Chào các bác, hiện tại em sắp sửa lên đường trải nghiệm KTM Duke 390 2018 qua các cung đường từ SG-Nha Trang-Quy Nhơn-Đà Lạt. Tuy thời gian và hành trình không dài nhưng em sẽ cố gắng test xe tại mọi điều kiện đường để có thể đánh giá qua các tiêu chí như: có phù hợp giá tiền không, so với các xe khác (MT3, Ninja 300, CB500F-500X blah blah) thì thế nào, so với Duke 390 đời cũ có gì khác biệt không. Cứ cuối mỗi chặng em sẽ gửi đến các bác đánh giá của em, hình ảnh trực quan nhất có thể. Mời các bác theo dõi ạ. Đầu tiên sau 2 ngày cầm xe lanh quanh Sài Gòn thì em xin giới thiệu các điểm mới của Duke 390 so với đời cũ.[pagebreak][/pagebreak]
1. Thiết kế ngoại hình mới
Đây có thể gọi là cuộc lột xác hoàn toàn của hãng xe Áo, nhìn vào nó không còn là mẫu xe “hợp túi tiền” nữa. Các ốp nhựa trước, giữa và cuối xe được thiết kế lại điệu đà hơn, khung sườn mới 2 màu trắng cam, trục cơ sở ngắn hơn 10mm với phiên bản cũ (1367mm vs. 1357mm), và đặc biệt nhất là đầu đèn mới full LED giống hệt người anh “khủng long” Super Duke 1290.
2. Trang bị điện tử nhiều hơn
- Ga điện tử: Duke 390 mới có ga điện tử chứ không phải dây ga cơ nữa. Tính năng này thật sự mà nói là không phải xe PKL đắt tiền nào cũng có đâu. Cảm giác ga lúc em điều khiển nó nhạy nhưng không giật hỗn. Ga rất nhuyễn, mịn và em điều khiển được các dãy tua ở quãng ga giữa rất dễ dàng.
- ABS: Em thích nhất là 3 chế độ ABS: off - road - và supermoto. Supermoto là chế độ tắt ABS chỉ ở bánh sau giúp cho bác nào máu me mang xe vào track và slide bánh sau vào cua như mấy con supermoto chuyên nghiệp có thể thử sức. Tuy nhiên kỹ thuật này cũng đòi hỏi không ít sự luyện tập, vì tắt ABS không có nghĩa là chúng ta khóa bánh sau mà trượt vào cua, bánh sau vẫn quay và trượt nhờ vào tác động của chân phanh, thao tác trả số và tay phanh trước. Em sẽ cố gắng “demo” thử cho các bác xem, hy vọng không xòe
- Màn hình điện tử đa màu TFT: hiển thị đầy đủ chức năng, màn hình này hay ở chỗ là nó có cảm biến ánh sáng: khi trời nắng chói thì nền đồng hồ sẽ có màu trắng còn khi di chuyển vào đường có bóng râm hay đường tối thui không có đèn nó sẽ chuyển sang nền đen giúp chúng ta không bị chói mắt. Em đã thử test đồng hồ ngoài trời nắng gắt thì nó không hề bị chói, ban đêm cũng vậy: sáng vừa đủ nhìn. Tuy nhiên có 1 điểm trừ là giao diện của đồng hồ này không thật sự bắt mắt hay “ready to race” xíu nào. Nó có vẻ hơi hiền, hy vọng tới đời sau thì KTM họ sẽ cho chúng ta 1 giao diện dữ dằn hơn.
- À, KTM còn có chức năng kết nối xe với smartphone gọi là KTM My Ride. Về cái chức năng này thì các bác đợi em trải nghiệm đầy đủ sẽ cho các bác đánh giá sát sao nhất nha. Còn bây giờ thì mình chỉ biết là nó hiển thị notification lên màn hình xe, bấm chuyển bài hát trên cùm công tắc bên trái.
3. Động cơ mượt hơn
Dù yếu hơn phiên bản trước 1 ngựa (43hp@9000rpm vs. 44hp@9500rpm) nhưng mô men xoắn lại lớn hơn và đến sớm hơn: với 37Nm@7000rpm thay vì 35Nm@7250rpm, xe thì nặng hơn (163kg vs. 139kg) nhưng bù lại chúng ta có:
- Thanh cân bằng mới (balancer shaft) xe đỡ rung hơn trước nhiều
- Cấu tạo đầu bò (đầu quy lát) giống như Superduke 1290 với bạc đạn cam đôi được phủ carbon giúp nó bền hơn, hoạt động cường độ cao ổn định hơn
- Họng ga 46mm với bướm ga điện tử được map lại giúp xe mượt hơn. Em điều khiển trong thành phố mà thấy động cơ 1 xylanh này mượt không kém gì xe 2 xylanh. Các bác nào nói nó không giật cục gây phấn khích nữa thì có thể thử dồn số gấp, phanh trước gấp rồi úp cua sẽ thấy nó giật cho xem.
Ngoài ra thì vẫn có slipper clutch, thao tác vặn ga tăng tốc, sang số rất mượt, nói chung là xe street ride nên họ không thể làm 1 chiếc xe quá khó điều khiển như các đời trước nữa. Đa số các trang như MCN, Revzilla đều đánh giá cao động cơ mới của Duke 390 nên không có lý do gì em đi chê nó cả. Có chăng là khi kẹt xe thì xe nó nóng lắm, quen rồi thì không sao vì xe nào mà chả nóng nhưng đối với bác nào lần đầu mua PKL thì quả là cực hình
4. Thân thiện người lái: tư thế ngồi mới
Yên cao hơn đời trước: 830mm vs. 800mm, yên sau cũng cao hơn, đòn ngắn hơn nên người ngồi sau sẽ hơi vất vả. Còn vị trí người lái thì thoải mái, gác chân cao và đưa về sau hơn, tay lái cũng hẹp hơn cho tư thế ngồi “hổ báo” hơn. Yên trước khá rộng, nên người cao trên 1m8 cũng cảm thấy thoải mái. Như em đã nói ở trên thì xe mượt hơn nên sẽ dễ điều khiển hơn, gia tốc đủ tốt để cảm thấy phấn khích trong đường thành phố còn đi tour thì em sẽ cập nhật cho các bác sau ạ.
Tuy nhiên có điểm trừ ở hệ thống đèn pha trước, dù là xài bóng LED nhưng em vẫn thấy nó không bám đường, nếu có điều kiện nên gắn thêm LED trợ sáng để dùng mỗi khi đi tour. Còn trong thành phố thì đèn này đủ xài rồi.
Bình xăng dung tích lớn hơn (13.5L vs. 11L), phuộc trước sau cùng kích thước nhưng cấu tạo phía trong đã được điều chỉnh lại rất êm nha các bác, không bị cảm giác xóc nảy người lên khi leo vỉa hè hay lọt ổ gà to nữa. Phanh đĩa trước đường kính to hơn (320mm vs. 300mm), nên phanh trước sẽ ăn hơn, giật hơn phiên bản trước. Tay phanh và côn có nút “6 số” điều chỉnh khoảng cách xa/gần tay cầm.
Về giá bán thì Duke 390 mới có giá ra biển khoảng 178 triệu đồng nếu đặt cọc trước. Em ở tỉnh nên chắc giá ra biển còn mềm hơn nữa
Các tiêu chí đánh giá khác em sẽ cập nhật sau, mời các bác theo dõi để có cái nhìn sâu hơn về xe nhé! Cảm ơn các bác!
Thêm hình ảnh con Duke 390 mới: