Dùng chung động cơ và khung gầm giống người anh em Ranger nhưng Everest được trang bị nhiều tiện nghi cùng với các tính năng an toàn nhằm đem lại hiệu quả tối ưu khi phục vụ nhu cầu đi lại ở các văn phòng hay gia đình.
[pagebreak]
Cái tên Everest của Ford đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam hơn 5 năm, và đã qua 2 lần nâng cấp kiểu dáng bên ngoài. Dù không được chăm chút theo hướng tỉ mỉ từng chi tiết nhưng xét về tổng thể, Everest luôn cho thấy sự cứng cáp và chắc chắn của dòng xe 7 chỗ.
Rộng rãi và nhàn nhã sau vô lăng
Trong hành trình làm từ thiện của đoàn OS vừa qua đến tỉnh Phú Yên nhân sự kiện khởi công xây dựng trường học, chiếc Everest Limited là lựa chọn phù hợp trong việc vận hành ở địa hình đường giao thông vào xã miền núi thuộc huyện Đồng Xuân (chở đoàn thành viên OS từ Hà Nội vào cùng tham dự). Mẫu xe được trang bị hộp số tự động này đã giúp người lái “an nhàn” hơn sau vô lăng với hành trình gần 1.400 cây số trong vòng 3 ngày.
Với thiết kế bề ngoài vuông vức ở các góc cạnh của xe thực sự không ấn tượng cho lắm so với các dòng của dòng xe đa dụng thế hệ mới... ngoài bộ mâm 18 inch với các nan hoa thể thao. Mặt táp lô và đồng hồ hiển thị có nhiều nét quen thuộc với chiếc Ranger mà đoàn đã từng sử dụng. Chiếc Ford Everest cho chuyến hành trình lần này đã qua sử dụng và chạy được hơn 30.000km, nhưng nội thất vẫn còn mới nguyên với các trang thiết bị nổi bật như ghế da, ốp gỗ sang trọng hơn và điều quan trọng và cảm giác các thành viên trong đoàn rất thoải mái về độ rộng rãi và dễ chịu của hai hàng ghế chính.
Với thói quen cân đo đong đếm mức tiêu hao nhiên liệu của mỗi hành trình đi xa, vào tối trước ngày khởi hành, chiếc xe được nạp đầy bình dầu có sức chứa 71 lít và chuẩn bị mọi thứ để có thể khởi hàng cùng đoàn vào sáng sớm ngày hôm sau.
Bình minh chưa ló dạng thì cả đoàn gồm 3 chiếc, Mazda Premacy, Ford Everest và chiến binh khủng Mercedes CL55 AMG cùng nhau khởi hành. Đoạn đường từ Sài Gòn đến Phú Yên tương đối dễ đi, theo đánh giá gian nan nhất là đoạn đường QL 1A trong địa phận Đồng Nai có chiều dài gần 100km, đoàn phải qua các khu vực dân cư đông đúc, mật độ giao thông dầy đặc với xe tải, xe con và xe máy dù mới chỉ hơn 6 giờ sáng.
Thôi thì cứ túc tắc mà đi theo tốc độ cho phép không quá 80km/h, và cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp “nhàn rỗi ” sau vô lăng cùng với hộp số tự động, vừa lái vừa ngắm cảnh bình minh và đường xá tấp nập vào buổi sáng, một chân nhịp ga và một tay cầm vô lăng, còn tay kia thì cầm bộ đàm tán gẫu cùng với các xe trong đoàn.
Tầm quan sát tốt, tăng tốc nhanh
Vừa qua địa phận Đồng Nai, đường quốc lộ trở nên thông thoáng hơn, chiếc Everest có dịp tăng tốc nhanh hơn. Động cơ diesel 2.5L -TDCi (Turbo Direct Common – Rail Injection) công suất cực đại 143 mã lực cùng với hộp số tự động 5 cấp giúp cho Everest dễ dàng vượt qua các xe phía trước ngay cả ở tốc độ cao một cách an toàn. Trong suốt hành trình dài gần 600 cây số từ Sài Gòn đến Phú Yên, chúng tôi khá hài lòng và ngạc nhiên về độ tăng tốc của xe khá mạnh mẽ và cảm giác không hề bị “thiếu hơi” của hệ thống Turbo tăng áp sử dụng bộ van biến thiên VGT (Variable Geometry Turbocharger).
Điểm mạnh của dòng xe SUV là gầm cao và giúp cho người lái có tầm quan sát tốt, tuy nhiên dòng Everest được trang bị hệ thống nhíp lá phía sau, nên xe hơi bị lắc nhẹ khi vận hành qua các đoạn đường không bằng phẳng và tạo ra cảm giác hơi lo lắng khi phanh gấp xe ở tốc độ trên 100km/h. Ở các đoạn đường phẳng thì xe vận hành êm ái và cân bằng khá tốt.