Hở van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ không khép chặt trong thời kỳ tâm trương nên máu chảy ngược dòng từ động mạch chủ về thất trái. Hôm nay
Y Khoa Blog và các bạn sẽ cùng tìm hiểu về bệnh hở van động mạch chủ nhé
Van động mạch chủ gồm 3 lá van đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ.
Hở van động mạch chủ (HoC) là tình trạng van đóng không kín làm một phần lượng máu sau khi được bơm vào động mạch chủ chảy ngược lại tâm thất trái.
Hẹp van động mạch chủ (HeC) là tình trạng cản trở dòng máu từ tâm thất trái bơm vào động mạch chủ tại vị trí van. HeC không bao gồm các trường hợp hẹp trên van và dưới van.
Ở các nước phát triển phần lớn nguyên nhân gây HeC do vôi hóa van (là một dạng thoái hóa và xơ vữa động mạch ở người già) và nguyên nhân thứ hai là van động mạch chủ chỉ có 2 lá van bẩm sinh. Ở nước ta HeC do thấp tim cũng là một nguyên nhân quan trọng tuy nhiên thường kèm theo HoC.
Ở người trưởng thành tình trạng dầy lá van và vôi hóa nhẹ chiếm khoảng 25% dân số trên 65 tuổi nhưng vôi hóa gây hẹp thực sự chỉ chiếm 2-3% dân số trên 75 tuổi.
Tình trạng van động mạch chủ bẩm sinh chỉ có 2 lá chiếm khoảng 1-2% dân số, khoảng một nửa số này sẽ tiến triển thành HeC và khoảng một phần ba sẽ bị HoC trong tương lai.
Nếu HoC cấp do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, mức độ hở ban đầu có thể không lớn, song có thể tiến triển rất nhanh chóng về mức độ HoC và suy tim, cần theo dõi sát.
2. Các biểu hiện bệnh lý
Hở van động mạch chủ (HoC)
HoC mạn tính thường không biểu hiện gì trong nhiều năm...
Triệu chứng cơ năng khi xuất hiện thường liên quan đến ứ huyết phổi như khó thở khi gắng sức, sau đó dần dần xuất hiện khó thở khi nằm, cơn khó thở kịch phát về đêm, cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ.
Đau thắt ngực xuất hiện ở những người bệnh HoC nặng.
Hẹp van động mạch chủ (HeC)
Tiến triển của HeC đặc trưng bởi một giai đoạn kéo dài không biểu hiện triệu chứng cơ năng với tỷ lệ tử vong và tỷ lệ biến chứng rất thấp cho tới khi diện tích lỗ van động mạch chủ < 1,0 cm2.
Khi xuất hiện triệu chứng cơ năng, tỷ lệ sống còn giảm rất nhanh chóng nếu không mổ, thời gian sống còn chỉ khoảng 2-3 năm do có nguy cơ đột tử:
- Khi đã có đau ngực thì tỷ lệ sống còn chỉ đạt 50% sau 5 năm.
- Khi đã có ngất thì tỷ lệ sống còn chỉ đạt 50% sau 3 năm.
- Khi đã có suy tim thì thời gian sống trung bình < 2 năm.
- Đột tử xảy ra ở những người bệnh HeC đã có triệu chứng cơ năng do các rối loạn nhịp thất trên người bệnh phì đại và rối loạn chức năng thất trái hoặc rối loạn nhịp thứ phát do thiếu máu cơ tim.
- Đột tử hiếm khi xảy ra trên người bệnh không có triệu chứng cơ năng gì trước đó, tuy nhiên tỷ lệ đột tử loại này < 1%/năm ở những người bệnh HeC được theo dõi.
3. Phương pháp chữa trị
Điều trị thuốc
Không có phác đồ điều trị thuốc nào dành riêng cho những người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng cơ năng.
Trường hợp người bệnh HeC có tăng huyết áp phải hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc hạ áp.
Khi người bệnh đã xuất hiện triệu chứng cơ năng thì phải phẫu thuật chứ không chỉ điều trị nội khoa.
Điều trị can thiệp
Nong van động mạch chủ bằng bóng qua da có vai trò rất quan trọng trong điều trị người bệnh HeC bẩm sinh ở tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên kỹ thuật này lại không hữu hiệu bằng với những người bệnh ở tuổi trưởng thành.
Chống chỉ định đặt bóng trong động mạch chủ khi HoC từ vừa đến nhiều.
Người bệnh bị cả HoC và HeC không nên nong van bằng bóng qua da do khuynh hướng tăng nhiều mức độ HoC cấp sau nong. Phẫu thuật thay/sửa van Động mạch chủ (ĐMC)
Phẫu thuật thay van ĐMC là điều trị tất yếu cho người bệnh HoC nặng cho dù nguyên nhân gì, nhất là khi đã suy tim.
Đối với người bệnh HeC khít, van vôi, đã có triệu chứng lâm sàng, ở độ tuổi trưởng thành, phẫu thuật thay van ĐMC là biện pháp điều trị duy trì có hiệu quả.
Thay van ĐMC được ưu tiên lựa chọn hơn so với mổ sửa van. Lý do là vì nếu chỉ sửa, sau khi gọt mỏng và lấy vôi ở lá van, các lá van hay bị co rút, gây hở van ngay sau phẫu thuật và dần dần mức độ hở sẽ tăng lên.
4. Làm sao để phòng tránh?
Đối với bệnh nhân bị HoC nặng, điều trị kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trước khi tiến hành các thủ thuật.
Đối với bệnh nhân bị HeC do thấp tim, điều trị phòng thấp thứ phát.
Có thể duy trì hoạt động thể lực bình thường (gắng sức nhẹ, chơi thể thao) song nên tránh dạng gắng sức tĩnh nếu chức năng thất trái bình thường và chưa biểu hiện triệu chứng.
Nên làm nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng hoặc mức dung nạp gắng sức với yêu cầu hoạt động cụ thể.
Với người bệnh chưa có triệu chứng cơ năng (diện tích lỗ van ĐMC > 1,0 cm2) thì mục đích điều trị nhằm thay đổi các yếu tố nguy cơ, phòng tiên phát bệnh lý động mạch vành, duy trì nhịp xoang và khống chế huyết áp.
Người bệnh phải được hướng dẫn về các dấu hiệu, triệu chứng của đau thắt ngực, ngất hoặc suy tim để đi khám lại ngay và xét mổ nếu xuất hiện các triệu chứng cơ năng này.
Nên làm siêu âm tim 1-2 năm/lần với HeC vừa và 3-5 năm/lần với HeC nhẹ.
Đối với người bệnh HeC khít, nên làm siêu âm tim mỗi năm/lần hoặc khi có sự thay đổi/tiến triển của các triệu chứng cơ năng. Siêu âm Doppler tim 1-6 tuần sau mổ thay van ĐMC đánh giá hoạt động của van và chênh áp qua van nhân tạo để làm mốc theo dõi. Sau đó người bệnh được kiểm tra siêu âm định kỳ 6 tháng - 1 năm.
Kiểm tra hiệu quả chống đông máu định kỳ để điều chỉnh liều phù hợp ở người bệnh có chỉ định dùng thuốc chống đông
Nguồn:
https://ykhoablog.com/benh-hoc/ho-van-dong-mach-chu-la-benh-gi-chua-duoc-khong/