Đồng Nai cho phép người lao động, các chuyên gia đi lại liên tỉnh từ TP.HCM với điều kiện đi bằng xe đưa đón, chưa cho đi xe cá nhân.
Đó là thông tin được bàn và đi đến kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai vào ngày 5-10.
Tại cuộc họp, ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, Sở GTVT đã mời sở ban ngành của UBND tỉnh để họp bàn thống nhất về phương án của UBND TP.HCM tổ chức cho người lao động (NLĐ) đi lại liên tỉnh từ TP.HCM với các tỉnh lân cận bằng xe đưa đón hoặc sử dụng xe cá nhân.
"Sau khi họp bàn đã các đơn vị đã thống nhất phương án chỉ đồng ý cho phép NLĐ, chuyên gia đi lại liên tỉnh từ TP.HCM đến Đồng Nai với điều kiện đi bằng xe ô tô công ty đưa đón. Còn phương án cho NLĐ đi bằng xe cá nhân thì đề nghị TP.HCM sẽ từ từ triển khai”- ông Hưng nói thêm.
Cũng theo Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, khi Đồng Nai bước vào trạng thái bình thường mới, ổn định kiểm soát dịch thì sẽ triển khai cho NLĐ, chuyên gia đi bằng xe cá nhân liên tỉnh. Vì hiện nay Đồng Nai vẫn đang phức tạp về tình hình dịch bệnh, nếu để xe cá nhân đi lung tung vào thì kiểm soát rất khó.
Về điều kiện phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, bên cạnh đó còn có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày thì tỉnh Đồng Nai thống nhất với TP.HCM
Hiện Sở GTVT có băn bản tham mưu đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản gửi TP.HCM để thống nhất chung.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương thống nhất phương án phép NLĐ, chuyên gia đi lại liên tỉnh từ TP.HCM đến Đồng Nai với điều kiện đi bằng xe ô tô, không đi bằng xe phương tiện cá nhân.
Trước đó, từ 4-10, TP.HCM áp dụng phương án tổ chức cho NLĐ đi lại liên tỉnh từ TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo phương án tổ chức cho NLĐ đi lại liên tỉnh từ TP.HCM với các tỉnh lân cận, thì NLĐ có thể đi bằng xe đưa đón hoặc sử dụng xe cá nhân. Điều kiện là phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, bên cạnh đó còn có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày.
Những NLĐ này sẽ được kiểm soát qua ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử. Trường hợp không có mã ứng dụng thì xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.
Nguồn:
PLO