Bài này do bác Nta cung cấp
Thanks for sharing. Cảm ơn bác Phạm Đình
Ko bíet Innova xài engine interfe hay Non -Interfe.
"
Phạm Ðình
Chúng ta đang nói về hệ thống dây kéo trong xe hơi. Bài trước đã đề cập về Serpentine Belt, tức là sợi dây kéo các bộ phận phụ thuộc như máy lạnh A/C, tay lái tự động (power steering), máy phát điện (alternator), quạt (fan), động cơ bơm nước mát (water pump)... Ngoài Serpentine ra còn có một sợi dây kéo khác, kéo những bộ phận chính yếu hơn, đó là Timing Belt. Hôm nay chúng ta sẽ nói về Timing Belt.
Timing Belt là gì?
Timing belt nằm trên một bánh xe có răng ở đuôi của trục khuỷu (crankshaft) - tức là trục nối với Piston. Khi hiện tượng cháy nổ xảy ra trong lòng xi lanh, thì piston di chuyển, đẩy trục khuỷu này lăn, và Timing Belt chuyển động.
Ở đầu trên của máy là một hệ thống Valves có nhiệm vụ đóng mở xi lanh để đưa xăng và không khí vào tạo thành hỗn hợp cháy nổ, và một cơ chế để điều hành nhiệm vụ đóng mở Valves gọi là Camshaft. Ở cuối bộ phận Camshaft này cũng có một bánh xe răng cưa. Timing Belt chính là cái dây nối 2 bánh xe răng cưa ở crankshaft và camshaft. Ðể dễ hình dung, xin lấy thí dụ cái xích trong xe đạp nối hai vòng tròn răng cưa - một ở bàn đạp và một ở bánh sau. Cái Timing Belt cũng gần giống như sợi xích đó.
Gọi là Timing Belt là vì cái dây kéo này có nhiệm vụ giữ giờ (timing), tức là điều hợp hoạt động lên xuống của Piston ứng với thời điểm đóng và mở Valve trong mỗi xi lanh. Do cấu tạo về hình dạng, cứ mỗi một vòng quay của Camshaft sẽ ứng với 2 vòng Crankshaft, tạo ra trọn một chu kỳ cháy nổ trong xi lanh.
Nếu Timing Belt bị đứt thì sao?
Mô tả công việc của Timing Belt như vậy rồi, các bạn chắc cũng có thể tự đoán được việc gì sẽ xảy ra khi Timing Belt bị đứt: Camshaft không quay, thì hệ thống Valve không còn đóng mở được nữa, máy phải ngưng! Thế nhưng, lúc Timing Belt đứt, mọi sự sẽ đình trệ và các bộ phận hiện ở đâu thì cứ ở đó, như vậy chúng ta phải tự hỏi khi đó thì valve đang ở đâu, đóng hay mở? Nếu Valve mở thì sao, đóng thì sao?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết về 2 loại máy (engine) - xin dùng tên gọi tiếng Anh cho phổ thông - đó là: Interference Engine và Non-Interference Engine. Ðây là những thông tin rất cần thiết cho việc bảo trì hoặc thương lượng khi mua xe, mà chúng ta sẽ nói đến ở phần sau.
Trong đầu máy Interference Engine, thì Piston có thể vươn lên rất cao, sát với nắp Valve khi nó mở ra. Vì thế, hoạt động đầu máy phải được điều hợp rất nhịp nhàng, để khi Piston lên vừa tới đình thì Valve cũng kịp thời rút lại, sao cho 2 thứ đó không chạm vào nhau. Nay nếu Timing Belt đứt giữa lúc nắp Valve còn ở trong lòng xi-lanh, thì Piston trờ tới đánh vào Valve, khiến cho 2 thứ đều tổn hại, “anh vỡ đầu em bể mắt, v.v. Thậm chí cả bộ máy có thể tan tành.
Trong khi đó, nếu là đầu máy Non-Interference, điểm cao nhất mà Piston có thể vươn tới thì vẫn còn thấp hơn so với điểm thấp nhất mà nắp Valve có thể rủ xuống. Như vậy, nếu Timing Belt có đứt, 2 vật thể trên cũng không va vào nhau, máy không thể tự hủy được. Nhưng đầu máy nào chăng nữa, Interference hay Non-Interference, khi timing belt đứt, thì máy cũng ngừng không còn chạy nữa. Ðối với Interference, bạn có thể bị tiêu luôn cái đầu máy, phí tổn sửa chữa sẽ lên tới ba bốn ngàn đô. Ðối với Non-Interference, thì xe chết máy, bạn phải nhanh nhẹn cho xe sẵn đà lướt vào trong lề, rồi gọi xe Tow kéo về thay cái timing belt, phí tổn nhiều lắm cũng chưa tới $1000.
Bạn có thể tự hỏi, “Vậy đầu máy trong xe tôi thuộc loại gì? Interference hay Non-Interference? Tại sao lại phải chế ra máy Interference, nếu nó bất lợi như vậy?”
Câu hỏi này lẽ ra phải để dành khi nói về đầu máy, nhưng thực tế người ta chỉ hỏi đến nó khi đề cập tới những rủi ro liên quan Timing Belt mà thôi. Câu trả lời là tùy theo loại xe, đời xe. Chỉ xin nêu một thí dụ: Honda thường có đầu máy Non-Interference và Toyota thường dùng máy Interference. Tại sao lại kiến thiết máy Interference khi nó bất lợi như thế? Thực ra, nó chỉ bất lợi khi Timing Belt bị đứt giữa đường thôi. Trong điều kiện hoạt động bình thường, máy Interference lại có lợi hơn, do Valve mở rộng, đưa không khí vào nhanh hơn, nhiều hơn, nhờ thế tiến trình cháy nổ mạnh, và cấu trúc máy gọn gàng. Cháy nổ nhanh và mạnh thì đỡ hao xăng, cấu trúc máy nhỏ gọn thì giá thành nhẹ hơn. Ðó cũng là những lợi điểm mà chúng ta nhắm tới khi mua xe Toyota phải không bạn? Vậy nếu Timing Belt được bảo trì đều đặn, hoặc thay thế theo đúng lịch trình của nhà sản xuất, thì trường hợp đứt dây giữa đường khó có thể xảy ra.
Bảo Trì Timing Belt
Thực khó mà kiểm tra được tình trạng của Timing Belt. Trong khi đó, chúng ta lại chẳng có được một sự cảnh báo nào về việc cái belt sắp... ăn vạ để mà kịp thời thay thế. Trong đa số trường hợp, sự đề phòng duy nhất là thay Timing Belt theo thời biểu do nhà sản xuất đề nghị. Cái gì? Xe đang chạy ngon lành mà... đè ngửa ra thay belt? Có ai khùng như vậy không chứ? Nhất là phí tổn thay “beo” không phải là ít ỏi, nó có thể lên tới cả ngàn đô. Ấy là chưa kể những thứ phụ tùng khác phải thay thế trong cùng lúc Tuy nhiên đây là lúc chúng ta phải cắn răng chịu đựng, là vì nếu cái “beo” bị đứt giữa đường sự tốn kém chắc chắn còn cao hơn. Nhất là khi đầu máy xe của chúng ta thuộc loại Interference Engine. Có người ví nó như một trái bom nổ chậm, có thể bung bất cứ lúc nào sau khi đã đi hết cái thời gian hữu dụng của nó.
Vậy thời gian hữu dụng là bao nhiêu? Chuyện này cũng lại tùy từng loại xe. Thường thì Timing Belt được thiết kế để chung sống với xe qua 60,000 dặm đường dài, tức là khoảng 5 năm, đối với các dây kéo chế bằng cao su (Rubber). Có nhiều nhà sản xuất thấy rằng cái khoảng “đời sống” này ngắn ngủi quá, nên thay cao su bằng xích sắt và đổi tên nó thành Timing Chain, có tuổi thọ gấp đôi hoặc gấp 3, chạy được tới 150,000 hoặc 200,000 miles trước khi phải thay xích mới. Tuy nhiên, xe chạy bằng Timing Chain (xích sắt) thì đương nhiên ồn hơn xe chạy với Timing Belt làm bằng cao su. Ðó lại là cái điểm mà nhiều người không thích.
Ngoài ra theo đề nghị của một số thợ máy, khi thay timing belt, chúng ta nên thay cả Water Pump (máy bơm nước mát vào đầu máy) ngay cả khi Water Pump chưa có hư hại gì? Lý do: Khi thay Timing Belt người thợ phải tháo gỡ cả Water Pump rồi lắp lại. Ở đây, chúng ta lại phải có một quyết định đau lòng khác: Water Pump chưa hư mà chẳng lẽ thay luôn? Một số Water Pump có thể phục vụ suốt cả đời chiếc xe mà không cần thay thế, trong khi một số khác thì bị hư hại; nếu gỡ ra cùng lúc với Timing Belt, rồi gắn lại để rồi một ít lâu sau đó Water Pump mới hư thì quả thực là... vất vả cho cái túi tiền của chúng ta.
Hôm nay, chúng ta nêu lên nhiều vấn đề khá nhức nhối về cái vụ Timing Belt. Lần sau, chúng ta sẽ nói đến một số áp dụng thực tiễn, hy vọng có thể làm các bạn đỡ nhức đầu hơn.
Phạm Ðình