Nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ chấp nhận nộp phạt 35 triệu USD, mức phạt tối đa cho lỗi chậm trễ triệu hồi 2,59 triệu xe bị lỗi ổ khóa khởi động khiến cho túi khí an toàn không triển khai khi xảy ra va chạm. Đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan An toàn Giao thông (NHTSA) trong 3 năm.
[pagebreak][/pagebreak]
GM cũng thừa nhận đã vi phạm luật liêng bang, một việc mà trước đây Toyota đã "lờ" đi khi chịu nộp phạt vì lỗi chậm triệu hồi xe để khắc phục lỗi xe tăng tốc đột ngột.
Ở những xe đời cũ, khởi động bằng chìa khóa, nếu khách hàng móc nhiều chìa khóa khác chung với chìa khởi động ô tô, sức nặng của chùm chìa khóa có thể khiến chìa khóa dịch chuyển qua vị trí trung gian giữa tắt và mở hệ thống điện. Ở vị trí này, động cơ không bị tắt nhưng hệ thống điện triển khai túi khí bị tắt, các túi khí an toàn sẽ không triển khai khi xảy ra va chạm. Lỗi này từ đã được các kỹ sư của GM phát hiện từ năm 2009 nhưng bị dấu nhẹm.
Ngày 16/05/2014, tại cuộc họp báo ở Washington Bộ trưởng Giao thông Anthony Foxx nói: “Họ đã có thông tin, nhưng họ không nói với ai. Những hình phạt phải có tác dụng cảnh báo các nhà sản xuất ô tô biết rằng sẽ không khoan nhượng vì bất cứ lý do gì nếu nhà sản xuất che dấu khiếm khuyết về an toàn đối với chính phủ liên bang. Mức phạt 35 triệu USD là mức tối đa NHTSA có thể quyết định, nhưng Bộ Giao thông đề nghị quốc hội nâng mức phạt lên 300 triệu USD". Ông nói tiếp: “Mức phạt 300 triệu USD mới đủ để răn đe các nhà sản xuất ô tô không phạm lỗi tương tự.”
Theo các chuyên gia pháp lý, cho dù Quốc hội Mỹ nâng trần được phép phạt của NHTSA lên 300 triệu USD cũng khó phạt được GM mức này vì như vậy vi phạm nguyên tắc không hồi tố.
Năm 2010, khi NHTSA chỉ được phạt tối đa 17,35 triệu USD, để có thể phạt Toyota 66 triệu USD do lỗi chậm thu hồi xe tăng tốc đột ngột, NHTSA đã phải chia việc vi phạm này làm 3 vụ khác nhau.
Lỗi ổ khóa trên các xe đời cũ của GM có thể xảy ra khi khách hàng móc nhiều chìa khóa chung với chìa khóa xe.
Sau năm 2010, Quốc hội Mỹ nâng trần mức phạt của NHTSA lên gấp đôi. GM sở hữu nhiều nhãn hiệu xe bị dính lỗi khóa khởi động. Nếu NHTSA phạt lỗi chậm thu hồi mỗi nhãn hiệu 35 triệu USD, số tiền GM phải nộp phạt có thể phải nhân lên nhiều lần. Nên GM chấp nhận ngay mức phạt được nhiều người cho là khá bao dung của NHTSA.
Để tranh thủ sự cảm thông của khách hàng trong nước và quốc tế, khi NHTSA bắt đầu cuộc điều tra, GM đã tỏ ra cộng tác và cung cấp đầy đủ tài liệu mà tổ điều tra yêu cầu. Hơn thế nữa, từ đầu năm đến nay GM tỏ ra rất sốt sắng trong việc triệu hồi sửa lỗi sản phẩm của mình. GM đã triệu hồi 24 đợt tổng cộng 12,8 triệu xe trên toàn cầu trong đó có 11,2 triệu xe ở Mỹ về đủ mọi lỗi từ nhỏ đến lớn. Con số này rất lớn nếu so với 757.000 xe được triệu hồi trên toàn nước Mỹ vào năm ngoái và lớn hơn tổng số xe GM triệu hồi trong 6 năm gần đây.
GM còn phải đối mặt với những khiếu kiện của gia đình các nạn nhân trong 32 vụ tai nạn trong đó có 13 trường hợp tử vong liên quan đến lỗi công tắc khởi động. Tòa án hiện hoãn xét xử vụ này đến 1/9.
Được biết sau 3 năm tranh chấp, hồi tháng 3, Toyota đã phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ xe tăng tốc đột ngột 1,2 tỷ USD.
Do ảnh hưởng của án phạt, cố phiếu của GM giảm nhẹ 1,7% ở mức 34,36 USD/cổ phiếu vào cuối ngày 15.5.