Chủ tịch hiệp hội vận tải oto Việt Nam (VATA) cho biết, các doanh nghiệp taxi truyền thống phải đóng 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), còn Grab chỉ đóng 4,5% cho cả 2 loại thuế này (1,5 VAT và 3% TNDN). Do đó, Grab đang được ưu ái về thuế hơn taxi truyền thống.
Theo nội dung công văn, các báo cáo đã kiểm toán, số thuế Vinasun đã nộp năm 2018 là 207,861 tỷ đồng, chứ không phải con số 144 tỷ đồng. Trong khi, số thuế của Grab, theo số liệu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội ngày 5/6 thì tổng số thuế mà 9 công ty taxi công nghệ trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 (trong đó có Grab) phải nộp là 437 tỷ đồng và các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách 415 tỷ đồng.
Nội dung công văn cho biết thêm, Vinasun luôn là đơn vị đứng đầu về nộp thuế trong toàn ngành vận tải taxi. Số thuế nộp vào Ngân sách Nhà nước tăng đều qua các năm. Cụ thể, từ năm 2014 - 2016 tổng số thuế của Vinasun nộp là trên 1.200 tỷ đồng. Trong khi với số lượng xe lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng Grab chỉ nộp vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng (Kết luận của Thanh tra Tổng cục Thuế). Năm 2017, Vinasun nộp 335,07 tỷ đồng và năm 2018 nộp 207,86 tỷ đồng.
Vẫn liên quan đến nghĩa vụ thuế của Grab, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch VATA cho biết, tại bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của TAND TPHCM về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun với Grab như sau: "Grab có dấu hiệu vi phạm về thuế: Theo số liệu của Tông cục thuế, trong kỳ kinh doanh 2014-2016 số thuế của Grab nộp cho nhà nước là 9,5 tỷ đồng, bằng 1/30 số thuế Vinasun nộp cùng thời gian (1.200 tỷ đồng). Vì vậy, tại công văn số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính nhận định: Grab có dấu hiệu rủi ro thuế cao, buộc đưa vào điều kiện kiểm soát thuế trọng điểm...
Không chỉ có dấu hiệu vi phạm thuế, Grab còn bất bình đẳng trong việc áp dụng thuế VAT, thuế TNDN. Grab không phải đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN mà các doanh nghiệp taxi phải thực hiện cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp taxi, trong đó có Vinasun phải đóng thuế VAT 10%, thuế TNDN 20%, BHXH, BHYT, BHTN là 32% trên thu nhập được tính của lái xe. Ngược lại, Grab được áp dụng thuế VAT 3%, thuế thu nhập phần mềm 2%, tổng cộng là 5%, cho thấy sự bất bình đẳng trong việc áp dụng mức thuế suất, đồng thời Grab không bị ràng buộc bởi BHXH, BHYT, BHTN đối với lái xe".
Cần tách bạch rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của Grab
Ông Quyền phân tích thêm, Grab nói thu, nộp hộ thuế cho người kinh doanh vận tải là 4,5% của "doanh thu chia sẻ (20-25% doanh thu vận tải)" thì đó mới là nghĩa vụ thuế của Grab, còn nghĩa vụ thuế của bên vận tải chưa được thực hiện.
Trong khi, theo Quyết định 24 của Bộ GTVT chỉ cho phép Grab thí điểm cung cấp dịch vụ kết nối; nếu là cung cấp dịch vụ kết nối thí điểm thì chi phí thuê dịch vụ này bên vận tải hạch toán vào chi phí sản xuất.
Để quản lý được doanh thu chịu thuế, yêu cầu Grab chuyển thông tin về doanh thu từng chuyến xe về đơn vị vận tải hoặc cơ quan quản lý thuế để có cơ sở hạch toán doanh thu chịu thuế của từng đầu xe.
Nếu Grab thu, nộp hộ thuế cho người kinh doanh vận tải thì doanh thu chịu thuế VAT là doanh thu vận tải (chứ không phải doanh thu chia sẻ). Doanh thu này hoàn toàn xác định được dựa trên dữ liệu về doanh này hoàn toàn xác định được dựa trên dữ liệu về doanh thu của từng cuốc xe mà Grab đã xác định để thu doanh thu chia sẻ và trả phần còn lại cho bên vận tải.
Về hoàn thuế VAT đầu vào, yêu cầu bên vận tải cung cấp các hóa đơn mua vật tư, nhiên liệu đầu vào để hoàn thuế cho bên vận tải. Về thu nhập cá nhân, căn cứ hạch toán đầu ra, đầu vào của người vận tải để xác định hoặc căn cứ vào mức thuế TNDN, TNCN của đơn vị kinh doanh cùng địa bàn để xác định mức khoán để thu thuế TNDN, TNCN.
"Về trách nhiệm kê khai và phần kinh doanh nộp thuế của Grab: Grab kinh doanh dịch vụ kết nối, thuộc về dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động vận tải, phải đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật" - ông Quyền phân tích.
Ngoài ra, ông Quyền tiếp tục trích dẫn nội dung bản án của TAND TPHCM nói trên về việc "Hành vi khuyến mãi của Grab đã vi phạm Luật thương mại". Về nội dung này, VATA đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm (nếu có) của Grab trong thực hiện Luật Thương mại.
Báo dân trí