Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn được thiết kế nhằm hạn chế các tai nạn do đạp nhầm chân ga. Tuy nhiên, dù hiệu quả thực sự đã được kiểm chứng nhưng hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn lại không được nhiều hãng xe trang bị.
Tai nạn do đạp nhầm chân ga ô tô luôn để lại hậu quả nặng nề và ám ảnh với các bác tài mới trong những ngày tháng đầu tiên. Và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe cũng như cộng đồng, hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn đã ra đời.
Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn là gì?
Tại thị trường Việt Nam cũng như trên toàn cầu, Mitsubishi là hãng xe tiên phong khi nghiên cứu và ứng dụng hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn UMS (Ultrasonic Misacceleration Mitigation system) trên các dòng xe của mình.
Theo hãng xe Nhật Bản, hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn là một tính năng an toàn chủ động giúp tăng cường khả năng phát hiện chướng ngại vật, giảm thiểu nguy cơ va chạm khi xuất phát.
Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn hoạt động dựa trên hệ thống cảm biến va chạm đặt ở trước và sau xe, kết hợp với hệ thống điều khiển đặt tại máy tính trung tâm ECU. Khi các cảm biến va chạm phát hiện ra vật cản, đồng thời người lái chuyển cần số qua các vị trí “D” (tiến) hoặc “R” (lùi), và có hành động đạp ga quá mạnh.
Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn khi đó sẽ phát ra âm thanh cảnh báo, đồng thời giảm công suất động cơ để giảm thiểu nguy cơ va chạm khi phát hiện có vật cản phía trước/sau khi khởi hành. Nhờ động cơ được chủ động giảm công suất, xe sẽ không tiếp tục tăng tốc và người lái có đủ thời gian để chuyển chân từ bàn đạp ga qua bàn đạp phanh, kết hợp dừng xe kịp thời.
Ngoài ra, những dòng xe Mitsubishi còn trang bị kèm hệ thống kiểm soát chân ga khi đang phanh gấp (Brake Override System). Nếu người lái phanh gấp sau khi hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn UMS hoạt động, hệ thống kiểm soát chân ga khi đang phanh gấp cũng sẽ tự động ngắt bàn đạp ga, ưu tiên bàn đạp phanh để dừng xe và đảm bảo an toàn.
Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn có thực sự cần thiết?
Vào năm 2010, hàng loạt các sự cố liên quan đến vấn đề kẹt chân ga đẫn đến tăng tốc đột ngột trên các dòng xe ô tô tại Mỹ. Ảnh hưởng nặng nhất là các khách hàng sử dụng xe Toyota với hơn 8 triệu xe buộc phải triệu hồi để bổ sung hệ thống ngắt động cơ.
Ngoài Toyota, nhiều hãng xe khác cũng bị ảnh hưởng như Ford, Honda… Điều này thúc đẩy một cuộc đua tìm ra giải pháp nhằm khắc phục hiện tượng tăng tốc đột ngột. Vấn đề đặt ra là các mẫu xe phải kiểm soát sự thay đổi tốc độ đột ngột hoặc chủ động giảm công suất của động cơ khi gặp các tình huống khẩn cấp.
Nhiều hãng xe đã lựa chọn giải pháp kiểm soát ga Brake Override System như một hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn. Có thể kể ra một vài cái tên như Toyota, Hyundai, Nissan…
Vào giữa năm 2012, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng ra quy định bắt buộc tất cả các dòng xe bán ra tại Mỹ đều phải trang bị tiêu chuẩn Hệ thống chống tăng tốc đột ngột.
Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các dòng xe số tự động ngày nay cũng được trang bị sẵn hệ thống kiểm soát chân ga khi đang phanh gấp (Brake Override System). Tính năng này sẽ tránh được các trường hợp đạp nhầm chân ga khi đang lái xe. Đặc biệt là rất cần thiết với các bác tài có “tật” lái xe số tự động bằng cả hai chân.
Trong khi đó, hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn UMS của Mitsubishi chỉ có tác dụng bảo vệ với các bác tài mới, hoặc người lái chưa quen xe trong một vài tháng đầu. Sau một thời gian sử dụng xe và đã đạp ga thuần thục, hệ thống này có thể không còn phát huy thường xuyên.
Hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn có gắn thêm được không?
Tại Việt Nam, có một số sáng chế về hệ thống chống nhầm chân ga chân phanh đã được cấp phép. Ngoài ra, cũng có một số sản phẩm gắn rời bên ngoài, cho phép nâng cấp hệ thống chống nhầm chân ga chân phanh. Tất cả đều hướng đến một hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn tương tự Mitsubishi.
Tuy nhiên hiệu quả của các thiết bị gắn rời bên ngoài đều chưa được kiểm chứng. Trong khi hầu hết các sáng chế đều ở mức độ “vỡ lòng”, chưa được hoàn thiện về thiết kế cũng như thử nghiệm trong thực tiễn.
Điểm quan trọng của hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn không chỉ là hệ thống cảm biến va chạm, mà còn là hệ thống điều khiển đồng bộ từ phát hiện vật cản, cảm biến chân ga, cùng với điều khiển van bướm ga điện tử…
Tất cả là một hệ thống phức tạp và được nhà sản xuất cài đặt sẵn trước khi xuất xưởng, đem lại sự đồng bộ rất cao mà các thiết bị “độ”, “chế” khó có thể so sánh được. Do đó, các bác cũng không nên nâng cấp các hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn chưa qua thử nghiệm và cấp phép sử dụng.
>>Xem thêm