Từ trước đến nay, rất nhiều người trong chúng ta luôn tự hỏi là vì sao giá ôtô ở Việt Nam lại cao đến như vậy? Cứ tính bình quân lấy giá bán một chiếc xe hơi ở Mỹ nhân 3 lần thì sẽ ra số tiền mà một người phải bỏ ra nếu muốn chiếc xe đó lăn bánh ở Việt Nam. Câu chuyện có nguyên nhân của nó và cần thiết phải nhắc lại ngọn ngành…
Năm 1986, chúng ta bắt đầu “Đổi mới”. Năm 1987, Luật đầu tư nước ngoài ra đời và dấu mốc thật sự quan trọng là năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Khi đó làn sóng FDI bắt đầu ồ ạt chảy vào Việt Nam. “Một con gấu sau thời kỳ ngủ đông sẽ ăn vào rất mạnh”, đó là hình ảnh hiện thực nhất của nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ và là động cơ mạnh mẽ nhất của làn sóng FDI này. Từ lon Coca Cola, cái tivi Sony cho đến chiếc Cup Cánh én đối với người dân lúc này thật sự là hàng xa sỉ khi chúng ta vẫn tắm xà bông Cô Ba và đi xe đạp Thống Nhất. Có lẽ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có thêm một sản phẩm nào nữa mà nhà sản xuất lại đặt cho nó một cái tên tuyệt vời và “định mệnh” như vậy, Honda Dream. Một “giấc mơ” lúc đó có giá 7 cây vàng và nó thực sự là giấc mơ của phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ. Một người giờ đây đã là bậc trưởng thượng, thành đạt và giàu có đã nói với tôi rằng: “Nói thiệt với em, lúc đó tôi chỉ mơ ước là đi làm đến cuối đời mua được chiếc Dream là mãn nguyện!”. Một thị trường với 80 triệu dân “đang mơ” và đang mở toang cánh cửa thì chắc chắn không một công ty đa quốc gia nào lại muốn bỏ qua.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách của chúng ta đang loay hoay với thời cơ và thách thức của FDI; Các nhà tuyên giáo đang lo lắng về mặt trái của DN nước ngoài với các vở “trong nhà ngoài phố” lên sóng 8h tối thứ Năm hàng tuần với một thông điệp: “Hồi xưa nhà nghèo, ba làm doanh nghiệp nhà nước, mẹ làm cô giáo. Buổi tối cả nhà tuy đốt đèn dầu ăn cơm nhưng hạnh phúc. Bây giờ ba nhảy qua làm DN nước ngoài, mẹ đi dạy thêm Anh văn, nhà giàu có nhưng ba mẹ người ăn chả kẻ ăn nem, đổ vỡ, con cái hút chích…”; Các nhà thơ thì đang thỏa mãn với “đường ta rộng thênh thang tám thước”, thì Coca Cola đã tính đến chuyện “kết hôn giả” với Chương Dương để nhập quốc tịch Việt Nam, Honda, Sony, Panasonic và hàng trăm doanh nghiệp điện tử, hàng tiêu dùng đã ồ ạt căng khẩu hiệu: “Tôi yêu túi tiền Việt Nam”.
Trong xu thế đó, một giao kèo đã được đặt ra:
A: Chúng tôi sẽ đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy lắp rắp, sản xuất ô tô ở VN.
B: Điều đó tốt thôi, chúng tôi đã có Luật Đầu tư, mọi cơ chế đều rất thông thoáng và hiện nay DN nước ngoài hoạt động ở VN là không ít.
A: Nhưng chúng tôi muốn các ông ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho ngành công nghiệp ô tô.
B: Vì sao ngành ô tô lại cần một chính sách riêng?
A: Này nhé, các ông nghĩ xem: sự thật là bây giờ tất cả những gì các ông có về công nghiệp ô tô là con số 0. Lao động của các ông quá thô sơ và không đủ khả năng vận hành các hệ thống máy móc, các ngành công nghiệp phụ trợ thì hoàn toàn không có, hạ tầng phục vụ cho sản xuất cũng không nốt. Vì vậy, ban đầu chúng tôi chỉ có thể nhập linh kiện về để lắp ráp và song song với quy trình đó thì chúng tôi sẽ giúp các ông cải tiến hạ tầng sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo người lao động. Nhưng ban đầu tay nghề và năng suất của một lao động VN không thể bằng một lao động Thái Lan hay Indonesia và càng không thể so sánh với Nhật Bản hay Đức được. Điều này sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt tăng trong khi chất lượng sản phẩm thì thấp, chưa kể linh kiện nhập khẩu sẽ tốn kém chi phí nhiều hơn do cơ sở hạ tầng của các ông còn quá yếu kém, hệ thống đường sá, cảng hàng không và cảng biển đều không thuận lợi cho việc nhập khẩu của chúng tôi. Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là giá thành một chiếc xe hơi, Camry chẳng hạn, sản xuất ra ở Việt Nam có giá khoảng 35.000 usd trong khi chiếc tương tự sản xuất ở Thái Lan giá chỉ khoảng 25.000 usd. Vì vậy, nếu có một DN trong nước của các ông nhập xe về bán với thuế suất nhập khẩu từ 10 đến 15% thì xe chúng tôi sản xuất ra làm sao tiêu thụ được.
B: Vậy chính sách mà ông nói cụ thể nó sẽ có những điều khoản gì?
A: Đầu tiên là các ông phải đánh thuế thật cao vào ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, cộng tất cả các thuế suất lại gồm thuế nhập khẩu, GTGT, tiêu thụ đặc biệt là phải gần 200%, nghĩa là chiếc Camry đó nhập về VN nếu muốn lăn bánh phải tốn khoảng 75.000 usd. Thứ hai, là các ông cần hỗ trợ chúng tôi bằng cách miễn thuế nhập khẩu linh kiện và các trang thiết bị vật tự là 0% trong vòng 40 năm cùng các hỗ trợ khác về thuê mướn đất đai v.v..
B: Với tất cả những chính sách (yêu sách) đó thì Việt Nam chúng tôi sẽ được gì?
A: Các ông sẽ có ngành công nghiệp ô tô nội địa sau khoản 20 năm nữa! Một điều quan trọng nữa là các ông sẽ có đủ thời gian để phát triển hệ thống giao thông đáp ứng được yêu cầu đi lại bằng phương tiện ô tô và các ngành công nghiệp khác cũng sẽ phát triển đồng thời. Nếu các ông không làm như chúng tôi đề xuất, với giá ô tô nhập khẩu rẻ như vậy thì điều gì xảy ra khi những con đường thênh thang 8 thước của các ông tràn ngập ô tô, các ông thử nhìn sang Thái Lan xem, một bài học đắt giá. Thứ hai, chúng tôi sẽ giúp các ông xây dựng và hình thành ngành công nghiệp ô tô nội địa bằng cam kết nội địa hóa. Trong vòng 10 năm đầu tỷ lệ nội địa hóa sẽ là 30%, sau 20 năm tỷ lệ này tối thiểu sẽ là 75% và khi kết thúc vòng đời dự án, chúng ta sẽ thảo luận các điều khoản chuyển giao. Có nghĩa là sớm nhất là 20 năm, chậm nhất là 40 năm các ông sẽ sản xuất được ô tô thương hiệu Việt Nam. Các ông biết đấy, công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp đầu đàn, có tính dẫn dắt các ngành công nghiệp khác, các ông sẽ phát triển được ngành luyện kim, điện tử, cơ khí, may công nghiệp, thiết kế…v.v. Và điều cuối cùng rất quan trọng…
B: Điều gì?
A: Giá xe chúng tôi sản xuất ra nếu là 35.000 usd chúng tôi sẽ bán giá 45.000 usd. Chúng ta sẽ thảo luận với nhau về 10.000 usd/xe đó?!
Ôi “giấc mơ” xe hơi của người Việt. Vì giấc mơ đó, hai mươi năm qua dân chúng ta đã è cổ ra gánh thuế 200% một chiếc xe và hàng trăm loại thuế phí khác cho một tương lai đẹp đẽ là chúng ta sẽ có ngành công nghiệp ô tô nội địa. Chúng ta đã từng mơ về những Huyndai hay KIA của người Hàn Quốc. Trong khi thực tế là sau 20 năm đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất là 37% của chiếc Innova. Và khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu năm 2018 sắp đến gần Toyota Việt Nam lại tiếp tục đưa ra lời đề nghị Chính phủ Việt Nam phải hỗ trợ 2 tỷ usd để họ không rời đi.
Bây giờ, chúng ta hãy nhắm mắt lại và tiếp tục mơ và chắc chắn trong giấc mơ 20 năm nữa không chỉ có KIA và Huyndai mà là những Angkor và Vientiane nhan nhản trên đường phố Việt Nam trong khi xe hơi “made in Vietnam” thì còn…mơ!
BAOPXA