Giá xe hơi chắc chắn tăng
Với việc tăng thuế nhằm hạn chế nhập siêu và kìm chế lạm phát, giá xe nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước chắc chắn sẽ tăng. Không những thế, một số liên doanh nhỏ có thể bị đào thải khỏi thị trường.
> Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng thuế ôtô
Sau động thái tăng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc một cách bất ngờ vào ngày 11/3, thông tin sẽ điều chỉnh thêm cả thuế linh kiện cho thấy mục tiêu giảm nhập siêu là có thực, còn "lý do" bảo vệ lợi ích các liên doanh ôtô trong nước chưa hẳn đúng.
Về lý thuyết, điều chỉnh thuế linh kiện có thể khiến các liên doanh khó khăn hơn. Với những hãng mạnh như Ford, Toyota, GM Daewoo, Honda hay Mercedes-Benz, tác động nâng thuế không đáng kể. Hiện tại, xe của các hãng này đã kín đặc đơn đặt hàng trong thời gian dài. Khó khăn nhất là các liên doanh bé hạt tiêu như Mekong Auto, Isuzu, VMC hay Mitsubishi.
Suốt hai năm qua của các liên doanh này chưa điều chỉnh giá bán. Với vài chục chiếc bán ra mỗi tháng ở thời điểm sôi động nhất của thị trường, nhóm này khó "sống" nổi khi giá xe nâng lên kéo theo lượng tiêu thụ có thể giảm tiếp. Một số chuyên gia dự đoán việc tăng thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới sự đào thải của thị trường. Nhiều khả năng sẽ lại có thêm các vụ giải thể giống như Vindaco (lắp ráp xe Daihatsu) năm ngoái.
Hai tháng đầu năm, cả nước tiêu thụ 6.000 xe du lịch nhập khẩu.
Ảnh: T.N.
Ngoài lắp ráp, kế hoạch nhập xe của các thành viên VAMA cũng sẽ gặp khó khăn. Khi thuế nhập khẩu xuống mức 60%, không ít hãng cố gắng lấy được giấy phép sớm để đưa xe về. Việc thuế tăng khiến một số hãng cho biết, họ đang tính toán lại kế hoạch nhập khẩu. Nếu thuế nhập khẩu quay lại mức 80% hoặc 90% thì nhập khẩu xe nguyên chiếc không lãi nhiều.
Khi tuyên bố điều chỉnh thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ 60% lên 70% vào đầu tháng 3, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung nói sẽ giữ mức thuế này trong vài năm, sau đó giảm dần cho phù hợp với cam kết WTO. Nhưng khi thuế mới còn chưa kịp có hiệu lực thì cuối tuần qua Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tăng thuế với cả xe nguyên chiếc lẫn linh kiện ôtô nhập khẩu.
Chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô VN:
- Đến năm 2005, sản lượng xe khách đạt 15.000 chiếc, đáp ứng 50% nhu cầu thị trường. Đến năm 2010 đạt 36.000 xe, đáp ứng 80% nhu cầu thị trường. Tỷ lệ trong nước đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010.
- Dòng xe tải: mục tiêu đề ra đến năm 2005 có sản lượng 68.000 chiếc, đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường, đến năm 2010 đạt 127.000 xe, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu thị trường. Tỷ lệ sản xuất trong nước đạt trên 40% vào năm 2005 và khoảng 60% vào năm 2010.
- Dòng xe con 4-9 chỗ ngồi do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, đến năm 2005 có sản lượng 3.000 xe, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Đến năm 2010 đạt 10.000 xe đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Tỷ lệ xe con thông dụng đạt 30% vào năm 2005 và trên 50% vào năm 2010.
Điều này trái với hy vọng của giới nhập khẩu và liên doanh xe hơi trong nước, rằng chính sách thuế sẽ ổn định trong một khoảng thời gian ít nhất là nửa năm.
Ông Nubohiko Murakami, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nhìn nhận việc liên tục điều chỉnh thuế cho thấy sự không ổn định trong điều hành chính sách, gây ra nhiều biến động thị trường. "Cách thức điều hành như vậy làm cho thị trường trở nên phức tạp và khó dự đoán", ông nói.
Theo ông một chính sách dài hạn và ổn định là chìa khóa để phát triển thị trường ôtô, nền công nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ. "Ở thị trường Philippines, chính sách thuế thường được ổn định trong khoảng 6 tháng - thời gian tối thiểu để các công ty có thể thích nghi", ông Nubohiko Murakami nói thêm.
Lãnh đạo một liên doanh ôtô khác nằm trong Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) than thở: "Chúng tôi không thể nào lý giải cách thức điều hành chính sách thuế của Bộ Tài chính trong thời gian gần đây. Các quyết định đều ban hàng bất thình lình và chẳng theo một lộ trình nào".
Hiện nay giá các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao. "Thuế linh kiện nhập khẩu tăng, chắc chắn các liên doanh sẽ phải điều chỉnh giá bán để tránh lỗ", vị này nói.
Đồng tình rằng việc tăng thuế là điều cần thiết, phải làm trong bối cảnh nhập siêu tăng cao, nhưng ông Nguyễn Thanh Giang - Tổng giám đốc Tổng công ty động lực và máy nông nghiệp (VEAM) - hy vọng Bộ Tài chính tính toán thận trọng mức tăng cho phù hợp, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước.
Theo ông, Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ cho các liên doanh trong nước bằng cách này hay cách khác để họ có điều kiện duy trì hoạt động. Khác với các nhà nhập khẩu đơn thuần, các liên doanh đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong nước.
Hiện Honda có khoảng 6.000 nhân công, Toyota có hơn 1.000 người, các liên doanh khác cũng có số lượng lao động xấp xỉ. “Chính sách thuế cũng cần phải tính đến yếu tố an sinh xã hội, đời sống người lao động. Tôi cho rằng Chính phủ vẫn cần xem xét ưu ái một phần nhất định đối với hoạt động sản xuất xe nội”, ông Giang nhấn mạnh.
Một quan chức của Bộ Tài chính nhấn mạnh, chủ trương điều chỉnh thuế của Chính phủ đã rõ, đó là nhằm hạn chế nhập siêu, kìm chế lạm phát. Do đó không riêng gì ôtô, tới đây những mặt hàng khác như linh kiện phụ tùng điện tử, điện lạnh... cũng nằm trong danh sách điều chỉnh thuế.
"Việc tăng thuế linh kiện còn đảm bảo sự công bằng giữa xe nội và xe ngoại, đồng thời còn hạn chế được nạn chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài khi nhu cầu nhập khẩu linh kiện tăng cao", vị quan chức này nói.
Ông cho hay, thuế linh kiện ôtô sẽ vẫn đánh trên từng mặt hàng. Với sản phẩm trong nước đã sản xuất được, nếu nhập khẩu sẽ bị đánh thuế cao, để khuyến khích nội địa hóa. Ngoài thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ đối với mặt hàng ôtô.
Chính sách thuế từ năm 1991 đến nay.
- Từ năm 1991-2001, thuế nhập ôtô nguyên chiếc luôn duy trì mức 100% đối với xe chở người và xe chở hàng dưới 5 tấn. Thuế linh kiện bộ CKD, IKD luôn ở mức thấp 3-25%.
- Từ năm 2002 đến nay: Chính phủ thực hiện chủ trương cho phép nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi ngồi (bắt đầu từ năm 2003) và xe dưới 9 chỗ đã qua sử dụng từ tháng 5/2006.
- Thuế ôtô mới nguyên chiếc giảm từ 100% xuống còn 90% vào tháng 11/2005, 80% vào ngày 11/1/2007 - thời điểm gia nhập WTO, 70% vào tháng 8/2007. Từ ngày 19/10/2007, thuế mặt hàng này còn 60%.
- Ngày 11/3, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc quay trở lại ngưỡng 70%. Thuế đối với dòng xe đã qua sử dụng tăng mức bình quân 10%.
http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2008/03/3BA00CE6/
Các bác vào bình luận nhé