Hạng B2
20/9/09
174
3.681
138
Saigon
HẢO TỰ Ố TĂNG THỜI BANG VÔ ĐẠO

Huyền sử truyền rằng, năm 520, Tổ đời thứ 28 của dòng Thiền Tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) đã theo đường biển đến Quảng Châu, miền Nam Trung Hoa hoằng dương Phật Pháp. Lương Vũ Đế (464 -549), Hoàng đế khai quốc triều Lương vốn là một ông vua luôn đề cao việc học tập, giáo dân, vốn đã thành tâm cầu Phật, nghe tiếng đã cho mời Bồ Đề Đạt Ma hội kiến.
Gặp Tổ Phật, Hoàng đế Lương triều hỏi: “Từ ngày tôi làm vua đến nay lập nhiều chùa, chép kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như vậy có được công đức không?”. Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Không có công đức gì cả”. Băn khoăn, Vua hỏi tiếp về chân công đức. Câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma được xem như một cứu cánh của bậc Chân Như: “Trí thanh tịnh, thể vốn vắng lặng nhiệm mầu, công đức như vậy không thể lấy thế pháp mà cầu được”. Trước ham muốn tu nhân tích đức, hành công quả để thành Thánh Đế mà Lương Vũ Đế đeo đuổi, Bồ Đề Đạt Ma chỉ buông gọn bốn chữ: “Quách nhiên vô Thánh”, nghĩa là “Vốn trống rỗng, chẳng có gì gọi là Thánh cả”.
Rồi bái biệt. Thất vọng vì cái tâm của ông vua sùng đạo vẫn động, trái ngược với mục đích/cảnh giới Thiền (Dhyana) vốn được hiểu là tĩnh tâm, quán định để giác ngộ chân lý, ngài quay lưng bỏ lên phía Bắc, không một lần ngoái lại. Công án “bất thức” (không biết), ngay từ thuở Thiền Tông vừa du nhập phương Đông đã khẳng định: xây chùa to, tạc tượng lớn, hành thí nhằm đạt tham vọng "nhân thiên hữu lậu" không bao giờ là con đường của Phật Pháp.
Không lâu sau đó, khoảng năm 580, Tỳ-ny-đa-lưu-chi (Vinitaruci), dòng Thiền đầu tiên từ Ấn Độ đã du nhập, bén rễ tại Chùa Dâu (Chùa Pháp Vân), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, khởi đầu cho một giai đoạn truyền bá mạnh mẽ của Thiền Tông và nhiều hệ phái Phật Giáo khác như Tịnh Độ Tông, Vô Ngôn Thông, Mật Tông… vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ bây giờ. Tuy nhiên, đó là giai đoạn hoằng dương bài bản và quy mô, còn sự tiếp nhận Phật Giáo vào Việt Nam thì đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Đầu Công nguyên đã có truyền thuyết Chữ Đồng Tử theo học Phật Pháp từ một cao tăng đến từ Ấn Độ. Từ thế kỷ II sau Công nguyên, một số dòng Phật Giáo đã chính thức xuất hiện, chùa Phật đã được dựng nên tập trung nhiều ở vùng Luy Lâu, Bắc Ninh ngày nay.
Dù mang một số đặc điểm khác nhau, các dòng Phật Giáo vẫn nhất quán đề cao Phật tại tâm, giác ngộ Phật Tâm đồng nghĩa nhập Niết Bàn, vô ảnh vô hình, như một chữ Không bao trùm. Mọi thành quả khác, dù hiện hữu, chẳng qua là “hữu lậu, chỉ là quả nhỏ nhoi trong cõi nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật” như Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị về yếu tính Phật Pháp cho Lương Vũ Đế nhưng bất thành.
So từ nguyên ủy, chùa to, tượng lớn, phô trương hoành tráng hay lập kỷ lục về những cái nhất chưa bao giờ là con đường Phật Giáo. Tu hành Phật giáo là quá trình diệt dục, thực hành Tứ Diệu Đế. Dù không hẳn là pháp quy bắt buộc, thực hành Phật Pháp cũng nghiêng về phía khổ hạnh, vong thân. Hảo tự ố tăng (chùa to đẹp, tăng hoen ố), nó đi ngược quá trình tu hành giác ngộ Phật, hủy hoại Phật Pháp, cũng đồng thời hủy hoại đạo đức xã hội, làm phương hại đến luật pháp, đảo tung các giá trị vì lợi nhuận. Những siêu công trình tôn giáo mọc lên ngày càng nhiều không chứng tỏ sự phát triển của tôn giáo, chỉ chứng minh sự tha hóa nghiêm trọng của cả đạo đức xã hội lẫn đức tin tôn giáo, khi mà tất cả ham muốn, dục vọng vật chất “hữu lậu nhân thiên” đểu có thể được thỏa mãn, đều đổi chác được bằng tiền và rất nhiều tiền.
Những người ủng hộ hoặc biện hộ cho sự bùng nổ xây dựng chùa chiền thường viện dẫn thời Lý – Trần, Phật Giáo phát triển, để lại nhiều di sản vật chất, văn hóa, văn hiến, tạo nên một dung mạo văn hóa Việt Nam đặc sắc, đáng tự hào ngay cả trong thời hội nhập. Họ quên rằng, chính trong thời Lý, khi Phật giáo phát triển huy hoàng nhất, nạn mượn danh Phật Giáo để hoành hành, làm bại hoại cửa Phật, suy yếu nền tảng đạo đức xã hội và luật pháp còn phát triển hơn. Nhà nhà đi tu, nơi nơi dựng chùa, sư tăng kết đảng hoành hành bá đạo...trở thành quốc nạn. Ngay chính những chân tăng, quan lại chính trực, giới trí thức, nhà chép sử thời đó cũng đã nhiều người kịch liệt phản đối nạn buôn Tăng bán Phật. Đời Lý Cao Tông (1173–1210) , triều đình đã phải bất đắc dĩ đuổi sư, buộc hằng hà sa số sư sãi (mượn danh) phải hoàn tục, tránh cho quốc gia một vấn nạn (khi đã quá muộn).
Mượn cớ tạo ra công trình, sản phẩm có tầm vóc để nâng cao vị thế hội nhập, không ít người đã ủng hộ khuynh hướng chạy theo kỷ lục, chạy theo những cái nhất khi xây dựng chùa, tháp, với “hy vọng” đất nước sẽ có thêm ngày càng nhiều những công trình khiến cả thế giới phải nghiêng mình, sánh ngang với Vạn Lý Trường Thành hay Kim Tự Tháp, thậm chí cả người ngoài hành tinh cũng có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Tôi cho rằng, đây là một quan niệm phi văn hóa, sặc mùi vật chất chủ nghĩa. Chùa Tam Chúc khi xây xong, dù có “lớn nhất thế giới” cũng không thể có giá trị văn hóa bằng một mảnh gốm vỡ thời Trần còn được lưu giữ trong bảo tàng. Vòm trần điện thờ dát vàng trong bảo tháp chùa Bái Đính không thể đẹp và quyến rũ nhân loại yêu sự tinh tế hơn phù điêu tạo dáng rồng thời Lý hay mái đao dù đã mốc thếch thời gian vẫn cong vút của chùa Keo được dựng từ thời Lê. Đó mới đích thực là màu sắc, đường nét văn hóa Việt. Bởi lẽ, không thể lấy thành quả đồ sộ của văn minh - những giá trị nghiêng về vật chất - để thay thế sự đặc sắc của văn hóa - những giá trị thiên về tinh thần. Những hoành phi, đại tự tầm thường thời hiện đại dù có sơn son thếp vàng, những đại hồng chung mới đúc khắc thô thiển tên tuổi nhà giàu, quan chức to cung tiến cũng không thể quý giá bằng một góc những báu vật văn bia, mộc bản cổ đã sứt sẹo hình hài vẫn rực rỡ nghìn năm văn hiến - những giá trị nghiêng về văn bản. Đó mới đích thực là những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt.
Đừng vội chê những ai ủng hộ việc giữ gìn văn hóa Việt trong nét khiêm nhường, tinh tế, giản dị là nệ cổ, là nhược tiểu, là không dám vươn ra thế giới. Mỗi nền văn hóa có một cách đóng góp riêng cho di sản văn minh – văn hóa nhân loại, phù hợp với điều kiện và tập quán sinh sống của từng vùng địa lý cư trú, từng nhóm tộc người. Từ đúng 100 năm trước, khi nói về nghệ thuật kiến trúc và trang trí của người Việt, trong bài viết "Mỹ thuật ở Huế" đăng trong tập 16, năm 1919, Tạp chí "Đô thành hiếu cổ" (BAVH), nhà nghiên cứu uy tín người Pháp, giáo sĩ dòng Thừa sai Paris Leopold Cadière đã có nhận xét: "Người An Nam dường như chẳng bao giờ có những dự kiến to lớn. Những cung điện nguy nga, những đền thờ đồ sộ vẫn thường nằm ngoài ý niệm của họ, và cũng như nằm ngoài tầm phương tiện của họ. Nhưng các ngôi chùa nhỏ, các ngôi nhà thấp tối của họ lại được trang trí công phu. Những nóc khuyết, trụ cột, lối ra vào, bình phong và dày đặc mẫu thức trang trí với màu sắc rực rỡ, đôi khi lòe loẹt, nhưng vẫn hài hòa với sắc màu phong cảnh, với sức chói chang của ánh sáng”.
Đó là một nhận xét xác đáng. Hãy để thế giới khâm phục Việt Nam bằng bản sắc tinh tế, đâu cần phải làm thế giới giật mình kinh hãi bằng sự sao chép, bắt chước hợm hĩnh phô phang? Lai căng đua đòi làm suy yếu sức đề kháng văn hóa. Văn hóa suy đồi, ắt hẳn quốc gia bạc nhược. Đó là mối nguy tự diệt.
Ngày nay, hiện tượng mượn mác tôn giáo - không riêng Phật Giáo - lập các dự án "du lịch tâm linh" để được giao đất, phá rừng bạt núi xây chùa to, tháp cao, kinh doanh trên tín ngưỡng đã thành phổ biến. Những công trình chùa chiền kiểu Bái Đính, Tam Chúc, Sơn Trà... hầu hết đều là kinh doanh tôn giáo, không phải là công trình phục vụ tín ngưỡng đúng nghĩa. Chúng đều là cú áp phe của giới tài phiệt, lợi dụng Phật giáo và phá hoại Phật giáo. Viện dẫn quy luật cung cầu, nại cớ Luật không cấm để biện hộ cho kiểu kinh doanh, khai thác dịch vụ, gắn mác “văn hóa, tâm linh” vào công cuộc buôn thần bán thánh thật ra chỉ là luận điệu của kẻ hoặc cố chấp, thiếu hiểu biết, hoặc là kẻ lạm dụng đức tin, tín ngưỡng để trục lợi. Nếu đông đảo nhân dân chưa nhìn thấy sự dị hơm, băng hoại ấy, vẫn háo hức lao theo và ngưỡng mộ, người có hiểu biết cần góp tiếng nói chỉ ra: đó là một nguy cơ đã trở thành quốc nạn.
Trong cả mục đích và bản chất, những công trình đồ sộ đang đua nhau mọc lên thực chất chỉ là những dự án cướp cạn văn minh, công khai vơ vét tài nguyên đất nước, cướp đoạt ngân sách của nhà nước do nhân dân đóng góp.
Đầu tiên là cướp đất. Khá đông đại gia khét tiếng và tai tiếng đều gắn tên mình với những công trình xây dựng chùa chiền, dù đức tin tôn giáo, đạo đức tôn giáo của họ hầu như đều phô ra tỉ lệ nghịch với sự đồ sộ của các công trình. Trầm Bê xây chùa ở Trà Vinh để….treo ảnh gia đình. Trần Bắc Hà bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ trùng tu, dựng mới chùa ở Bình Định, Quảng Bình. Ông Chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ hẳn là đang rất bận bịu “thoát tục” với công trình chùa chiền trên diện tích 1500 ha rừng đã và sẽ bị phá ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Và bây giờ thì đại gia của tập đoàn Xuân Trường đang chiếm lĩnh truyền thông với những siêu dự án ăn đất.
Những siêu dự án Xuân Trường đang đầu tư đều gắn với chữ “du lịch tâm linh” gồm: khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp ở Hải Phòng, 450 ha đất, 9.800 tỷ đồng; Quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), 80ha, 17.000 tỷ đồng, nhưng ăn vào 4000 ha vùng lõi Tràng An; Khu Du lịch tâm linh Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) chiếm 5.100 ha đất, đầu tư 11.000 tỷ đồng: Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) chiếm 18.940 ha, đầu tư 15.000 tỷ…
To hơn, cao hơn, rộng hơn… chiến lược trương phình dự án chỉ nhằm duy nhất chiếm hữu được nhiều diện tích đất đai hơn. Toàn bộ diện tích Khu du lịch tâm linh Tam Chúc rộng 5.100 ha, bằng 300 lần sân vận động Mỹ Đình (theo so sánh của đồng nghiệp Đào Tuấn, Báo Lao Động) trong khi mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ mới chiếm 144 ha. Phần đất đai mênh mông còn lại rồi đây sẽ được xây dựng thành khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bến xe điện, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, biệt thự cao cấp bán và cho thuê… Đó đều là những công trình không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng nhưng đều là những mũi nhọn kinh doanh béo bở.
Thì đã làm sao? Nếu có tiền, người ta cứ đầu tư, miễn luật không cấm. Đầu tư kiếm lời hướng phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh vẫn còn tốt hơn có tiền đem ném vào những cuộc phá phách. Mỉa mai cho những ai vẫn ngây thơ tin vào điều đó. Họ đã không nhìn thấy, hoặc cố tình nhắm mắt không nhìn thầy sự tàn phá kinh hoàng, đúng hơn là tận diệt của các siêu dự án. Sau cướp đất là ăn thủng ngân sách. Phần lớn tiền đầu tư, có thể lên tới 70% sau khi có dự án đều là tiền vay ngân hàng. Ông chủ các siêu dự án sẽ không ngần ngại vẽ vời, đội vốn các dự án lên 1,5 -2 lần hoặc hơn thế nữa để vay được càng nhiều tiền từ ngân hàng càng tốt. Lãi ngân hàng dù có rất lớn cũng thấp hơn nhiều khấu trừ thu nhập. Nếu kinh doanh không hiệu quả, dự án bị thu hồi, ngân hàng ngắc ngoải, đại gia vẫn sống khỏe. Vì mục đích lợi nhuận, họ phá rừng, bạt núi, tàn hại môi trường, phá thủng ngân sách, cướp bóc quốc gia, còn tàn bạo hơn phá hoại.
Vẫn chưa hết. Khi các công trình tâm linh đã đi vào khai thác, bằng mọi cách, họ cố phù phép để chúng được công nhận là "Di tích văn hóa - lịch sử" - với hồ sơ thuyết minh đa phần là bịa đặt và thêu dệt. Với một khoản tiền bôi trơn cực lớn, họ sẽ đạt được điều đó rất nhanh mà không quá khó. Vậy là nghiễm nhiên “Công trinh tâm linh, danh thắng” sẽ được bảo vệ, giữ gìn bằng tiền ngân sách (chi cho công an, dân phòng, bảo vệ, cả bộ máy chính quyền địa phương), nghĩa là thêm một bước nữa trắng trợn móc túi ngân sách.
Dùng mỡ nó rán nó, đó là bản chất công cuộc cướp cạn tài nguyên, ngân sách quốc gia một cách công khai. Đó là lý do vì sao các công trình siêu khủng đều có xuất phát ăn theo một cổ tự, danh thắng nổi tiếng đã có sẵn. Nếu phải so sánh với công trình mới đầu tư, công trình nguyên thủy, Bái Đính cổ tự so với Bái Đính mới chẳng hạn, xem ra chỉ bé như mắt muỗi. Lấy mở nó rán nó, nhà đầu tư chỉ giàu lên cực nhanh, không bao giờ chết.
Một ví dụ cụ thể, hàng năm, sau mỗi đợt lễ hội Chùa Hương, chùa chiền ở đây sẽ thu được vài chục tỷ đồng, năm cao nhất là 31 tỷ. Số tiền lẻ của khách thập phương cúng hòm công đức và nhét vào tay, vào chân tượng Phật hoặc đặt lễ trên bàn thờ gom lại đem gửi tại Ngân hàng Mỹ Đức, Hà Nội có khi lên tới 1.200 bao tải!
Thế nhưng, chỉ 4% trong số đó được trích lại cho BQL di tích để phục vụ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ rừng. Trong khi đó mỗi năm nhà nước vẫn phải bỏ ra ít nhất 10 tỉ đồng để nuôi bộ máy cũng như bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng. Vì đây là di tích văn hóa - lịch sử quốc gia, những đợt sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cũng đều dùng tiền ngân sách chi trả.
Và đó cũng là lý do vì sao Tập đoàn Xuân Trường - lại Xuân Trường chứ không phải ai khác - đang làm hồ sơ đề xuất siêu dự án 15.000 tỷ, chiếm trọn quần thể Chùa Hương với 1000 ha đất!
Sẽ không có đại gia nào có thể thâu tóm đất đai, moi tiền ngân sách, nếu không có sự gật đầu và tiếp tay của bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương. Vì sao và để làm gì, hỏi tức là đã trả lời.
Không có sự phát triển tôn giáo, thần thánh nào ở đây cả, chỉ có sự hiện hữu và lớn mạnh kinh khủng của các tập đoàn tư bản thân hữu ăn ruỗng tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Không ngăn chặn, tiêu diệt nguy cơ ấy bằng luật pháp nghiêm minh, bằng chính sách minh bạch một cách triệt để, đất nước sẽ ruỗng mục, xã hội sẽ băng hoại. Thờ ơ với quốc nạn không chỉ là vô trách nhiệm mà là có tội. Phải làm gì, làm như thế nào, đó là trách nhiệm của hệ thống chính trị, các nhà lập pháp, bộ máy hành pháp, tư pháp, thay vì và cần thiết, cấp bách hơn nhiều so với mối lo loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao tinh thần dân túy, phản đối ngày càng bùng phát mạnh mẽ trong xã hội.
Từ hơn 2000 năm trước, trong thiên Thái Bá, sách Luận Ngữ, Không Tử đã khái quát: “Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã” (Đất nước vô đạo, chạy theo giàu sang, thật hổ thẹn”. Xem ra, chỉ với vấn nạn “hảo tự ố tăng”, thực tế đất nước đã khốn nguy, bị tàn phá nghiêm trọng hơn bội phần so với chữ “sỉ dã” được bậc minh sư nhắc từ thiên cổ!
TP Hồ Chí Minh, ngày 12-2-2019
NGUYỄN HỒNG LAM
 
Hạng B2
20/9/09
174
3.681
138
Saigon
.
dài quá,có cao nhơn nào có thể tóm tắt giúp xuống còn 3 dòng được k?
Đầu tiên là cướp đất. Khá đông đại gia khét tiếng và tai tiếng đều gắn tên mình với những công trình xây dựng chùa chiền, dù đức tin tôn giáo, đạo đức tôn giáo của họ hầu như đều phô ra tỉ lệ nghịch với sự đồ sộ của các công trình. Trầm Bê xây chùa ở Trà Vinh để….treo ảnh gia đình. Trần Bắc Hà bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ trùng tu, dựng mới chùa ở Bình Định, Quảng Bình. Ông Chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ hẳn là đang rất bận bịu “thoát tục” với công trình chùa chiền trên diện tích 1500 ha rừng đã và sẽ bị phá ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Và bây giờ thì đại gia của tập đoàn Xuân Trường đang chiếm lĩnh truyền thông với những siêu dự án ăn đất.
Những siêu dự án Xuân Trường đang đầu tư đều gắn với chữ “du lịch tâm linh” gồm: khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp ở Hải Phòng, 450 ha đất, 9.800 tỷ đồng; Quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), 80ha, 17.000 tỷ đồng, nhưng ăn vào 4000 ha vùng lõi Tràng An; Khu Du lịch tâm linh Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) chiếm 5.100 ha đất, đầu tư 11.000 tỷ đồng: Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) chiếm 18.940 ha, đầu tư 15.000 tỷ…
To hơn, cao hơn, rộng hơn… chiến lược trương phình dự án chỉ nhằm duy nhất chiếm hữu được nhiều diện tích đất đai hơn. Toàn bộ diện tích Khu du lịch tâm linh Tam Chúc rộng 5.100 ha, bằng 300 lần sân vận động Mỹ Đình (theo so sánh của đồng nghiệp Đào Tuấn, Báo Lao Động) trong khi mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ mới chiếm 144 ha. Phần đất đai mênh mông còn lại rồi đây sẽ được xây dựng thành khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bến xe điện, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, biệt thự cao cấp bán và cho thuê… Đó đều là những công trình không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng nhưng đều là những mũi nhọn kinh doanh béo bở.
Thì đã làm sao? Nếu có tiền, người ta cứ đầu tư, miễn luật không cấm. Đầu tư kiếm lời hướng phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh vẫn còn tốt hơn có tiền đem ném vào những cuộc phá phách. Mỉa mai cho những ai vẫn ngây thơ tin vào điều đó. Họ đã không nhìn thấy, hoặc cố tình nhắm mắt không nhìn thầy sự tàn phá kinh hoàng, đúng hơn là tận diệt của các siêu dự án.