TP HCM sẽ đầu tư hơn 393.000 tỷ đồng đề phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trong 10 năm tới.
Nội dung này được đề cập trong dự thảo tờ trình
Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM chiều 6/7. Mục tiêu đề án là vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại người dân vào năm 2025 và 25% năm 2030.
Xe buýt mắc kẹt trong vòng vây xe máy, ôtô trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Ảnh:
Hữu Khoa.
Đề án đưa ra 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng: hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành đúng tiến độ các tuyến Metro Số 1, 2, 5 và một tuyến buýt nhanh (BRT); đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; triển khai dịch vụ xe máy điện, xe đạp điện công cộng; tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; nâng cao chất lượng xe buýt...
Nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân: tổ chức thu phí ôtô vào trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ; thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy; phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông.
Nhóm giải pháp hỗ trợ: quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm thành phố; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đưa ra một số giải pháp để kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông đối với xe máy ở khu vực trung tâm.
Giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên đầu tư, giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỷ đồng (bao gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỷ đồng, còn lại là các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Đề án xác định phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để hạn chế xe cá nhân. Từ nay đến năm 2030 xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi vận tải hành khách bằng khối lượng lớn (Metro, Monorail...) hình thành theo quy hoạch. Nhà nước giữ vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng (đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác).
Cũng theo đề án, cần thiết phải kiểm soát nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân. Tuy nhiên trước khi hạn chế xe cá nhân, cần đáp ứng các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe đạp điện hoặc máy điện công cộng hỗ trợ kết nối xe buýt được thuận lợi...
Dự kiến, UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp sắp tới (từ ngày 9 đến 11/7) để thông qua chủ trương về đề án. Sau đó, UBND thành phố sẽ xác định kinh phí cụ thể từng giải pháp, lập kế hoạch thực hiện và dự toán ngân sách báo cáo HĐND thành phố xem xét.
Theo
Vnexpress