Xe chưa đăng kiểm được không thể sử dụng để kinh doanh, thiệt hại doanh thu bình quân 150 triệu đồng/xe/tháng, chưa kể tiền lương nhân viên, tài xế... thậm chí là đền hợp đồng. Ai sẽ gánh chịu cho doanh nghiệp vận tải?
*Ảnh minh họa
Nhìn bên ngoài, các trung tâm đăng kiểm đã vắng vẻ, nhưng thực tế chủ doanh nghiệp, chủ xe đang rối bời vì ùn tắc diễn ra trên ứng dụng và phải xếp hàng gần 2 tháng mới đến lượt kiểm định.
Từ TP.HCM chạy về... Hậu Giang xếp hàng
Anh Nguyễn Vân Ngọc, một chủ ô tô ngụ tại Q.7 (TP.HCM), bức xúc kể:
"Tôi đã biết tình cảnh khổ sở vì đăng kiểm qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi chính mình đi kiểm định mới thấy khổ gấp nhiều lần. Hiện nay hầu như các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đều thực hiện đăng ký lịch hẹn qua ứng dụng trên điện thoại, nhưng khi tôi vào để đặt lịch thì không còn một chỗ trống ở tất cả các trạm trên cả nước.
Xếp hàng chờ nhận phiếu hẹn đăng kiểm tại TTĐK 50-05V (Q.Tân Bình, TP.HCM) ngày 19.4
Xe của tôi đến ngày 20.4 vừa rồi hết hạn kiểm định, tôi chỉ tìm được thời gian còn trống vào lúc 15 giờ 30 ngày 21.4 tại TTĐK 95-01D tỉnh Hậu Giang. Từ TP.HCM, tôi phải vượt quãng đường gần 200 km chạy về Hậu Giang trước 2 ngày và nằm vạ vật ở đó chờ kiểm định theo lịch hẹn. Nhưng vẫn chưa hết khổ, đến 15 giờ 30 ngày 21.4, khi xe của tôi đến giờ hẹn kiểm định thì vẫn còn một hàng dài xe chờ đợi ở phía trước.
Đăng kiểm đã chuyển ùn tắc lên ứng dụng điện thoại
Giữa cái nắng nóng oi bức, hàng trăm tài xế, chủ xe, trong đó có tôi đứng ngồi lê lết để chờ đợi nhích xe từng chút vào khu vực kiểm định. Khách quan mà nói thì các kiểm định viên cũng nỗ lực hết sức làm cả ngày đêm để đáp ứng tiến độ và cũng sốt ruột trước sự chờ đợi kéo dài của người dân. Ngay cả giám đốc TTĐK này cũng đích thân tham gia vào công việc kiểm định, nhưng trước sự quá tải cũng như phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy trình, đến tận 11 giờ đêm ngày 21.4 thì xe tôi mới đăng kiểm xong. Tôi không hiểu tại sao tình trạng này kéo dài khá lâu rồi mà vẫn chưa khắc phục được, thậm chí còn khiến người đi kiểm định khổ sở hơn?".
"Tôi không hiểu tại sao tình trạng này kéo dài khá lâu rồi mà vẫn chưa khắc phục được, thậm chí còn khiến người đi kiểm định khổ sở hơn?"
- Anh Nguyễn Vân Ngọc, một chủ ô tô ngụ tại Q.7 (TP.HCM)
Anh Minh Long, chủ một doanh nghiệp (DN) vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu với đội xe hơn 40 chiếc, còn bi đát hơn. Do tình hình ùn tắc trên ứng dụng đăng kiểm gần đây khiến các DN vận tải phải huy động nhân viên với chỉ một công việc là... đăng ký kiểm định. Theo quy định, 1 số điện thoại chỉ đăng ký tối đa cho 5 phương tiện, vì vậy đội xe của công ty anh Long hàng chục chiếc nên phải huy động nhiều người cùng tìm vị trí còn trống để đăng ký kiểm định. Là DN vận tải nên anh Long rất cẩn thận đối với việc đăng kiểm, vì ngoài việc bị xử phạt theo quy định, còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo hiểm nếu xảy ra sự cố.
"Theo kế hoạch đăng kiểm, một số xe của tôi đã xếp được lịch hẹn vào ngày 18.4 tại TTĐK 72-03D. Tuy nhiên, gần đến ngày kiểm định thì hàng loạt xe nhận được thông báo hủy do "hệ thống bị lỗi". Chúng tôi liên lạc theo số hotline trên thông báo nhưng không có ai nghe máy. Khi mang xe trực tiếp đến TTĐK thì tại đây cũng không tiếp nhận và từ chối giải quyết với thái độ thiếu trách nhiệm. Sau khi bị hủy hàng loạt lịch hẹn như thế, công ty chúng tôi đã có 6 phương tiện hết hạn kiểm định mà đăng ký lại thì đến giữa tháng 6 mới có lịch trống. Trong thời gian này chúng tôi không thể sử dụng xe để kinh doanh, thiệt hại doanh thu bình quân 150 triệu đồng/xe/tháng, chưa kể tiền lương nhân viên, tài xế... Ai sẽ gánh chịu cho chúng tôi?", anh Long bức xúc.
Loay hoay chưa có lối ra
Từ khi các TTĐK đồng loạt áp dụng việc đăng ký qua ứng dụng hoặc qua website đã giảm bớt tình trạng xếp hàng chờ đợi gây ùn tắc tại chỗ, nhưng thực tế như Thanh Niên đã phản ánh, ùn tắc dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong khi nhu cầu kiểm định thuận tiện của người dân lại không được đáp ứng. Một số TTĐK chưa áp dụng đặt lịch qua ứng dụng thì cũng phải xếp hàng bốc số thứ tự theo thời gian thông báo, rất phiền phức và mất thời gian chờ đợi.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua (23.4), ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, chia sẻ: "
Thực tế từ nhiều tháng nay hiệp hội chúng tôi nhận được rất nhiều phản ảnh, bức xúc của các DN hội viên liên quan đến vấn đề đăng kiểm. Tất cả các DN trong ngành đều quan ngại về nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN vì sẽ bị phạt, bị chậm thực hiện các hợp đồng vận chuyển của khách hàng, và ở một góc độ nào đó gây tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác".
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện nay thông tư mới đã có hiệu lực thi hành đối với xe chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu. Giải pháp này ít nhiều cũng có tác động, tuy nhiên số lượng xe thuộc diện miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng 500.000 xe và rải đều trong năm. Do vậy nhóm xe này không đủ tác động làm giảm nhu cầu đăng kiểm hiện nay. Số liệu của Cục Đăng kiểm VN công bố sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng là giãn ở chu kỳ kiểm định tiếp theo. Do vậy số lượng xe đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Quyền phân tích:
"Tại kỳ đại hội mới đây, các thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã cùng thảo luận đề xuất giải pháp, nhưng chúng tôi nhận thấy với tình hình giảm sút nhân sự, giảm bớt công suất và năng lực kiểm định như hiện tại, chỉ có cách duy nhất là thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại. Nếu xe không kinh doanh (xe cá nhân, xe gia đình) không bị áp lực phải dồn đi kiểm định, thì cơ hội sẽ dành cho các loại phương tiện khác và như thế sẽ giảm bớt ùn tắc".
Hiện nay, đề xuất trên của Hiệp hội Vận tải ô tô VN vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực. Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, kiến nghị:
"Hiệp hội chúng tôi đề xuất cho tất cả các phương tiện đang hoạt động dưới 3 năm đối với xe kinh doanh và 5 năm đối với xe không kinh doanh được miễn kiểm định 3 tháng đến 6 tháng khi đến hạn. Cụ thể, họ chỉ cần mang giấy tờ đến để kiểm tra và được cấp tem kiểm định tiếp theo. Hoặc nếu bí bách quá thì ngành công an có thể thông báo sẽ không xử phạt lỗi quá hạn kiểm định trong thời gian vài tháng để giảm áp lực đổ dồn đi đăng kiểm".
Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất hiện nay đều đang bị vướng các quy định. Ví dụ, nếu không có giấy đăng kiểm đúng quy định mà xảy ra tai nạn hay va quẹt, các chủ phương tiện sẽ không được công ty bảo hiểm giải quyết bồi hoàn, thậm chí còn bị quy trách nhiệm. Do vậy, vấn đề ùn tắc đăng kiểm khó có thể giải quyết ngay được. Giải pháp khả dĩ nhất là cải thiện các tính năng của ứng dụng TTDK. Một số chủ xe kiến nghị ứng dụng nên ưu tiên xe sắp tới hạn được kiểm định trước; việc "hủy lịch" vô cớ cũng cần được khắc phục ngay để tránh gây phiền hà, thiệt hại cho người dân.
"Để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm xe, đề nghị Bộ GTVT xem xét chỉ đạo, cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại. Theo đó, xe thuộc diện giãn chu kỳ kiểm định theo Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT thì chủ xe chỉ mang theo các giấy tờ cần thiết gồm đăng ký xe, sổ kiểm định đến TTĐK để làm thủ tục và được cấp tem kiểm định mới phù hợp với thời gian được tăng chu kỳ kiểm định theo quy định của thông tư này".
Đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô VN
Theo
thanhnien
Xem thêm: