Ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tiến mạnh mẽ, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Doanh thu 2017 đạt mức kỷ lục
Những con số ấn tượng đầu năm 2018
Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh Đồng Tháp, riêng tháng 2/2018 các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón hơn 700.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu từ du lịch trong tháng này đạt khoảng 96 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ. Du lịch miền Tây đang có những bước tăng trưởng kỷ lục.
Các khu du lịch tiêu biểu của Đồng Tháp như: Vườn quốc gia Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch văn hóa Phương Nam, Khu sinh thái Gáo Giồng, Đồng sen Tháp Mười, … là những điểm đến hút khách nhất. Trong hai tháng đầu năm 2018, các điểm du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, khám phá, tham quan vườn trái cây, … đã thực sự lôi cuốn được du khách.
“Chỉ trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các vườn quýt hồng ở Lai Vung đón gần 29.000 lượt khách tham quan, thưởng thức quýt hồng; doanh thu mang về hơn 9,2 tỷ đồng. Đây là kết quả ngoài mong đợi của địa phương và nhà vườn mới làm du lịch; đồng thời mở ra nhiều hướng đi triển vọng” – Ông Lê Quang Biểu, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cho biết.
Không chỉ riêng Đồng Tháp mà rất nhiều tỉnh du lịch miền Tây đã đạt được những con số vô cùng ấn tượng trong năm 2018 này. Theo ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Trong những ngày tết vừa qua, các khu, điểm du lịch của Kiên Giang đón gần 297.000 lượt khách, tăng gần 23% so với cùng kỳ 2017, trong đó khách quốc tế là hơn 13.130 lượt, tăng 28%, doanh thu đạt tới hơn 242 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, Kiên Giang đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 120.000 người, tổng doanh thu đạt 1.115 tỷ đồng. Một con số ấn tượng nhất từ trước đến nay”.
Còn tại An Giang, số lượng du khách cũng tăng trưởng khá mạnh. Chỉ tính riêng ở Khu di tích Núi Sam, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết đón hơn 200.000 người đến cúng viếng Bà Chúa Xứ núi Sam.
Tại Cần Thơ, theo ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, tiết lộ, có khoảng 700.000 lượt khách về Cần Thơ vui chơi trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, tăng hơn 10% so cùng kỳ, doanh thu với hơn 76 tỷ đồng. Những địa điểm tấp nập du khách nhất của thàn phố này là Chợ nổi Cái Răng, Khu du lịch Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Cồn Sơn, các khu du lịch sinh thái ở Phong Điền, …
Du lịch miền Tây tiếp tục được đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới
Những con số ghi nhận được trong 2 tháng đầu năm 2018 là tín hiệu tích cực cho hoạt động du lịch tại cùng ĐBSCL. Trên đà đó, các tỉnh thành tại khu vực này cũng đang tiếp tục đề ra những chính sách tích cực để thúc đẩy tăng trưởng du lịch hơn nữa trong năm 2018.
Mới đây, Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ đã họp và đề mục tiêu sự kiến sẽ đón hơn 8 triệu lượt khách trong năm với doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng. Theo ý kiến nhìn nhận của ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
“Du lịch của Cần Thơ gần đây có những bước phát triển mới nhưng nhìn chung vẫn chưa xứng tầm, chưa như kỳ vọng của UBND tỉnh. Chính vì vậy, thành phố cần phải nhanh chóng đầu tư toàn diện hơn nữa trên nhiều mặt, … Rà soát lại các khu du lịch trọng điểm, hệ thống cơ sở lưu trú để nâng chất lượng phục vụ, làm hài lòng du khách…”.
Cùng quan điểm trên, bà Lê Đình Minh Thy – Giám đốc Vietravel Cần Thơ cho rằng, để thu hút du khách đến Tây Đô nhiều hơn, kéo dài thời gian lưu trú, phát triển du lịch miền Tây hơn nữa, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ là yếu cầu quan trọng. Trong đó, thành phố nên chú ý phát triển nhiều hơn các hoạt động giải trí về đêm.
Kiên Giang là địa phương có doanh thu du lịch đứng đầu tại khu vực ĐBSCL (gần 4.600 tỷ đồng năm 2017), thế nhưng đó chưa phải là kết quả hài lòng nhất. Theo ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trong thời gian tới, Kiên Giang cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ nhiều hơn nữa cho các hoạt động du lịch.
Mới đây, Sun Group đã khai trương và cho vào hoạt động tuyến cáp treo 3 dây hiện đại và dài nhất thế giới tại đảo ngọc Phú Quốc, nối thị trấn An Thới với đảo Hòn Thơm. Đây chính là điều kiện tuyệt vời để du lịch Kiên Giang thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến với địa danh tuyệt vời này.
Song song với đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; phát triển các sản phẩm du lịch mới; kêu gọi nguồn đầu tư mới trong và ngoài nước; nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, đặc biệt là hệ thống khách sạn cao cấp; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch, … Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng đưa vào quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá – Kiên Hải, U Minh Thượng – các điển phụ cận Phú Quốc. Trong đó, Phú Quốc vẫn là trọng điểm về du lịch của tỉnh.
Trong năm 2018 này, du lịch Kiên Giang đề con số mục tiêu là tiếp đón 7,1 triệu lượt khách, doanh thu đạt 59.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Kiên Giang cũng sẽ tập trung quyết liệt hơn nữa để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020.
Riêng với Đồng Tháp, Sở VH-TT-DL tỉnh này cho biết, việc thông xe hai cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống trong thời gian sắp tới giúp cho việc di chuyển giữa Đồng Tháp và các địa phương trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Các tour, tuyến du lịch được kết nối nhanh hơn và diễn ra hiệu quả hơn.
Gần đây, việc hợp tác giữa 3 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An với TP Hồ Chí Minh đã mở ra tuyến du lịch mới
“Một hành trình 3 điểm đến”. Bởi ĐBSCL có nhiều địa điểm tương đồng nhau. Theo các chuyên gia về du lịch, liên kết các điểm du lịch với nhau để tránh sự trùng lặp sản phẩm, gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách. Đồng thời, việc liên kết này cũng được xem như là hướng đi triển vọng để ngành du lịch tại các tỉnh thành trong khu vực phát triển biền vững.