Đường đua F1 2020 tại Việt Nam vừa chính thức hoàn thành thi công với đoạn đường đua dài 150m cuối cùng được kết thúc. Tất cả mọi thứ đã vào vị trí sẵn sàng cho một trong những sự kiện thể thao tốc độ đáng mong chờ nhất năm nay. Vì vậy chúng ta hãy cùng xem qua những điều thú vị xoay quanh đường đua này nhé.
Việt Nam lần đầu đăng cai giải đua xe F1 2020
Mùa giải F1 2020 sẽ là một mùa giải đầy ấn tượng với việc lần đầu tiên trong lịch sử, lịch đua của một mùa giải F1 có tới 22 chặng đua, với 10 chặng đua ở châu Âu, 7 chặng đua ở châu Á, 4 chặng ở châu Mỹ và 1 chặng ở châu Úc.
Trong đó 2 địa điểm mới đã được thêm vào lịch thi đấu năm nay bao gồm đường đua cũ ở Zandvoort, Hà Lan đang trong giai đoạn nâng cấp để đáp ứng chuẩn mới của F1 2020 và đường đua Mỹ Đình, Hà Nội ở Việt Nam.
Việt Nam sẽ lần đầu tiên đăng cai chặng đua F1 trong năm 2020, trở thành quốc gia thứ 34 tham gia vào giải vô địch đua xe F1, trên đường đua tại Hà Nội vào ngày 5/4.
Đường đua dài 5,607km đầy thách thức không chỉ với các đội đua mà còn với ban tổ chức F1 Việt Nam
Được thiết lập để trở thành một trong những vòng đua đầy thử thách và thú vị nhất trong môn thể thao tốc độ này, Vòng đua Hà Nội sẽ là nơi diễn ra vòng thứ ba Giải vô địch thế giới FIA Formula 1 vào cuối tuần từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 4.
Đường đua F1 Việt Nam do Motorsports trực thuộc F1 phối hợp cùng các kỹ sư Công ty Tilke (Đức) thiết kế. Đường đua có chiều dài tổng cộng 5,607km với 23 khúc cua. Bên cạnh đó nó còn sở hữu thiết kế “lai” rất độc đáo giữa những đoạn đường đua được xây dựng với các đặc điểm của các đoạn đường phố.
Đường đua Hà Nội là đường đua theo tiêu chuẩn Grade 1, tiêu chuẩn cao nhất của giải đua xe Công thức 1 với yêu cầu cao và khắt khe về kỹ thuật. Các đoạn đường được trải 3 lớp nhựa asphalt đặc chủng được sản xuất chuyên biệt.
Tất cả nguyên vật liệu kết cấu của bề mặt đường đua đều 100% có nguồn gốc từ Việt Nam. Đó là nhờ công sức của các kỹ sư Việt Nam rà soát từ Nam chí Bắc với hàng loạt các thử nghiệm tại nhiều hầm mỏ khác nhau để tìm ra chất liệu tốt nhất và phù hợp nhất.
Nguyên mẫu của những lớp nhựa này được gửi tới các phòng thí nghiệm tại Singapore và Đức để thử nghiệm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về độ ma sát và độ mịn để khi những chiếc xe đua đạt tốc độ 335km/h, mặt đường sẽ không bị bắn đất đá lên.
Những lớp đá cuối cùng được chọn để làm lớp phủ cuối cùng cho bề mặt đường đua được lấy từ tỉnh Quảng Ninh và phải trải qua một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt đáp ứng tiêu chuẩn grade 1 của F1.
Bà Lê Ngọc Chi - CEO của VietNam Grand Prix 2020 chia sẻ:
Chúng tôi phải nghiền những nguyên vật liệu này ra theo kích thước được quy định sau đó gửi về Hà Nội. Chúng tôi đã phải xây các nhà máy xử lý và sản xuất hỗn hợp bề mặt đường này theo tiêu chuẩn mà FIA đặt ra và nhập khẩu các loại máy móc từ nước ngoài, do đó chúng tôi cũng phải thuê các chuyên gia nước ngoài về đào tạo các kỹ thuật viên tại nhà máy
Bà cũng chia sẻ thêm:
Việc lát nền cũng nhiều thử thách không kém khi những gì chúng ta thường làm với đường giao thông bình thường không thể áp dụng cho đường đua F1. Đơn cử như việc chúng tôi không thể tạo ra quá nhiều chỗ ghép nối trên đường đua vì thế chúng tôi đã phải thực hiện theo từng đoạn dài tầm 1km, cứ như thế. Ngoài ra những chỗ nối tiếp phải thật liền mạch và mượt mà
Khán đài đường đua công thức 1 Hà Nội mang tên địa danh nổi tiếng Việt Nam
Đường đua Hà Nội được thiết kế bao gồm 9 khán đài, được đặt tên theo thứ tự trải dài từ Bắc vào Nam, từ các khúc cua đầu tiên đến khúc cua cuối cùng với các tên gọi lần lượt là Khán đài Thăng Long, Hải Phòng, Hạ Long, Huế Matrix One, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ, Phú Quốc. Các tên gọi cũng được lựa chọn căn cứ trên đặc điểm của các khúc cua tại vị trí đặt khán đài.
Trước đó, tòa nhà điều hành Pit dài 300m - biểu tượng của đường đua F1 Việt Nam được lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long và Khuê Văn Các, hai biểu tượng đại diện cho lịch sử lâu đời và di sản văn hóa dồi dào của đất nước - cũng đã chính thức hoàn công.