Khởi công đã 9 năm nhưng đến nay cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn chưa thể hoàn thành. Công trường dự án cao tốc nối đông và tây miền Nam đang hoang phế, xuống cấp.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành kéo dài từ huyện Bến Lức (Long An) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, đã được khởi công vào 9 năm trước. Theo thiết kế, tuyến dài 58km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng - Ảnh chụp đoạn cao tốc (trục ngang) giao với đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP.HCM
Chỉ cần tuyến cao tốc 58km này được nối liền thì mạch máu giao thông miền Nam sẽ chảy thông hơn bao giờ hết. Bởi tuyến đường sẽ nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thành một.
Tuy nhiên đã nhiều năm qua, do gặp vướng mắc, dự án cao tốc hơn 31.000 tỉ đồng này "đứng hình", Bộ Giao thông vận tải hẹn cử tri nhiều lần việc khởi công trở lại nhưng liên tục bị lùi thời hạn.
Sẽ còn xót xa hơn khi dự kiến cuối năm 2023, tuyến cao tốc từ Nha Trang đến TP.HCM và TP.HCM - Cần Thơ sẽ thông tuyến, nhưng 58km cao tốc Bến Lức - Long Thành dang dở sẽ làm ngắt mạch tuyến cao tốc từ miền Trung vào miền Tây.
Tuổi Trẻ Online đã trở lại công trường
cao tốc Bến Lức - Long Thành để ghi nhận những hình ảnh xót xa đang bóp nghẹt mạch máu giao thông phía Nam.
Trụ đèn chiếu sáng tại gói thầu J2, đoạn qua huyện Cần Giờ, TP.HCM bị gỡ nắp, cắt trộm dây diện. Qua thống kê, đường cáp điện chiếu sáng trên đoạn này bị mất trên 80%
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dừng chờ bố trí vốn quá lâu dẫn đến một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng, khiếu nại, đưa tranh chấp ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC) đòi bồi thường. Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công trở lại trong quý 1-2023. Trong đó, dự án phấn đấu hoàn thành các gói thầu phía tây (bao gồm các gói thầu A1 và A2-1 trên địa phận tỉnh Long An) trong quý 1-2024
Một xe thi công của nhà thầu tại gói thầu J2 để lâu năm không hoạt động. Cây cỏ, dây leo mọc xâm lấn vào trong, phần cabin gỉ sét, tróc sơn. Về cơ bản, gói thầu J2 đã hoàn thành nhưng nhà thầu này vẫn còn hợp đồng với gói J3 dang dở
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chia thành ba đoạn đầu tư độc lập từng giai đoạn bằng vốn vay, sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019 - Ảnh chụp đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM
Dự án chia thành ba đoạn, đoạn 1 (đoạn phía tây) dài 21,1km, gồm 5 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4) sử dụng vốn vay của ADB (Chính phủ vay ADB và cho VEC vay lại). Do chưa bố trí vốn nên gói A1 đã chấm dứt hợp đồng, gói A2-1 huy động làm lại và đã hoàn thành gói thầu. Gói thầu A2-2 đã huy động làm lại nhưng do trượt giá, bị lỗ nên nhà thầu đang muốn chấm dứt hợp đồng. Gói thầu A3 hiện đã đạt 68%, riêng gói thầu A4 đã đạt 80% nhưng VEC đã
chấm dứt hợp đồng với lý do nhà thầu khó khăn về tài chính. Ảnh chụp đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM
Đoạn 2 dài 10,7km, gồm 3 gói thầu (J1, J2 và J3) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn, khối lượng thi công đạt 84,6%. Hiện chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tái khởi động. Gói J1 dang tái khởi động, dự kiến 4 tháng sau thi công chính thức; còn gói thầu J2 đã hoàn thành. Còn gói thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng khi phần việc hơn 80%, hiện chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu mới
Đoạn 3 (phía đông) dài 25,3km, gồm 3 gói thầu (A5, A6 và A7) sử dụng vốn vay của ADB (Chính phủ vay ADB và cho VEC vay lại), trong đó gói thầu A5 hoàn thành. Gói thầu A7 hoàn thành 68%, nhà thầu sẽ hoàn thành gói thầu này trong năm 2023. Còn gói A6 dài 16,5km hoàn thành 34,5%, chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, đang chờ đấu thầu lại. Ảnh chụp đoạn cầu vượt sông nối gói thầu J3 với gói thầu A5
Về tổng thể, hiện dự án đã đạt 80% khối lượng thi công nhưng phải dừng lại từ giữa năm 2019 do vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn vốn. Vì vậy, khối lượng thi công mấy năm nay chưa tiến triển thêm. Một số nhà thầu dừng thi công và yêu cầu thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng đã ký - Ảnh chụp đoạn thuộc gói thầu qua huyện Cần Giờ sử dụng nguồn vốn JICA (Nhật Bản).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành hình thành sẽ giúp người dân các tỉnh miền Tây đi lại nhanh hơn tới các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành.
Đặc biệt, cao tốc này có một đoạn dài khoảng 38km (từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến đoạn nút giao vành đai 3 TP.HCM tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) sẽ kết hợp cùng đường vành đai 3 TP.HCM (khởi công tháng 6-2023) tạo thành một vòng tròn khép kín hoàn chỉnh.
Thế là sau bao hứa hẹn tiếp tục thi công vào quý 3/2022 thì sắp hết quý 1/2023 cao tốc này vẫn là 1 ẩn số các bác ạ.
Theo
Tuổi trẻ online