Hyundai sẽ khai tử động cơ V8 5.0 L vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc mẫu sedan hàng đầu của hãng - chiếc Genesis G90 sẽ mất tùy chọn động cơ này để chuyển sang loại V6 3.5L nhỏ hơn.
Hyundai sẽ sớm loại bỏ động cơ V8 ‘Tau’ 5,0 L hút khí tự nhiên trên mẫu sedan hàng đầu Genesis G90. Thay vào đó, hãng sẽ sử dụng động cơ tăng áp kép V6 3.5 L mới, vốn đã có mặt trên dòng GV80. Hãng xe "anh em" Kia cũng đã ngừng cung cấp động cơ tương tự cho dòng
K9 vào năm nay.
Như vậy, Hyundai và Kia đều đã áp dụng xu thế cắt bỏ động cơ dung tích cao trên các dòng xe của mình. Toyota cũng đã làm điều tương tự với LandCruiser 300 Series hay Mercedes-Benz với C-Class mới. Việc hãng xe Hàn ra mắt thêm các phiên bản chạy điện chỉ còn là chuyện sớm muộn.
Động cơ V8 của Hyundai được giới thiệu từ năm 2008. Nó có khả năng tạo ra tối đa 414 mã lực và mô-men xoắn 376 lb-ft (520 Nm). Đi cùng với nó là hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động cầu sau.
Tuy nhiên, Genesis G90 thế hệ mới sẽ chỉ dùng động cơ V6 3.5L là lớn nhất. Ngoài ra, động cơ điện cũng hứa hẹn sẽ áp dụng trên mẫu sedan cỡ lớn này.
G90 mới sẽ được nâng cấp thiết kế trong phiên bản mới. Đáng chú ý là cụm đèn pha quad và đèn hậu quad tương tự như các mẫu Genesis hiện tại khác. Lưới tản nhiệt phía trước cũng được tạo hình khá khác biệt.
Genesis G90 thế hệ tiếp theo cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều trong nội thất. Xe có khả năng sẽ được trang bị màn hình thông tin giải trí lớn tương tự như G80 hiện tại, cụm đồng hồ đo kỹ thuật số hoàn toàn, các núm điều khiển và cần số hiện đại cùng các vật liệu cao cấp và sang trọng hơn nữa.
Trước Hyundai, Toyota cũng đã
ngừng sản xuất dòng động cơ dầu V8 tăng áp trên dòng xe Land Cruiser 200 Series vào tháng 3 năm 2021. Phiên bản thế hệ mới Land Cruiser 300 Series cũng đã loại bỏ V8 mà sử dụng động cơ V6 mới.
Điều này tuy sẽ gây thất vọng với một số "tín đồ" mê động cơ dung tích lớn, nhưng lại là nước đi khá hiển nhiên của các hãng xe.
Việc loại bỏ các động cơ cỡ lớn là một tương lai khó tránh khỏi trong bối cảnh xe điện và xe pin nhiên liệu đang trở nên phổ biến hơn. Nhu cầu "sống xanh" của người dân và áp lực về chất lượng không khí cũng góp phần thúc đẩy xu thế này.