Trước đây, việc lắp đặt thêm các phụ kiện, dù không làm thay đổi kết cấu, công năng và hệ thống vận hành của xe, nếu không làm thủ tục cải tạo sẽ bị từ chối đăng kiểm. Tuy nhiên, với Dự thảo Thông tư mới nhất của Bộ GTVT, một số phụ kiện đang được xem xét miễn thủ tục này.
Thông tư 85 cấm hành vi cải tạo thay đổi mục đích sử dụng xe
Thông tư 85/2014/TT-BGTVT đang có hiệu lực định nghĩa, cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới.
Những hành vi bị cấm bao gồm: cải tạo nhằm thay đổi mục đích sử dụng của xe, cơi nới thành thùng đối với xe tải, cải tạo hệ thống treo, hệ thống phanh, tăng kích thước khoang hành lý, cải tạo thay đổi kích cỡ lốp, số trục và vết bánh xe v.v...
Theo Thông tư 85, những phụ kiện lắp thêm trên xe như đèn sương mù dạng rời, giá nóc ô tô, “độ” mặt ca lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân (đối với dòng xe SUV, bán tải, xe tải)... cũng được coi là thay đổi hình dáng của xe, thuộc diện phải làm thủ tục lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo. Nguyên tắc cải tạo là không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện tại các cơ sở cải tạo có kinh doanh ngành nghề thi công cải tạo, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới theo quy định của pháp luật.
Xe cơ giới sau khi thi công cải tạo theo thiết kế đã thẩm định phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiệm thu. Sau khi hoàn thành các bước trên, chủ xe sẽ được cấp Giấy chứng nhận cải tạo. Nếu không thực hiện thủ tục cải tạo, xe sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Một số người dùng xe bán tải cho rằng, việc lắp đặt thêm các tấm ốp, miếng nhựa trên mặt ca lăng, giá nóc, cánh lướt gió hoàn toàn chỉ mang giá trị thẩm mỹ. Việc lắp đặt thêm bậc bước chân không làm thay đổi kích thước của xe, lại có tác dụng giúp người dùng có vóc dáng nhỏ dễ dàng leo lên xe hơn, đặc biệt với những xe gầm cao. Còn việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời sẽ thích hợp với những dòng xe tải thế hệ cũ, không có sẵn đèn sương mù, giúp xe di chuyển an toàn hơn trong điều kiện thời tiết bất lợi. Do đó, việc bắt buộc phải lập hồ sơ thiết kế cải tạo xe đối với những thay đổi này là chưa phù hợp.
Dự thảo bổ sung thông tư 85 cho phép xe được cải tạo đơn giản
Bộ GTVT cũng nhận định, sau gần 10 năm thực hiện Thông tư 85, một số nội dung, quy định đã bắt đầu phát sinh bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Do đó, bộ GTVT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ban soạn thảo đã đề xuất bổ sung một số trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, bao gồm: Lắp đặt thêm giá nóc của ô tô con tuân thủ khuyến cáo và hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe, thay đổi về hình dáng thân xe bằng cách lắp đặt các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nguyên thủy nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: mặt ca lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe. Ngoài ra, một số thay đổi liên quan đến nội thất và tiện nghi trên xe cũng có thể được xem xét chấp nhận khi đăng kiểm.
Theo Bộ GTVT, đây là những cải tạo đơn giản, không làm thay đổi thiết kế tổng thể, công năng và kích thước của xe. Việc quy định miễn lập hồ sơ thiết kế sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không có quy định pháp luật điều chỉnh, việc trạm đăng kiểm “cho qua” đối với những xe lắp thêm phụ kiện nêu trên có thể khiến cả đôi bên bị pháp luật xử lý.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 85 đang được Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến bộ, ngành liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp. Nếu được thông qua, Thông tư mới sẽ góp phần đẩy nhanh thủ tục kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có nguy cơ cao tái diễn cảnh ùn tắc đăng kiểm vào cuối năm nay. Dự báo, tháng 12/2023, nhu cầu đăng kiểm tại Hà Nội khoảng 73.000 xe/tháng, trong khi cả thành phố hiện có 28 trung tâm với 50 dây chuyền kiểm định, chỉ đáp ứng được tối đa 72.000 xe/tháng. Đến tháng 5/2024, nhu cầu kiểm định tăng vọt lên hơn 90.000 xe/tháng.
Do đó, bên cạnh các giải pháp bổ sung nhân lực, nâng cao công suất tại các trạm đăng kiểm, việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan có ý nghĩa quan trọng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Xem thêm: