Hầm chui ở tuyến song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao Trạm 2 gần 8 năm chưa thể hoàn thành vì vướng dãy nhà gần KDL Suối Tiên, xe phải đi vòng hơn một km.
Đường hầm là một trong các hạng mục thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và đoạn quốc lộ 1 từ nút giao Trạm 2 cũ đến Tân Vạn, triển khai theo hình thức BOT. Hầm thiết kế dạng hở, nằm ở tuyến song hành phải xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn về Đồng Nai).
Hầm chui ở đường song hành phải xa lộ Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể thông xe, ngày 26/11. Ảnh: Gia Minh
Bắt đầu triển khai từ năm 2016, hầm chui đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể thông xe vì vướng dãy nhà gần Khu du lịch Suối Tiên. Công trình hiện bị rào chắn nên xe máy ở tuyến song hành không thể đi thẳng, buộc rẽ phải vào nhánh đường bên hông Khu Công nghệ cao rồi vòng lại xa lộ Hà Nội. Đoạn đường vòng này dài hơn một km. Riêng phần đường ôtô trên xa lộ, xe có thể đi thẳng và không bị ảnh hưởng bởi hạng mục trên.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII - nhà đầu tư), cho biết trong phạm vi dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn qua nút giao Trạm 2 trước đây được thiết kế theo dạng đi bằng. Do lưu lượng xe tăng cao, năm 2016 TP HCM chấp thuận cho xây hầm chui ở hai tuyến song hành, kết hợp các nhánh cầu vượt phía trên nhằm hạn chế xung đột các hướng đi, giảm ùn tắc.
Xa lộ Hà Nội, đoạn qua ga Khu Công nghệ cao của Metro Bến Thành - Suối Tiên, ngày 26/11. Ảnh: Gia Minh
Tính cả đường dẫn, mỗi hầm chui có tổng chiều dài chừng một km, rộng 12 m. Trong đó, hơn 140 m nằm dưới các cầu là hầm kín, còn lại thiết kế dạng hở. Hai hầm chủ yếu phục vụ xe máy, ôtô loại nhỏ nên tĩnh không ở những đoạn kín được thiết kế tối thiểu 2,5 m.
Theo ông Nam, quá trình thi công các hạng mục gặp trở ngại do vướng mặt bằng. Trong đó, hầm chui ở tuyến song hành trái (hướng từ Đồng Nai về cầu Sài Gòn) đã hoàn thành. Ở chiều đối diện, hầm bị vướng khoảng 300 m đường dẫn gần Suối Tiên nên đã tạm ngưng từ giữa năm 2023.
"Khu vực này nếu được bàn giao mặt bằng, chúng tôi sẽ thi công hoàn thành sau 4-6 tháng, giúp xe thuận tiện qua lại", ông Nam nói.
Đại diện Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết khu vực trên hiện còn vướng đất của gần 30 hộ dân và họ đề nghị được nâng giá bồi thường. Mặt khác, người dân cũng đang chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 nên địa phương đang đẩy nhanh giải quyết vướng mắc nhằm sớm giao mặt bằng cho dự án.
Vị trí hầm chui. Đồ họa: Đăng Hiếu
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và đoạn quốc lộ 1 từ nút giao Trạm 2 cũ đến Tân Vạn dài 15,7 km, 12-16 làn xe, được chia làm ba đoạn. Trong đó, đoạn một từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Năm 2009, dự án được UBND TP HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.516 tỷ đồng và năm 2016 điều chỉnh nâng lên hơn 4.900 tỷ đồng. Hiện, công trình hoàn thành toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia, dài hơn 13 km.
Ngoài một số vị trí ở đường song hành bị vướng mặt bằng, dự án còn gặp khó khăn nhất là đoạn qua Bình Dương, dài khoảng hai km từ bến xe Miền Đông mới đến nút giao Tân Vạn vì chưa được giao đất trong phạm vi công trình. Khu vực này đang "thắt cổ chai", ảnh hưởng đi lại của người dân cũng như hiệu quả dự án.
Trước đó, từ tháng 4/2021 BOT Xa lộ Hà Nội đã được thu phí, dự kiến trong 17 năm 9 tháng. Hiện đây là trục huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông TP HCM, kết nối trực tiếp qua Bình Dương, Đồng Nai, đồng thời là trục đường song song Metro Bến Thành - Suối Tiên, chuẩn bị đưa vào khai thác cuối năm nay.
Các bác có thể xem tại đây:
Hầm chui ở tuyến song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao Trạm 2 gần 8 năm chưa thể hoàn thành vì vướng dãy nhà gần KDL Suối Tiên, xe phải đi vòng hơn một km.
vnexpress.net
>>>> Xem thêm: