Ngày đầu năm mới, công nhân, kỹ sư trên công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn tất bật làm việc, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ công trình.
Thi công xuyên Tết
Ngày đầu năm mới 2024, trên công trường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hay còn được gọi là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) không khí làm việc vẫn diễn ra hết sức khẩn trương.
Những ngày cuối năm, không khí lao động trên công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn rất rộn ràng.
Đoạn dự án có chiều dài hơn 110km, được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ngay từ trước kỳ nghỉ Tết, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) đã phát động phong trào "Xuân trên công trường" triển khai thi công xuyên Tết Dương lịch.
Ghi nhận của PV, tại nút giao IC3, hàng chục công nhân đang tập trung thi công cầu vượt quốc lộ 1. Phần phía bên phải tuyến đã hoàn thành gác dầm, các công nhân đang gia công khuôn, chuẩn bị đổ bê tông bản mặt cầu.
Tại những vị trí có cát, các nhà thầu thực hiện các công việc xử lý nền đất yếu.
"Về phần cầu, tính đến ngày 28/12/2023, nhà nhà thầu đã triển khai thi công hơn 56% khối lượng. Hiện đang lao lách phần dầm còn lại", ông Trần Đăng Hoàng, Quản lý thi công CTCP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN (nhà thầu) chia sẻ.
Cách nút giao IC3 không xa, công nhân thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1- CTCP cũng đang tất bật gia tải nền đường, thi công cầu trên tuyến.
Công nhân tưới nước trên nền cát để phục vụ cho việc lu lèn, gia tải cát.
"Tại đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đơn vị đảm nhiệm thực hiện ba cầu và 4,7km tuyến chính. Hiện các nhà thầu đang tập trung thi công hai cây cầu. Dự kiến cuối năm nay sẽ gác dầm.
Về tuyến đường, trong năm qua gặp không ít khó khăn về nguồn cát. Tuy nhiên nhờ sự phối hợp giữa các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, từ tháng 10/2023, vấn đề cát đã được xử lý ổn. Hiện nhà thầu đang nhập cát về công trường, 4,7km đã đắp đủ cát", ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang cho biết thêm.
Tăng tốc bù tiến độ
Theo ông Trần Đăng Hoàng, trong năm qua, dự án gặp hai khó khăn lớn nhất đó chính là vướng giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp gia tải.
"Trước những khó khăn, nhà thầu đã tập trung huy tối đa nhân lực, vật lực, tập trung thi công các cầu do đơn vị đảm nhiệm, để bù đắp lại khối lượng tuyến chính trong thời gian chờ cát.
Đến nay đã có cát, nhà thầu đang tập trung huy động tối đa thiết bị, để vận chuyển cát về công trường. Đồng thời huy động thêm nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh thi công, đảm bảo tiến độ của dự án", ông Hoàng chia sẻ thêm.
Công nhân gia công khuôn thép phục vụ cho việc đổ móng cầu.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhận định, năm 2023, việc giải quyết các thủ tục khai thác cát, giải phóng mặt bằng đã đạt được kết quả khả quan. Đây tiền đề quan trọng tăng tốc cho năm 2024.
"Dự án quyết tâm xây dựng được kế hoạch hành động chi tiết, tăng tốc tối đa, quyết tâm bù đắp được khối lượng/sản lượng đã chậm của năm 2023. Cụ thể, trước ngày 30/6/2024 hoàn thành 50% số lượng cầu đến bê tông bản mặt tất cả các cầu trên tuyến. Và hoàn thành 50% số lượng còn lại vào cuối năm.
Đối với tuyến chính, hoàn thành 100% cọc xi măng đất, xử lý nền đất yếu và triển khai xong đắp gia tải. Hoàn thành 100% khối lượng đường công vụ và cầu tạm trong tháng 1/2024", ông Tuân nói.
>>>> Xem thêm:
Nếu hoàn thành được đúng tiến độ thì tốt quá phải không các bác