Hyundai Sime Darby Motors (nhà phân phối độc quyền xe Hyundai tại Malaysia) chính thức ra mắt Kona Electric. Đây là phiên bản nâng cấp giữa chu kỳ và được phân phối dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc. Hyundai Kona Electric sẽ sử dụng 2 phiên bản động cơ điện với phạm vi hoạt động lần lượt là 305 và 484 km.
Phiên bản tiêu chuẩn e-Lite được trang bị
động cơ điện 39,2 kWh. Phiên bản tầm trung e-Plus cũng sử dụng động cơ tương tự phiên bản e-Lite, trong khi phiên bản cao cấp nhất e-Max được trang bị động cơ điện 64 kWh.
Theo đó, các phiên bản sử dụng động cơ điện 39,2 kWh sẽ được cung cấp sức mạnh tương ứng là 134 mã lực và 395 Nm, đồng thời có phạm vi hoạt động 305 km sau 1 lần sạc. Khả năng tăng tốc từ 0 – 100 km/h với động cơ này là 9,9 giây, cùng với vận tốc tối đa đạt 155 km/h.
Trong khi đó phiên bản e-Max sử dụng động cơ điện 64 kWh sẽ có công suất tối đa lên đến 201 mã lực và mô-men xoắn giữ nguyên 395 Nm. Bộ pin lớn ơn cho phép phiên bản này di chuyển quãng đường lên đến 484 km cho 1 lần sạc. Tăng tốc từ 0 – 100 km/h cũng nhanh hơn với chỉ 7,9 giây, và tốc độ tối đa đạt 165 km/h.
Hyundai Kona Electric cũng sử dụng 2 cổng sạc Type 2 AC và CCS2 DC. Phiên bản tiêu chuẩn e-Lite được tích hợp bộ sạc 7,2 kW. Thời gian sạc thông thường bằng cổng AC với dòng điện một pha 7,2 kW sẽ mất khoảng 6,5 giờ để sạc đầy bộ pin 6 module (90 cell) từ 10% đến 80%.
Hai phiên bản cao cấp hơn là e-Plus và e-Max được trang bị bộ sạc 11 kW cho thời gian sạc nhanh hơn. Với phiên bản e-Plus sử dụng khối pin công suất tương đương phiên bản e-Lite, thời gian sạc giảm còn 4,5 giờ. Trong khi phiên bản e-Max trang bị bộ pin 10 module (98 cell) sạc từ 10 – 80% mất đến 7,5 giờ.
Với cổng sạc nhanh CCS2 DC, nếu sử dụng bộ sạc có
công suất 50 kW các biến thể động cơ điện 39,2 kWh chỉ mất 60 phút để sạc đầy, trong khi biến thể 64 kWh cũng chỉ mất 90 phút. Nếu sử dụng bộ sạc công suất 100 kW, cả hai động cơ điện trên Hyundai Kona Electric chỉ mất 47 phút để sạc.
Trong khi đó nếu sử dụng nguồn điện sinh hoạt trong gia đình bằng các sử dụng hộp điều khiển đi kèm (ICCB), động cơ 39,2 kWh mất đến 22 giờ, trong khi động cơ 64 kWh mất đến 31 giờ. Chính vì vậy chủ nhân Hyundai Kona Electric phải trang bị hộp sạc chuyên dụng để sạc bằng nguồn điện gia đình.
Trang bị tiêu chuẩn của tất cả phiên bản Hyundai Kona Electric gồm đèn pha LED, đèn hậu LED, đèn LED chiếu sáng ban ngày, đèn sương mù phía sau, đèn pha và gạt mưa tự động, khởi động từ xa và bộ la-zăng 17 inch đi kèm thông số lốp 215/55.
Khoang nội thất của Hyundai Kona Electric cũng trang bị tiêu chuẩn ghế ngồi bọc da, điều hòa tự động, vô lăng tích hợp điều khiển âm thanh, 3 cổng USD, đồng hồ lái kỹ thuật số với màn hình 10,25 inch, màn hình trung tâm điều khiển cảm ứng 8 inch tích hợp kết nối Apple Carplay và Android Auto không giây, hệ thống âm thanh 6 loa.
Phiên bản e-Lite trang bị ghế ngồi chỉnh tay, không có màn hình hiển thị trên kính lái và sạc không giây, trong khi 2 phiên bản e-Plus và e-Max đều trang bị 2 tính năng trên. Ngoài ra bộ đôi phiên bản cao cấp được trang bị ghế người lái chỉnh điện 10 hướng và ghế hành khách chỉnh điện 8 hướng.
Trang bị an toàn trên tất cả phiên bản đều gồm 6 túi khí, hệ thống ABS, ESC, VSM, kiểm soát lực kéo và hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Cả ba phiên bản cũng trang bị hệ thống an toàn chủ động thông minh SmartSense, nhưng có sự điều chỉnh tính năng ở các phiên bản.
Phiên bản tiêu chuẩn Hyundai Kona Electric e-Lite trang bị tính năng hỗ trợ giữ làn đường (LKA), hỗ trợ kiểm soát làn (LFA), cảnh báo va chạm khi chuyển làn (LVDA), đèn chiếu xa tự động, cảnh báo hành khách phía sau, cảnh báo lái xe mất tập trung, nhưng hệ thống phanh tự động (AEB) đi kèm với hỗ trợ va chạm phía trước (FCA) chỉ có hiệu lực cảnh báo với người đi bộ và các phương tiện giao thông vì nó chỉ trang bị camera phía trước.
Trong khi đó hệ thống SmartSense trên phiên bản e-Plus và e-Max có thêm radar phía trước, hỗ trợ đầy đủ hơn. Ngoài ra hai phiên bản này cũng có thêm cảnh báo phương tiện giao thông cắt ngang phía sau (RCCA) và hỗ trợ tránh va chạm điểm mù (BCA) có đi kèm tính năng phanh chủ động tránh va chạm.
Hai phiên bản e-Plus và e-Max còn được trang bị hệ thống cảnh báo mở cửa (SEW), giúp phòng tránh va chạm với các phương tiện khác khi hành khách trên xe mở cửa bất cẩn. Ngoài ra, hai phiên bản này của Hyundai Kona Electric còn trang bị hệ thống điều khiển hành trình thông minh với tính năng Stop and Go, và hệ thống AEB kết hợp FCA còn có thể phát hiện thêm người đi xe đạp.
Tại Malaysia, Hyundai Kona Electric sẽ có 9 màu sắc để khách hàng lựa chọn, đặc biệt tất cả đều có phong cách phối 2 tông mày với mui xe màu đèn Phantom Black Pearl. Các màu bao gồm Đỏ, Trắng, Xám ánh kim, Xanh ánh kim, Đỏ ngọc, Xám, Xanh ngọc. Hai màu còn lại có tên độc là Dark Knight và Drive in Jeju.
Cuối cùng, giá bán dành cho các phiên bản Hyundai Kona Electric được niêm yết như sau. Phiên bản tiêu chuẩn e-Lite có mức khởi điểm từ 149.888 RM (~ 809 triệu đồng). Phiên bản e-Plus có giá từ 169.888 RM (~ 916 triệu đồng). Và phiên bản e-Max có giá từ 199.888 RM (~ 1,08 tỷ đồng).
Tại Malaysia, Hyundai Kona Electric sẽ được bảo hành 2 năm hoặc 50.000 km, trong khi đó bộ pin theo xe sẽ được hưởng chế độ bảo hành riêng 8 năm hoặc 160.000 km tùy theo điều kiện nào đến trước. Hyundai Malaysia cũng cung cấp cho khách hàng mua xe chương trình gia hạn bảo hành lên 5 năm hoặc 100.000 km trị giá 10.000 RM (~ 54 triệu đồng), đi kèm chương trình miễn phí dịch vụ bảo dưỡng có thời hạn 3 năm hoặc 50.000 km. Ngoài ra, chương trình gia hạn bảo hành không có hiệu lực với chế độ bảo hành của bộ pin đi kèm.
Nếu khách hàng mua xe có nhu cầu lắp đặt trạm sạc AC tại nhà, Hyundai Malaysia cũng cung cấp hai tùy chọn công suất 7 kW và 22 kW đi kèm cáp sạc Type 2 có giá lần lượt là 6.000 và 7.000 RM (tương đương 32 và 37 triệu đồng)
>>Xem thêm
Hình ảnh chi tiết Hyundai Kona Electric vừa ra mắt tại Malaysia