UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra phương án vay 2.300 tỷ đồng từ trung ương để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD), trong đó hơn 13.000 tỉ đồng (669 triệu USD) vay của Trung Quốc, phần vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng (198 triệu USD)
Trong cơ chế tài chính được duyệt, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án có giá trị hơn 577 triệu USD. Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hơn 2.300 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Hà Nội, số tiền hơn 2300 tỷ đồng này là kinh phí chi cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy-toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
UBND TP cho hay các cơ quan Trung ương đã đồng ý ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đường sắt ký kết thỏa thuận cho vay lại phần vốn vay nước ngoài hơn 2.300 tỷ đồng để giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Lãi suất mà TP Hà Nội phải trả là 4%/năm, trong trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí… bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.
Theo Hà Nội, căn cứ vào các dư nợ hiện nay và dự kiến đến năm 2020 của thành phố, việc vay lại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông với giá trị khoảng hơn 2.300 tỉ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố. Thành phố Hà Nội bảo đảm thanh toán nợ vay đầy đủ, đúng hạn.
Báo lao động.