<h2>Giảm thuế ôtô Asean: Chẳng được lợi gì</h2>
27/02/2014 10:33
“Mức thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ hạ xuống 0% vào năm 2018 có khiến các sản phẩm ô tô lắp ráp tại Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi nội khối ASEAN nếu xuất khẩu sang các thị trường này hay không” là câu hỏi khó trả lời.
Rất nhiều người hy vọng, việc Mercedes Benz Việt Nam đầu tư thêm xưởng sơn tĩnh điện trị giá gần 10 triệu USD để lắp ráp xe Mercedes Benz S - Class tại Việt Nam hứa hẹn những lợi thế nhất định của sản phẩm này nếu xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN.
Về thủ tục, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho hay, theo kinh nghiệm với xe máy xuất khẩu, để được hưởng thuế ưu đãi ASEAN khi xuất khẩu sang các thị trường nội khối, sản phẩm phải đạt hàm lượng nội địa hóa là 40% trở lên. Tỷ lệ nội địa hóa này có thể được sản xuất tại Việt Nam hay các nước ASEAN khác, nhưng nếu mua từ các nước ASEAN khác thì hồ sơ nộp cho cơ quan cấp xuất xứ tại Việt Nam cũng phải có chứng minh về hàm lượng nội địa hóa ASEAN của linh, phụ tùng kia.
ô-tô, xuất-khẩu, nhập-khẩu, nhập-lậu, xe-sang, nguyên-chiếc, lắp-rắp, công-nghệ, tụt-hậu
Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Đức được lắp ráp xe S-Class.
Nơi cấp xuất xứ (C/O) form D cho các hàng hóa tại Việt Nam hiện nay là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Cơ quan này căn cứ trên hồ sơ của doanh nghiệp và sẽ tham vấn với Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Công thương về hoạt động của doanh nghiệp trước khi cấp C/O form D cho sản phẩm liên quan được xuất khẩu từ Việt Nam.
“Quy trình cũng không có gì khó khăn, miễn là doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ để chứng minh hàm lượng nội địa hóa của mình”, là nhận xét của đại diện Công ty Toyota Việt Nam.
Như vậy, nếu muốn hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khi xuất vào các thị trường khác trong ASEAN, S - Class của Mercedes Benz Việt Nam hay bất cứ sản phẩm ô tô của hãng nào sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải thỏa mãn tỷ lệ nội địa hóa ASEAN từ 40% trở lên.
Với S-Class, quá trình lắp ráp tại Việt Nam được bắt đầu vào ngày 9/9/2013 khi khung xe đầu tiên được đóng thử nghiệm. Khung xe này tiếp tục được sơn nhúng tĩnh điện theo công nghệ Zircobond hiện đại bậc nhất và sơn màu vào cuối tháng 10. Từ ngày 4/11, chiếc xe được lắp ráp động cơ, các cơ cấu truyền động, hệ thống điện tử và khoang nội thất. Những linh kiện và bộ phận này được nhập khẩu trực tiếp từ Đức. Chiếc xe đã đi qua 4 cổng kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn của Mercedes-Benz, bao gồm kiểm tra thân xe, kiểm tra chất lượng sơn, kiểm tra trong chuyền lắp ráp (kiểm tra gầm và động cơ, kiểm tra nội thất, kiểm tra xuất xưởng) và kiểm tra tổng thể.
Với thực tế này, chiếc S-class S400 lắp ráp tại Việt Nam có giá chỉ còn 3,48 tỷ đồng, rẻ hơn tới cả tỷ đồng so sánh với xe nhập khẩu nguyên chiếc khi được công bố tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2013. Sự chênh lệch này là do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Đức về hiện vẫn trên 70%, trong khi với bộ linh kiện tối đa chỉ có 25%.
Tuy nhiên, không phải sản xuất tại Việt Nam là có thể đạt xuất xứ form D để hưởng ưu đãi thuế khi vào các thị trường ASEAN khác so với nhập khẩu từ ngoài ASEAN. Để có giá tốt ở các thị trường ASEAN khác, S-Class lắp ráp tại Việt Nam phải chứng minh có tỷ lệ nội địa hóa ASEAN từ 40% trở lên. Nhưng thực tế của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, chưa có sản phẩm ô tô nào lắp ráp tại Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%. Cho tới nay, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm ô tô cao nhất vẫn thuộc về Toyota Việt Nam. Có 15 vệ tinh và đã nội địa hóa được 12 chi tiết và cụm chi tiết cũng như có đủ các công đoạn sản xuất ô tô từ dập, hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định nhưng các sản phẩm ô tô của Toyota Việt Nam mới đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 19-37%.
Cũng có thể tìm kiếm các linh, phụ kiện khác được sản xuất trong nội khối ASEAN để đạt được hàm lượng này nhưng có thực tế là công nghiệp hỗ trợ và ô tô của Việt Nam hiện nay kém hơn hẳn một số nước ASEAN khác. Bởi vậy, khó có chuyện ngược đời là mua linh phụ kiện từ các trung tâm có công nghiệp hỗ trợ phát triển tại ASEAN, mang về Việt Nam lắp ráp, rồi xuất khẩu sang các nước ASEAN khác để được hưởng thuế ưu đãi.
Nghiên cứu của Công ty Frost & Sullivan dựa trên mức thuế suất nhập khẩu là 0% với xe hơi và linh phụ kiện được sản xuất tại các nước ASEAN dự báo, tới năm 2018, lượng xe hơi tiêu thụ tại khu vực ASEAN sẽ đạt đến 4,7 triệu chiếc các loại, tăng gần gấp đôi so với con số 2,4 triệu chiếc của năm 2011. Trong khi Thái Lan hay gần đây là Indonexia đã hút được rất nhiều đầu tư của các đại gia ô tô lớn trên thế giới tới đặt nhà máy lẫn các vệ tinh sản xuất linh phụ kiện thì cơ hội dành cho Việt Nam lại ít hơn hẳn. Thực tế này khiến cơ hội có ô tô xuất khẩu từ Việt Nam với giá mềm còn xa vời.