Hàng ngàn người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang “đánh đu” tính mạng trên tuyến đường gần 80 tỷ đồng vừa hoàn thành.
Mặc dù chính quyền đã đặt biển cấm người qua lại nhưng vì tuyến đường này rút ngắn khoảng cách lên trung tâm huyện nên nhiều người dân cũng bất chấp nguy hiểm để đi
Dự án đường giao thông Phúc Trạch - Hương Liên ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, có số vốn gần 80 tỷ đồng, được hoàn thành vào cuối tháng 8/2019.
Những tưởng, sau khi hoàn thành, hàng ngàn dân ở 2 xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Hương Khê là Hương Lâm và Hương Liên sẽ rút ngắn khoảng cách từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng, khi công trình chưa kịp bàn giao thì xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc mái taluy dương.
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, tình trạng sạt lở taluy dương xảy ra ở nhiều vị trí, nhưng nặng nhất là trên đoạn dốc kéo dài khoảng 300m đoạn đầu phía gần đường Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn khối đất đá, trong đó có những tảng đá khổng lồ, nặng cả tấn từ trên núi sạt xuống đường, lấp hoàn toàn rãnh thoát nước, thậm chí có đoạn còn tràn ra gần nửa mặt đường.
Nguy hiểm hơn, phía trên núi cao vẫn còn rất nhiều đất và nhiều khối đá khổng lồ đang chờ chực đổ ập xuống đẩy tuyến đường vừa mới hoàn thành xuống vực sâu.
Ngoài ra, đá được dùng làm vật liệu xây dựng sau khi hoàn thành không được thu dọn, nằm vương vãi trên mặt đường, rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu được biết, tình trạng sạt lở đã xảy ra gần 1 năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã cắm biến cấm qua lại nhưng người dân vẫn liều mình đi qua vì đây là con đường ngắn nhất ra trung tâm thị trấn Hương Khê.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (trú ở xã Hương Liên) nói: Do đặc thù công việc nên phải thường xuyên đi ra trung tâm huyện. Biết là đi dưới đoạn đường sạt lở như vậy rất nguy hiểm nhưng mà vì nó ngắn hơn tuyến đường khác tận hơn 10km nên đánh liều băng qua.
Cùng quan điểm, ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên, huyện Hương Khê cho biết: Đây là tuyến đường huyết mạch, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với 2 xã Hương Liên và Hương Lâm, đặc biệt là xã biên giới Hương Lâm.
Nếu như trước đây muốn ra trung tâm huyện, người dân phải đi vòng mất hết 2 giờ đồng hồ, nhưng từ khi có con đường này chỉ đi hết hơn 20 phút.
Hiện tại có khoảng hơn 2.000 người dân của 2 xã thường xuyên đi qua tuyến đường này để lên trung tâm huyện. Trong khi đó, vào năm 2017, trên tuyến đường này cũng đã xảy ra TNGT làm 1 người tử vong.
“Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tuyến đường còn có nhiệm vụ thúc đẩy sự giao thương nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho xã. Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương (như cam, bưởi…) rất khó tiêu thụ vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, nay giao thương buôn bán dễ dàng hơn nhiều. Ngoài ra, kể từ khi có con đường này, tình trạng học sinh bỏ học ở nhà đã giảm đi được rất nhiều”, ông Sánh nói.
Cũng theo ông Sánh, kể từ khi xảy ra sạt lở, người dân biết nguy hiểm nhưng vì đường gần, tiện lợi nên vẫn mạo hiểm đi qua. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị, vừa rồi tiếp xúc cử tri cũng đã đề xuất chính quyền cấp trên sớm xử lý, vì khi mùa mua lũ đến đất đá trên núi cao sẽ tiếp tục sạt xuống càng nguy hiểm. Nhẹ thì chắn ngang đường gây ách tắc giao thông, nặng thì đẩy cả tuyến đường xuống vực sâu đối diện.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thế Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc - đơn vị thi công tuyến đường, cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trên toàn tuyến có 23 điểm sạt lở taluy dương lớn nhỏ và đều nằm ngoài phạm vi thi công công trình.
“Tuyến đường chỉ thiết kế bạt mái ta luy, chứ không có tường chắn, rãnh đỉnh trong khi đường có độ dốc cao nên việc xảy ra sạt lở là bình thường. Đáng lẽ tuyến đường được bàn giao vào tháng 8/2019, tuy nhiên do sạt lở nên đến giờ vẫn chưa thể bàn giao được”, ông Cường nói.
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án đã được cấp có thẩm quyền cho bổ sung thiết kế và hồ sơ cũng đã trình xuống Sở GTVT thẩm duyệt. Hiện tại phương án trình duyệt vẫn nằm trong tổng mức đầu tư dự án, nếu sau này khối lượng sạt lở quá lớn, vượt tổng mức thì huyện sẽ xin điều chỉnh. Huyện đang cố gắng để khắc phục tình trạng sạt lở này trước mùa mưa năm nay.
Còn vấn đề đất đá thi công chưa được dọn dẹp, ông Huấn cho biết huyện sẽ chỉ đạo đơn vị thi công dọn dẹp ngay.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại trên cung đường này:
Theo thống kê sơ bộ có 23 điểm sạt lở taluy dương, nhưng nặng nhất là đoạn khoảng 300m nằm trên một con dốc phía gần đường Hồ Chí Minh
Dẫu biết nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn "đánh cược" tính mạng để đi qua con đường này
Đất đá sạt lở xuống lấp đầy rãnh thoát nước dọc đường
Ngoài đất đá sạt lở thì có một lượng đất đá thi công chưa được dọn dẹp phủ đầy mặt đường
Nếu không được khắc phục sớm, ngoài nguy hiểm đến tính mạng người dân còn có nguy cơ đất đá cuốn trôi công trình 80 tỷ xuống vực
Trên núi vẫn còn rất nhiều đất đá chờ chực sạt lở xuống đường
Kể từ khi có con đường này, học sinh đi lại cũng dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng tình trạng sạt lở khiến nhiều phụ huynh không an tâm
Hậu quả sẽ rất lớn nếu những tảng đá khổng lồ này rơi xuống đúng người đi đường
https://www.atgt.vn/hang-ngan-nguoi...ren-con-duong-80-ty-vua-lam-xong-d470812.html