Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT để trình tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, nhưng các chuyên gia nói "không nên chờ tới tháng 10" khi kỳ họp quốc hội gần nhất mới diễn ra.
Từ 11/7, thuế môi trường sẽ giảm thêm 1.000 đồng một lít với xăng, 500-700 đồng một lít với các mặt hàng dầu, theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tức là, giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550-1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT). Nhưng đây là loại thuế thu cố định, nên mức giảm giá bán lẻ trong nước còn phụ thuộc vào biến động giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Các doanh nghiệp thì đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét giảm một nửa (50%) mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hay VAT đánh trên mỗi lít xăng, dầu hiện nay (mặt hàng dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).
Bộ Tài chính gần đây cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc
giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu. Theo quy trình, nếu được Thủ tướng phê duyệt, bộ này sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ. Tuy nhiên, đáng nói thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội, nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm, và kỳ họp gần nhất là tháng 10.
"Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng cho phù hợp, để trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội", Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền.
Nhưng theo các chuyên gia, việc cân nhắc giảm hai loại thuế này với xăng dầu cần làm sớm, chứ "không nên đợi tới tháng 10" bởi giá xăng dầu neo ở mức cao, tăng trên 60% từ cuối năm ngoái, đang khiến các doanh nghiệp "điêu đứng" đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải.
Theo Luật tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp thường lệ
mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Có thể giảm được 2.500 - 4.000 đồng/lít xăng dầu
Giá xăng, dầu sẽ hạ nhiệt sâu hơn nếu giảm thêm các loại thuế này. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu với xăng, mức thuế suất 7-10% (E5 là 8%, E10 là 7%, xăng 10%).
Chẳng hạn, kỳ điều hành giá ngày 1/7, số thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng RON 95-III ước tính là 2.570 đồng một lít, thuế VAT ước tính 3.157 đồng mỗi lít.
Trường hợp giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT theo đề xuất của các doanh nghiệp,
giá xăng có thể giảm khoảng 2.800 đồng một lít. Cùng với giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng thuế bảo vệ môi trường, giá bán lẻ có thể giảm khoảng 3.800 đồng.
Do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nên theo tính toán, dầu có thể giảm khoảng 1.400-1.500 đồng một lít. Cộng với thuế bảo vệ môi trường giảm 500 đồng từ 11/7, giá mỗi lít dầu diesel sau giảm các loại thuế này khoảng 1.900 - 2.000 đồng một lít.
Việc giảm thuế sẽ kéo theo giảm thu ngân sách. Tính chung mức giảm thu ngân sách nếu giảm một nửa thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt (dầu không chịu loại thuế này) từ nay tới cuối năm, ước tính
khoảng 15.000-16.250 tỷ đồng.
Ngân sách giảm thu từ việc giảm thêm thuế, song theo các chuyên gia, có thể bù đắp bằng cách cân đối thu - chi, tiết kiệm các khoản thi không cần thiết và cân đối một phần từ nguồn thu dầu thô xuất khẩu.
Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, thu từ dầu thô góp 5.100 tỷ đồng trong tháng 6 cho ngân sách. Nửa đầu năm nay khoản thu từ dầu thô tăng hơn 80% so với cùng kỳ 2021, đạt 34.200 tỷ đồng. Số này cũng vượt trên 21% dự toán năm.
Ngoài ra, năm nay ngân sách tăng thu khoảng 9.100 tỷ đồng từ tăng giá dầu và thuế nhập khẩu xăng dầu. Nhà nước thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân..., tất cả những thuế này cũng nằm trong giá bán hàng hoá
Xem thêm: