu chính của 5 dự án BOT này là giúp tăng năng lực thông hành các trục đường chính, giảm ùn tắc, thuận lợi cho người dân đi lại.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho rằng việc triển khai BOT trên đường hiện hữu rất phức tạp, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phải tạo sự đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, ngành giao thông thành phố sẽ tiếp thu ý kiến từ các đơn vị liên quan và phối hợp với tư vấn hoàn chỉnh các phương án nhằm phù hợp triển khai.

Theo ông Lâm, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 hồ sơ chuẩn bị dự án sẽ hoàn tất, sau đó chọn nhà đầu tư và khởi công trước những dự án có điều kiện thuận lợi vào năm sau.

Các bác có thể xem tại đây:

>>>> Xem thêm:
Các bác thấy sao về phương án làm đường trên cao?