Đối với mình, mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa riêng và đặc biệt theo cách riêng của nó. Thật tình cờ và may mắn khi được đồng hành cùng Chevrolet Colorado và Trailblazer trong 2 chuyến đi liên tiếp nhau và mức độ đặc biệt có thể nói là cao nhất trong rất nhiều chuyến hành trình mà mình đã đi qua.[pagebreak][/pagebreak]
Mới tuần trước thôi, cùng Chevrolet Colorado vượt hơn 1.500 km để đi đến những Cột mốc linh thiêng ở vùng biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam. Và chỉ sau đó vài ngày, bắt chuyến bay xuyên châu lục để đến Australia và tiến về vùng đất Coober Pedy, thủ phủ Ngọc Mắt Mèo của thế giới.
Thật khó để tưởng tượng được có một ngày mình lại đặt chân đến Coober Pedy, South Australia, một vùng đất được xem là đặc biệt bậc nhất ở đất nước Australia cũng như trên thế giới. Mình chưa từng tìm hiểu về vùng đất này và thậm chí còn chưa biết đến tên của nó. Và mình đã rất háo hức khi nhận được thông tin rằng mình sẽ đến Coober Pedy, nơi có những sa mạc rộng lớn, có những mỏ “Ngọc Mắt Mèo” đầy quý giá và có những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.
Để đến được Coober Pedy là cả một hành trình dài, rất dài. Từ Việt Nam, mình đón chuyến bay đi Melbourne, Australia. Điểm dừng đầu tiên là Bangkok, Thái Lan, sau đó mới bay tiếp tới Melbourne. Từ Melbourne sẽ đi chuyến bay tiếp theo đến Adelaide và nghỉ lại đó một đêm vì không có chuyến bay thẳng tới Coober Pedy.
Sáng hôm sau, mình lại tiếp tục đón một chuyến bay từ Adelaide để tới Cooper Pedy. Mỗi ngày sẽ chỉ có 01 chuyến bay duy nhất từ Adelaide đến Coober Pedy và ngược lại. Máy bay đi Coober Pedy rất nhỏ, chỉ có 34 chỗ ngồi và là máy bay cánh quạt nên bay chậm. Ngoài ra, có một thứ thú vị là trước khi đến Coober Pedy thì nó có hạ cánh xuống Port Augusta để thả một số người khách và đón thêm khách mới.
Sau khoảng hơn 2 giờ đồng hồ bay với chiếc SAAB 340 thì mình đã tới sân bay Coober Pedy, một sân bay rất nhỏ, nhỏ hơn bất kỳ sân bay nào khác mà mình đã từng đến trên khắp thế giới. Giữa sa mạc, người ta xây dựng một sân bay vừa đủ để có thể đưa người đến vùng đất xa xôi Coober Pedy.
Ngoài cách đi máy bay thì có thể đến Coober Pedy bằng đường bộ hoặc đường sắt. Vào năm 1987, con đường cao tốc Stuart Highway đi qua vùng Coober Pedy hoàn thành và nối nó đến các khu vực khác trên toàn lãnh thổ Australia, kéo dài từ phía Nam lên phía Bắc. Coober Pedy cách Adelaide khoảng 846 km về phía Tây Bắc, và cách Melbourne khoảng hơn 1.600 km. Với khoảng cách như vậy thì các bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến một chuyến lái xe ô tô đến Coober Pedy, chắc chắn sẽ rất thú vị. Ngoài ra, một phương tiện khác cũng có thể đưa các bạn đến Coober Pedy là tàu lửa.
Hạ cánh xuống sân bay Coober Pedy, những chiếc Chevrolet Colorado và Trailblazer (ở Australia là Holden Colorado và Trailblazer) đã chờ sẵn để chuẩn bị cho hành trình qua khu bảo tồn Breakaways và các khu vực khai thác “Ngọc Mắt Mèo” ở Coober Pedy. Nguyên một đoàn xe chạy trên sa mạc là một cảm giác rất lạ, rất thú vị mà mình chưa từng có trước đó.
Địa hình của Coober Pedy là sa mạc, nhiều cát, sỏi nên những chiếc Colorado cùng Trailblazer quá phù hợp để chinh phục những cung đường ở đây. Tất cả các phiên bản được GM Holden chọn cho hành trình đều là bản dẫn động 2 cầu nên mọi thứ càng đơn giản hơn. Hơi tiếc là trong chương trình lái xe không có các màn off-road tốc độ cao kiểu Dakar Rally. Nhưng dù sao thì cảm giác chạy trên sa mạc đôi khi lên mức hơn 140 km/h với một chiếc bán tải cũng là quá phê rồi.
Trong ngày đầu tiên đoàn chỉ chạy xe lòng vòng ở Coober Pedy, ngày thứ hai mới là ngày “phấn khích thực sự” khi vượt qua quãng đường hơn 200 km để đến Sa mạc Sắc Màu (Painted Desert) và đi xa thêm nữa đến thị trấn Oodnadatta. Mọi người nhớ đón xem phần 2 nhé.
Nói một chút về Coober Pedy, thủ phủ “Ngọc Mắt Mèo” (Opal) của thế giới.
Coober Pedy là một thị trấn nhỏ nằm về phía Bắc của bang South Australia với chỉ khoảng 2.500 người. Trữ lượng Ngọc Mắt Mèo ở Coober Pedy là lớn nhất thế giới và ở đây có hơn 70 loại Ngọc Mắt Mèo khác nhau. Coober Pedy theo ngôn ngữ của người Aboriginal (Thổ dân Úc) nghĩa là “Cái hố của người da trắng.”
Viên Ngọc Mắt Mèo đầu tiên được tìm thấy ở Coober Pedy là vào ngày 01/02/1915 bởi ông Wille Hutchison và kể từ đó thị trấn này mới bắt đầu được hình thành khi ngày càng có nhiều hơn những người châu Âu đến để khai thác. Người châu Âu đầu tiên khám phá ra vùng đất Coober Pedy là John McDouall Stuart, một người gốc Scotland; sau này tên của ông đã được đặt cho con đường cao tốc đi qua vùng đất này.
Sau khi những viên Ngọc Mắt Mèo đầu tiên được tìm thấy ở Coober Pedy thì số lượng thợ mỏ đổ về đây ngày càng đông đúc. Đến năm 1999, có khoảng 250.000 lỗ khoan thăm dò ngọc tại khu vực này và chính phủ đã phải giảm việc khai thác quy mô lớn bằng việc chỉ cho phép mỗi người chỉ được tìm kiếm ngọc trong khu vực có 15,3 m2. Hiện tại ở các khu vực xung quanh Coober Pedy có đầy những hố sâu, là nơi mà người ta đã khoan xuống để thăm dò ngọc, lái xe hay đi lại ở đây cần phải cẩn thận để không bị rơi xuống hố.
Coober Pedy ngày nay cũng là một nơi rất thu hút khách du lịch vì khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, những mỏ khai thác Ngọc Mắt Mèo và đặc biệt là những khu dân cư nằm dưới lòng đất.
Vì nằm ở sa mạc nên mùa Hè tại Coober Pedy rất nóng bức, người ta phải tìm cách xây nhà bên dưới lòng đất, ngay ở những khu mỏ mà họ đã khai thác trước đây. Những ngôi nhà trong lòng đất ở Coober Pedy được gọi là “dugouts”, nó giúp họ tránh được cái nóng “như thiêu như đốt” ở vùng đất khô cằn này.
Nhiệt độ ngoài trời ở Coober Pedy vào mùa Hè có thể lên đến mức 50 độ C, còn mùa Đông thì có khi dưới 0 độ C. Nhưng các ngôi nhà trong lòng đất sẽ luôn duy trì được nhiệt độ ở mức trung bình là khoảng 24 độ C; hoặc tối đa là 32 độ C vào mùa Hè; độ ẩm ở mức 20%. Vào mùa Đông thì nhiệt độ ở trong lòng đất có thể lạnh hơn.
Ngọc Mắt Mèo (Opal) là loại đá quý có giá trị cao. Ngày xưa, loại ngọc này được dùng để làm vật liệu trang trí trên các đền đài và cung điện. Ngày nay, nó là một trong những món trang sức hấp dẫn.
Một số hình ảnh về chuyến đi đến vùng Coober Pedy, Australia với Chevrolet Colorado và Trailblazer:
Chiếc SAAB 340 đang chờ sẵn để đưa mình đi từ Adelaide tới Coober Pedy. Chiếc máy bay này chỉ có 34 chỗ ngồi, chưa tính phi công và tiếp viên.
Lên máy bay chuẩn bị cất cánh.
Trong hành trình đến Coober Pedy, chiếc SAAB 340 còn ghé xuống sân bay Port Augusta để trả khách và đón thêm khách mới. Giống kiểu xe buýt ở Việt Nam ghê luôn.
Trên bầu trời South Australia, hướng đến Coober Pedy.
Một khu trông giống hầm mỏ khai thác Ngọc Mắt Mèo lúc máy bay chuẩn bị đáp xuống Coober Pedy.
Một khu khác, có khá nhiều xe ô tô xếp thành hàng dài. Nhìn từ máy bay nên em không rõ họ đang làm gì.
Sau hơn 2 giờ bay thì cuối cùng cũng đã hạ cánh xuống sân bay Coober Pedy, South Australia, một sân bay rất nhỏ.
Làm một tấm kỷ niệm đặt chân đến Coober Pedy, vì chắc là khó có cơ hội quay lại vùng đất đặc biệt này.
Sân bay nhỏ nên mọi người xuống máy bay và đi bộ và nhà ga.
Lúc này những chiếc Colorado và Trailblazer đã chờ sẵn bên ngoài sân bay.
Ở thị trường Australia, những chiếc Colorado và Trailblazer mang thương hiệu Holden.
Vừa xuống sân bay là cả đoàn lên xe và lái thẳng tới khu Bảo tồn Breakaways. Cảm giác cầm lái những chiếc xe Colorado và Trailblazer trên các con đường sa mạc thực sự rất phê. Ở Việt Nam hơi khó kiếm những địa hình như thế này.
Khung cảnh ở khu Bảo tồn Breakaways, khô cằn và chỉ có cát sỏi, nhưng mà vẫn thấy đẹp.
Những "chiến binh" Colorado và Trailblazer lao vun vút trên các con đường giữa sa mạc tại khu Bảo tồn Breakaways làm em nhớ lại các cảnh quay trong phim Mad Max III. Một phần bộ phim này được quay chính ở Coober Pedy đó các bác.
Colorado và Trailblazer trên một đụn cát giữa sa mạc mênh mông ở vùng Coober Pedy.
Nhìn mọi thứ thật hấp dẫn, lái xe ở địa hình này cũng cực kỳ thú vị.
Nhớ lại cảm giác lúc đó vẫn thấy phê các bác ạ. Vùng đất này thực sự đặc biệt, nếu có thể các bác nên ghé thăm một lần.
Nhìn từ trên cao, vùng Coober Pedy toàn những hố sâu. Đây là những lỗ khoan mà người ta đã khoan xuống lòng đất để tìm kiếm Ngọc Mắt Mèo. Ở đây, khi đi bộ thì nên cẩn thận vì nếu không để ý thì rất dễ lọt hố và mất mạng như chơi.
Bên cạnh những hố sâu luôn là những đụn cát, đất vung cao. Đó là đặc điểm để lưu ý.
Khung cảnh này mình mới thấy lần đầu trong đời nên rất phấn khích.
Ở Coober Pedy vào mùa Hè rất nóng nên người ta chui xuống lòng đất để ở. Đây là một khách sạn có những căn phòng nằm trong khu mỏ trước đây đã khai thác Ngọc Mắt Mèo. Và ở dưới là một số hình ảnh mình chụp ngay ở trong khu vực khách sạn Desert Cave Hotel, Coober Pedy.
Chỉnh sửa cuối:
Chủ đề tương tự
Người đăng:
Xe1WD
Ngày đăng:
Người đăng:
tuyettinhca
Ngày đăng:
Người đăng:
phanhunglong
Ngày đăng: