Kịch bản thứ nhất là VN-Index sẽ nằm trong khoảng 480 - 500 điểm, kịch bản thay thế là sẽ trở về đáy cũ trước khi hồi phục trở lại? 6 tháng đầu năm nay, mặc dù thị trường chứng khoán ảm đạm nhưng so với các kênh đầu tư khác đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Đánh giá này được đưa ra tại buổi hội thảo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) tổ chức cuối tuần qua.
Cụ thể, khối phân tích của SHS đưa ra dẫn chứng: 6 tháng đầu năm, trong khi các kênh đầu tư, bất động sản giảm 20 - 40%, vàng và ngoại tệ đi ngang, lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh (từ 14%/năm xuống còn 9%/năm) thì chứng khoán lại tăng trưởng khá mạnh, từ 20 - 50%.
Ở mức đỉnh trong 6 tháng, VN-Index tăng 43,8% so với đầu năm nay, còn mức hiện tại tăng trưởng khoảng 25%, tính tới cuối tháng 6/2012. Đối với HNX-Index, chỉ số tăng còn cao hơn, tương ứng là 51,6% và khoảng 30%. Đối với các chỉ số ngành, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của một số ngành như dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí, đặc biệt là ngành cao su tăng tới 80%.
Chính vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của thế giới. Điều này còn được thể hiện qua sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài khi 6 tháng đầu năm nay khối ngoại mua ròng khoảng 570 tỷ đồng.
Các đánh giá đưa ra tại hội thảo cho rằng, dù có nhiều khó khăn nhưng chứng khoán đã và vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn.
Tại hội thảo, diễn biến của thị trường chứng khoán tăng điểm trong 6 tháng đầu năm được nhìn lại ở 4 giai đoạn, gắn với những điều chỉnh của các chính sách vĩ mô.
Giai đoạn 1 từ 9/1 - 17/2 là giai đoạn tăng điểm với thanh khoản thấp.
Giai đoạn kế tiếp từ 18/2 - 5/8 là tăng điểm (lên 490 điểm) và giao dịch sôi động. Cú hích của giai đoạn này, chính là sự tác động hàng loạt của chính sách vĩ mô với Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (13/2), giảm lãi suất huy động 1% vào ngày 12/3 và tiếp tục giảm 1% vào ngày 10/4, áp trần lãi suất cho vay (4/5)…
Giai đoạn 3 là đợt giảm mạnh sau chu kỳ tăng nóng của giai đoạn 2 diễn ra từ 9/5 - 4/6 mặc dù trong khoảng thời gian này Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm 1% lãi suất.
Giai đoạn 4 từ 5/6 - 29/6, thị trường được đánh giá là chờ đợi các tín hiệu chính sách vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Vậy với những giải pháp, chính sách đã được Chính phủ đưa ra để thực hiện phát triển kinh tế trong nửa cuối năm nay thì triển vọng và kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng còn lại?
Tại hội thảo, ông Trần Hữu Chung, Phó tổng giám đốc SHS, nhận định chứng khoán tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn và đưa ra hai kịch bản cho thị trường.
Một lập luận được chuyên gia của SHS đưa ra là mối tương quan giữa lạm phát và chỉ số VN-Index trong thời gian qua. Cụ thể, khi lạm phát đạt đỉnh vào giữa tháng 8/2008, thì thị trường chứng khoán chạm đáy vào tháng 2/2009, sau đó hồi phục trở lại trong thời gian dài. Tương tự, lạm phát đạt đỉnh vào tháng 9/2011, VN-Index chạm đáy vào tháng 1/2012 và hồi phục trong suối 6 tháng qua.
Kịch bản thứ nhất là thị trường chứng khoán hồi phục vào quý 3, thị trường sẽ giữ trên mức 400 điểm sau khi chờ đợi các tín hiệu tốt từ nền kinh tế vĩ mô sẽ lên trên khu vực 480 - 500 điểm. Kịch bản thứ hai là thị trường sẽ rớt lại đáy cũ trước khi hồi phục trở lại.
“Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về kịch bản thứ nhất nhiều hơn khi thị trường được hỗ trợ tốt từ các thông tin vĩ mô”, ông Chung chia sẻ. Lý do được đưa ra chính là mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số, từ 7 - 8% và thông điệp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ được phát đi. Bên cạnh đó, việc giải quyết nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, đẩy nhanh đầu tư công (21.000 tỷ đồng/tháng thay vì 12.000 tỷ đồng/tháng như hiện nay) cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự báo về tăng trưởng tín dụng đến cuối năm đạt từ 12 - 13%, dự trữ ngoại hối khoảng 20 tỷ USD cũng là những thông tin tốt cho thị trường chứng khoán trong nửa năm còn lại.
Không đưa ra dự báo cụ thể, với tư cách là diễn giả của hội thảo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, thị trường chứng khoán cuối năm sẽ thú vị và có sóng.
Ông Thành lý giải, sóng trên thị trường là do ba yếu tố. Thứ nhất, tháng 8/2012 là thời điểm có nhiều chính sách thay đổi như quyết định rõ ràng về xử lý nợ xấu, bảo lãnh tín dụng, giải ngân ngân sách… và điều này sẽ tác động lớn đến bức tranh kinh tế Việt Nam. Thứ hai là “trò chơi” mua bán sát nhập doanh nghiệp (MA) sẽ có nhiều bất ngờ. Yếu tố cuối cùng chính là việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2012 đã được phê duyệt.
Quý Hiểu
Theo Vietpress.vn/tbktvn