Theo một số nguồn tin, anh Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Dienmay.com, đồng thời phụ trách mảng web của Thế Giới Di Động sẽ nghỉ việc trong thời gian tới.
Anh Đinh Anh Huân
Anh Huân được biết tới với việc lập ra chuỗi bán hàng Thế Giới Điện Tử (nay là Dienmay.com). Dienmay là kết quả của sự hợp tác giữa Thế Giới Di Động và các đối tác. Hệ thống này là bước tiến của TGDĐ ra khỏi hoạt động kinh doanh “di động” truyền thống.
Khoảng 1 năm trước đây, giới công nghệ nước nhà xôn xao việc TGDĐ mua lại tên miền Dienmay.com và định giá tên miền này 10 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, anh Huân cho biết: “Tên miền này hiện nay đã có trung bình hơn 100.000 người tìm kiếm/ngày. Nếu nhân lượng khách hàng trên cho 1 năm thì trung bình một năm có 36 triệu khách hàng biết tới
www.dienmay.com. 10 tỷ đồng để có lượng khách hàng trên trong một năm là một chi phí đầu tư rất thấp và hiệu quả nên giá trị của tên miền này như vậy cũng là hợp lý.”
Ngoài ra, anh Huân còn là người đã có công lớn trong việc xây dựng hệ thống website Thegioididong.com và Dienmay.com. Sự ra đi của anh Huân (nếu có) sẽ là một mất mát lớn cho TGDĐ trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến.
Sự thay đổi nhân lực cao cấp này liệu có đi kèm với thay đổi về chiến lược kinh doanh của TGDĐ? Khi mới đây, một số nguồn tin cho GenK hay dự án lập chuỗi Café công nghệ CafeF1 đã chuyển đổi mô hình hoạt động. Dự án này được đánh giá là con bài chiến lược của TGDĐ để đẩy mạnh mảng kinh doanh smartphone và tablet. CafeF1 là câu trả lời của TGDĐ trước sự phát triển của các cửa hàng chuyên doanh smartphone nổi lên vài năm gần đây như Mai Nguyên hay Hnam.
Ngoài ra, trong thời điểm thị trường điện máy gặp khó khăn với cái chết của Wonderbuy, sự kinh doanh ảm đạm dẫn tới việc Best Carings chuẩn bị khai tử. Thì tin tức về sự ra đi của anh Huân càng vẽ lên sự ảm đạm của thị trường này. Liệu một doanh nghiệp với khả năng tài chính dồi dào và có nhiều kinh nghiệm bán lẻ như TGDĐ, có đủ sức đứng vững ở mảng kinh doanh rất khó khăn nhưng đầy tiền năng như thị trường điện máy? Khi mà chính anh Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc TGDĐ cho rằng: “Thị trường điện máy có quy mô lớn gấp 3 lần điện thoại, nhưng số người kinh doanh điện thoại lớn gấp 10 điện máy.”
Ngày khai trương một siêu thị của Dienmay.com
Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế khó khăn, sự xuống dốc của thị trường điện máy là có thể thấy rõ. Khi người dân phải tiết kiệm chi phí để tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, thì mua sắm các thiết bị điện máy có lẽ đã nằm trong danh sách cắt giảm của nhiều người. Nói về khó khăn của thị trường, anh Đinh Anh Huân cho biết doanh thu của nhiều siêu thị giảm tới 9 lần, “Hiện nay, doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày so với khoảng 1 tỉ đồng/ngày vào thời điểm cực thịnh”, theo Nhịp cầu đầu tư.
Hơn nữa, thị trường này đang gặp áp lực rất lớn. Trong khi các chi phí đầu vào tăng cao, thì hàng hóa tồn đọng quá lớn, dẫn tới các doanh nghiệp không thể tăng giá, mà lại phải giảm giá sâu để xả hàng. Anh Huân thừa nhận: nếu tính từ khâu phân phối, xuống khâu bán lẻ đến giá cho người tiêu dùng đầu cuối, để "cầm cự qua ngày", ít nhất giá phải tăng khoảng 15% - 18% so với hồi trước Tết, do các chi phí đều tăng, nhưng tất cả không thể tăng giá bán, theo VEF.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thêm vấn đề này trong thời gian tới.
Theo Genk/MaskOnline
Nguồn:
http://biz.cafef.vn/20120502021433435CA48/tong-giam-doc-dienmaycom-nghi-viec.chn