Giá xe cũ lẫn mới tại Mỹ đang tăng "chóng mặt", nhưng không phải do hãng xe mà là do các đại lý. Việc cộng thêm "lạc" một cách trắng trợn đã khiến cho những nhà sản xuất xe không vui và phản ứng mạnh mẽ. Hyundai và Ford là 2 ví dụ.
Hyundai cho biết khách hàng đang phàn nàn về việc các đại lý tự ý tăng giá bán xe so với giá đề xuất (MSRP). Và nhà sản xuất ô tô Hàn dã có những động thái đầu tiên trước những lo ngại của người tiêu dùng.
Tờ Automotive News cho biết họ đã tìm thấy những lá thư mà Hyundai và Genesis gửi đến các showroom của họ. Nội dung của thư thể hiện sự không hài lòng của nhà sản xuất với việc tự ý tăng giá quá cao cho các sản phẩm, khiến chúng có giá khác xa với giá mà hãng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Hãng cũng đe dọa sẽ trừng phạt nếu các đại lý tăng giá bằng cách giảm lượng xe phân bổ hoặc cắt quảng bá liên quan.
Cụ thể như sau: "
Chúng tôi viết lá thư này bởi vì các khách hàng của chúng tôi trên toàn quốc (Mỹ) đang bày tỏ sự không hài lòng với một số phương thức định giá. Nếu việc định giá này không được kiểm soát, nó sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe thương hiệu của chúng tôi".
Hãng xe Hàn cho biết các đại lý không được báo "
giá trên quảng cáo một đằng nhưng giá thực tế một kiểu khác". Công ty cảnh báo rằng mức giá tăng cao tại các đại lý về lâu dài sẽ "
làm tổn hại đến thương hiệu, giảm khả năng thu hút khách hàng mới và giữ chân những khách hàng trung thành".
Nếu đại lý làm điều này, Hyundai hoặc Genesis có thể sẽ giảm lượng xe phân bổ hoặc bằng cách lấy đi các lợi ích quảng cáo. Bức thư có đoạn: "
Chúng tôi không thể đứng yên trước những hành động hủy hoại tất cả những nỗ lực mà tập thể chúng tôi đã bỏ ra để tạo nên thương hiệu này như ngày hôm nay".
Với sự thiếu hụt nguồn cung chip, giá cả của xe hơi tại Mỹ đang cao, cả ở xe cũ lẫn xe mới. Vì cung nhỏ hơn cầu, nên nhiều đại lý quyết định bán giá đắt hơn giá đề xuất nhiều lần, tương tự như "lạc" ở Việt Nam. Một số showroom đang áp dụng giải pháp này đến mức cực đoan. Ví dụ như bán chiếc Kia EV6 với giá gần 80.000 USD, cao hơn gần 19.000 USD so với giá đề xuất MRSP.
Tuy nhiên, những chiếc xe giá cao này vẫn đều đều chạy ra khỏi đại lý vì quá nhiều người cần mua xe, và họ sẵn sàng trả thêm tiền để không phải chờ lâu.
Ford cũng đã phản ứng rất mạnh với các đại lý đặt giá quá cao. Ford đã đề xuất một chiến lược gồm 2 phần cho F-150 Lightning.
Đầu tiên, hãng đe dọa sẽ giảm hoặc cắt phân bổ F-150 Lightning đối với các đại lý áp giá quá cao với xe. Thứ hai, hãng cũng yêu cầu các đại lý ký hợp đồng với người mua, ngăn họ bán xe trong vòng 1 năm. Điều này nhằm ngăn khách hàng bán F-150 Lightning trong một năm để kiếm tiền lời chênh lệch.
Trước đó theo Edmunds, thống kê trong tháng 1/2022 cho thấy có đến
82,2% người tiêu dùng đã phải chi nhiều tiền hơn giá hãng đề xuất để mua xe. Để so sánh, thống kê tương tự vào tháng 1/2021 thì con số này chỉ có 2,8%.
Đó là một thống kê gây sốc và giám đốc điều hành của Edmunds, Jessica Caldwell, thừa nhận là vào năm ngoái họ cũng không dự đoán được lại có tình trạng này xảy ra.
Việc "mua xe kèm lạc" này bị thúc đẩy bởi những người tiêu dùng giàu có. Những người này thừa tiền và sẵn lòng chi trả nhiều hơn để có chiếc xe mong muốn mà không phải chờ đợi lâu. Đương nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là cuộc khủng hoảng chip và đại dịch Covid khiến lượng hàng tồn kho hạn chế.
Edmunds đã đề xuất những người tiêu dùng muốn tránh bị mua hớ thì nên linh hoạt hơn khi lựa chọn thương hiệu xe, màu sắc và trang bị. Người tiêu dùng cũng nên xem xét nhiều đại lý nếu cần thiết và sẵn sàng thương lượng để loại bỏ hoặc giảm các khoản tăng giá.
Tuy nhiên, đây là tình hình chung tại Mỹ. Do đó, người tiêu dùng chỉ có thể giảm thiểu chứ không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ "ăn lạc". Người tiêu dùng có thể chờ đợi đến một năm hoặc lâu hơn, thì thị trường mới quay lại tình trạng bình thường như trước đại dịch.
Xem thêm:
Các bác nghĩ sao về tình hình mua bán xe tại Mỹ?