Hàng loạt hãng xe, hãng hàng không và thậm chí hãng hàng không vũ trụ đã vô cùng bàng hoàng khi biết được sản phẩm của công ty Kobe Steel đã khai gian thông số để vượt qua kiểm định. Trong số hơn 200 công ty đó, có cả những cái tên như Toyota, Honda, Nissan, Mazda, Mitsubishi, Subaru, Ford và General Motors.[pagebreak][/pagebreak]
Tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản vừa tiết lộ rằng nhân viên của họ đã khai gian các thông số về độ cứng và độ bền của các sản phẩm từ kim loại. Các thông số đã được làm giả để các sản phẩm kim loại đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng. Những sản phẩm bị khai gian thông số chất lượng được sản xuất tại 4 nhà máy của hãng tại Nhật. Và tệ nhất là hành vi khai gian này đã xảy ra trong gần 10 năm qua.
Những sản phẩm này đã được cung cấp đến hơn 200 công ty khác nhau, từ các công ty xe hơi, công ty hàng không hay thậm chí là công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Những cái tên được nhắc đến bao gồm các hãng xe Toyota, Honda, Nissan, Mazda, Mitsubishi, Subaru, Ford, General Motors, nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing... và Cơ quan Thăm dò vũ trụ Nhật Bản cũng sử dụng sản phẩm của hãng Kobe để sản xuất tên lửa H-IIA (phóng vệ tinh ngày 10/10 vừa qua).
Lãnh đạo Tập đoàn Kobe Steel cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo về scandal giả mạo số liệu.
Sau khi công bố thông tin trên trong buổi họp báo, giám đốc điều hành (CEO) Kobe, ông Hiroya Kawasaki đã đứng đầu một ủy ban được lập để điều tra vấn đề chất lượng.
Về các hãng xe, Toyota cho biết đã phát hiện thấy vật liệu bị giả mạo dữ liệu của Kobe được sử dụng cho mui xe, cửa xe và một số bộ phận ngoài của xe do hãng sản xuất. Honda cũng khẳng định hãng đã sử dụng thép kém chất lượng của Kobe để làm cửa xe. Mazda, Subaru, Nissan và Mitsubishi cũng đang điều tra xem xe của họ có bị ảnh hưởng hay không.
Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản. Hồi năm 2016, Shinko Wire, một công ty con của Kobe Steel, cho biết một bộ phận đã thổi phồng dữ liệu về độ bền chắc của sản phẩm dây thép không rỉ. Takata hồi tháng 2/2017 thừa nhận với cơ quan chức năng Mỹ về việc nói dối khách hàng. Hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới này cũng phá sản sau đó. Tháng 3, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber thừa nhận làm giả dữ liệu về cao su dùng trong các tòa nhà có khả năng chịu động đất...
Liệu "chất lượng Nhật Bản" có còn tốt như chúng ta quan niệm bấy lâu?
Tổng hợp