Trong tháng này, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị TPDN đến hạn) và doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Đặc biệt, sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh. Điển hình, trong tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163 ngàn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi đó, lượng phát hành TPDN mới giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến 30/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bất động sản ( BĐS ) là câu chuyện dòng tiền rất lớn, gắn chặt với thị trường tài chính và hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, cần thúc đẩy cả 2 thị trường này.
Theo ông Thành, trước mắt cần tạo ra môi trường chính trị ổn định để tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, đóng băng. Thứ hai là minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính và tiền tệ.
Nếu xử lý được hai vấn đề vừa nêu thì mối quan hệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp BĐS mới có thể về trạng thái dòng tiền dịch chuyển bình thường.
Minh họa cho chia sẻ của mình, chuyên gia Võ Trí Thành lấy câu chuyện của Trung Quốc – quốc gia có những nét tương đồng về BĐS và tiền tệ với Việt Nam.
Theo đó, đầu tiên cần phải đảm bảo rằng các điều kiện để dòng tiền có thể tiếp sức, “bơm máu” cho các dự án BĐS không quá ngặt nghèo.
Thứ hai, để các doanh nghiệp BĐS thực hiện dự án tiếp tục phát hành trái phiếu, có thể là đảo nợ, có thể là triển khai dự án cho dòng tiền được tiếp tục.
Thứ ba là chính sách cần tập trung để giải quyết, phát triển quan hệ cung cầu dựa trên nhu cầu thật.