Tập Lái
11/2/19
0
6
2
Thời gian trong đợt nghỉ tết Âm lịch thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón nhận một tin tức quan trọng có liên quan tới cả nền kinh tế, đó là việc Ngân hàng nhà nước dự kiến giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau gần một thập kỷ.

NHNN.jpg

Ảnh: Nguồn Internet
Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trên cơ sở quy định đã được Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xác định. Theo đó, đây dự kiến là lần đầu tiên sau gần 9 năm Việt Nam thực hiện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Công cụ này theo đó sẽ có tác động mới sau một thời gian dài gần như không thay đổi. Cụ thể, theo Quyết định 750 hồi tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng, tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 12 tháng từ 4% xuống 3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 2% xuống 1%.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là lượng tiền các tổ chức tín dụng phải gửi và duy trì ở Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Với tỷ lệ trên, cứ có 100 đồng tiền gửi, như loại không kỳ hạn và dưới 12 tháng, các tổ chức tín dụng phải để lại 3 đồng tại Ngân hàng Nhà nước chứ không được dùng kinh doanh cả 100 đồng.
Như kì vọng của đa phần nhà đầu tư thì thị trường chứng khoán phản ứng khá tích cực với thông tin này. Thực sự thì đây cũng có thể coi là một tín hiệu tích cực đối với VNINDEX, tuy nhiên trong bài viết hôm nay Đầu Tư Phát Đạt xin chia sẻ góc nhìn của chúng tôi về vấn đề giảm dự trữ bắt buộc của ngân hàng nhà nước.
Đối với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến giảm tỷ lệ Dự trữ bắt buộc (DTBB) tại một số Ngân hàng Thương mại (NHTM) – chứ không phải là đối với toàn bộ hệ thống NHTM như cách một số báo đưa tin – điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một lượng tiền mới chảy vào nền kinh tế.
Trong đó tất nhiên thị trường vẫn kỳ vọng nhất vào việc dòng tiền sẽ được phân bổ vào các kênh đầu tư như TTCK, qua đó hạ lãi suất và giúp cho hệ thống Ngân hàng (NH) và các Doanh nghiệp (DN) đều hưởng lợi (DN lại có nguồn vốn rẻ để đi vay còn NH có điều kiện thuận lợi để đẩy tăng trưởng tín dụng).
Đây là những kỳ vọng có cơ sở và minh chứng rõ ràng nhất đó là phiên giao dịch hôm nay, 11/02/2019 (phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi) thị trường được thúc đẩy vận động theo hướng tích cực. Tuy nhiên, thông tin trên có thực sự “tích cực” hay còn đôi điều cần chú ý trên phương diện nhà đầu tư? Mời anh chị tham khảo góc nhận định chuyên sâu của Đầu tư Phát Đạt về vấn đề này.
Tổng quan, anh chị nhà đầu tư cần chú ý một số vấn đề như sau:
  • Đây mới chỉ là dự kiến của NHNN dựa trên các quy định của Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi bổ sung năm 2017, các bước đi cụ thể chưa được công bố.
  • Đối tượng áp dụng không bao gồm toàn bộ các NHTM mà chỉ giới hạn trong 2 nhóm đối tượng: (1) Không áp dụng quy định về DTBB với TCTD trong diện bị kiểm soát đặc biệt, chưa khai trương hoặc có quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động… gồm NH Đông Á, CB (trước đây là VNCB), Ocean Bank, GP Bank và (2) Giảm tỷ lệ DTBB đối với các TCTD hỗ trợ quá trình tái cơ cấu TCTD bị kiểm soát đặc biệt gồm VCB, CTG, BID. Hiện chưa có quyết định cụ thể nên chúng ta chưa xác định được những NH nào sẽ được chính thức áp dụng chính sách này, nhưng lượng vốn huy động chịu ảnh hưởng sẽ là con số lớn với việc VCB, CTG và BID vẫn đang có thị phần huy động lớn trên toàn hệ thống.
  • Đối với các TCTD bao gồm các NHTM thì cấu phần của lượng tiền gửi dự trữ không chỉ có lượng DTBB mà còn bao gồm Dự trữ tùy ý. NHNN có thể điều chỉnh quy định về tỷ lệ DTBB nhưng lại không thể tác động lên tỷ lệ DTTY được (do các NHTM tự ấn định). Do đó hoàn toàn có thể có việc NHNN cho phép các NHTM giảm tỷ lệ DTBB nhưng các NHTM tăng DTTY khiến cung tiền ra thị trường không ở mức nhà quản lý mong muốn. Bản chất của việc giảm tỷ lệ DTBB giúp cho các TCTD có thêm một lượng tiền tự do để cho vay (có thể coi như một dạng nới room) chứ không phải là hành vi trực tiếp bơm một lượng tiền vào nền kinh tế, bơm ra bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của các NHTM. Bởi vậy trong các công cụ truyền thống để điều hành chính sách tiền tệ thì DTBB là một công cụ không mang tính chủ động cao trong điều hành và đây có thể coi là nguyên nhân tại sao công cụ này ít được sử dụng đến vậy (“sau gần một thập kỷ”).
Như vậy về cơ bản việc NHNN dự kiến giảm tỷ lệ DTBB cho một số đối tượng đặc thù (bao gồm những NHTMCP có vốn NN mang tính dẫn dắt toàn ngành) có thể là một tín hiệu tích cực cho ngành Ngân hàng nói riêng và TTCK nói chung trong những ngày đầu xuân. Động thái này cho thấy định hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn 2017 – 2018, mặc dù vậy việc sử dụng DTBB cũng cho thấy sự thận trọng nhất định trong việc bơm tiền ra nền kinh tế, tránh lặp lại câu chuyện lạm phát tăng mạnh do kích cầu như 10 năm trước. Ngoài ra đây là một chính sách mang tính điều tiết vĩ mô, do đó để kiểm nghiệm hiệu quả của nó cần nhiều thời gian chứ không chỉ trong một sớm một chiều. Đồng thời mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay NHNN đặt ra vẫn là 14% tương tự năm 2018. Do đó khó có chuyện toàn ngành Ngân hàng sẽ thay da đổi thịt chỉ nhờ chính sách này mà nó hướng đến một nhóm đối tượng nhất định mà khả năng lớn nhất là những NH đã hoàn thành các tiêu chuẩn của Basel 2 như Vietcombank – VCB.
Tổng kết lại, những phiên đầu tiên của năm Kỷ Hợi thị trường khả năng sẽ được hưởng lợi nhờ những thông tin tích cực về mặt tâm lý nói trên. Hưởng lợi nhiều nhất sẽ là nhóm Ngân hàng (CTG, VCB, BID). Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi không cho rằng những thông tin này sẽ tạo ra được một sự phấn khích quá lớn lao cho thị trường khi các yếu tố này chưa tạo ra những bước ngoặt lớn nào về mặt vĩ mô. Về mặt xu hướng chung thị trường đã thoát ra khỏi đường xu hướng giảm trung dài hạn từ tháng 04/2018 sau giai đoạn tháng 01 khá ổn định. Tết trôi qua đồng nghĩa với kỳ vọng của thị trường về việc dòng tiền quay trở lại cũng tăng lên và chúng ta có thể kiểm nghiệm điều này ngay trong những phiên sắp tới. Ở thời điểm hiện tại, dòng tiền vẫn đang cho thấy sự phân hóa hướng đến các DN có dư địa tăng trưởng tốt mà thời gian qua đã được điểm mặt không ít:
  • Nhóm Nhiệt điện: PPC, NT2, REE (hưởng lợi từ đầu tư tài chính)
  • Cao su – KCN: PHR, NTC, DPR, KBC, LHG
  • Dệt may, Thủy sản: TCM, TNG, VHC, FMC …
  • Nhóm các CP hưởng lợi từ câu chuyện thoái vốn (DPM, PLX, DRC…), chuyển sàn (HVN, VGC, POW, GEG), tăng trưởng đột biến (VEA, HDG)
Đối với nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, BĐS, Dầu khí là những nhóm CP có tính dẫn dắt thị trường, nền tảng tăng trưởng cao trong năm 2018 sẽ là trở ngại cho câu chuyện tăng trưởng trong năm nay của các ngành này. Sự phân hóa trong nội bộ các ngành cũng sẽ diễn ra, với tiêu điểm là các Ngân hàng thu xếp được vấn đề tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel 2, hoặc các DN BĐS còn quỹ đất lớn chưa hạch toán. Sóng ngành có thể vẫn xuất hiện nhưng sẽ không kéo dài và quan điểm đầu tư với các mã này vẫn thiên về hướng đánh nhanh rút gọn nhiều hơn.
Trên đây là một vài quan điểm của chúng tôi về TTCK trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi cũng như định hướng sơ bộ trong năm 2019. Trong những phiên đầu năm thị trường đang từng bước hồi phục lại sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong tháng 12/2018. Mặc dù còn rất bấp bênh trong bối cảnh thiếu đi sự tham gia của dòng tiền lớn tuy nhiên rõ ràng không phải không có những cơ hội xuất hiện ngay cả khi Index ở trong thời điểm khủng hoảng. Điều này cũng sẽ tiếp diễn trong những tháng tiếp theo và mong rằng mọi người cũng sẽ có thể nắm bắt được những cơ hội mới. Một lần nữa xin chúc tất cả anh chị sẽ có một năm mới Kỷ Hợi có thật nhiều sức khỏe, hạn phúc, may mắn và thành công trong cuộc sống nói chung cũng như trên TTCK nói riêng.
 
Chỉnh sửa cuối: