Em tiếp tục với hồ An hải Và An sơn Miếu
Từ trung tâm Côn đảo theo đường Nguyễn Văn Linh rẽ qua Huỳnh Thúc Kháng ta tới con đường tuyệt đẹp hai bên là hồ nước ngọt đó là đường Hoàng Phi Yến (tên này nghe lạ nhất là các bác ở khu vực miền bắc)
Một trong hai hồ nước ngọt lớn ở Côn đảo đó là hồ An hải, Hồ được chia làm hai bởi con đường nhưng có điều kỳ lạ là phần giáp núi An hải A thì cây cỏ và bông súng mọc rất nhiều, nơi câu cá nước ngọt lý tưởng
phần còn lại là An hải B về phía biển thì cá tôm cây cỏ dường như không tồn tại, hồ trong vắt
Cuối hồ An hải Có một ngôi miếu cổ là An Sơn Miếu. Miếu được xây từ năm 1785, (sau đó được xây dựng lại vào năm 1958) để thờ bà Phi Yến, vợ của chúa Nguyễn Ánh (sau trở thành vua Gia Long).
Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước. Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là Hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Pháp (Bá Đa Lộc) sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến (Lê Thị Răm) là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà" để người đời chê trách.
Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà. Nhờ quân thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ (đảo Bà). Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải (còn gọi là Hoàng tử Hội An), con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác Hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất Hoàng tử nay là miếu cậu (trên con đường mòn ra bãi Đầm trầu). Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng Cỏ Ống để trông nom mộ Hoàng tử Cải. Một lần, vào Rằm tháng Bảy năm Ất Hợi (1785), ban hương chức làng An Hải cử đại diện qua làng Cỏ Ống rước bà về dự lễ xá tội vong nhân. Buổi lễ kéo dài đến khuya, sau đó bà nghỉ đêm trong nhà việc tại làng An Hải để ngày hôm sau về Cỏ Ống. Năm ấy Bà 24 tuổi, dung nhan còn lộng lẫy. Trong làng có tên đồ tể, tên là Biện Thi đem lòng tà dục, mò vào cấm phòng nắm lấy tay Bà. Nghe tiếng Bà tri hô, dân làng kéo đến đóng gông tên Biện Thi chờ ngày xử tội. Tuổi phận mình, Bà đã chặt đứt cánh tay bị xâm phạm rồi quyên sinh giữ trọn danh tiết. Tên Biện Thi được giải về làng Cỏ Ống xử tội chết. Dân làng An Hải lập Đền thờ, tạ tội với Bà, hằng năm cúng kiếng, có đủ mặt giới chức và dân làng Cỏ Ống. Từ khi Pháp chiếm Côn Đảo lập nhà tù, thường dân bị đưa về đất liền. Ngôi Đền cổ uy nghi đã hoang tàn, xiêu vẹo. Năm 1958, những công chức trên Đảo đã xin phép nhà cầm quyền, quyên góp tiền bạc và huy động sức tù xây lại ngôi Đền trên vị trí của tòa Miếu cổ.
Và cũng từ đó trở đi, Nam bộ có câu ca dao :
“Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
tiếp theo là phóng sự : Tham quan hòn Bảy cạnh, ngắm bãi rùa đẻ, rừng ngập mặn đặc dụng và lặn ngắm bãi san hô ...