Các cao nhân có tin tức gì về KCN BH1 này dời đi đâu không?
Hay là giải tán cty tự kiềm chỗ mà "tái định cư" cho chính họ?
10 năm mòn mỏi mà UBND DN chưa làm xong, lý do là chưa từng có tiền lệ di dời cả 1 KCN
XIn trích 1 bài từ VNN:
Năm 2009, dựa trên đề xuất của tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi thành phố Biên Hòa.
Sau đó, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 do Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp (Tổng Công ty Sonadezi) thực hiện.
Đến năm 2019, đề án vẫn chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt, chính quyền vẫn tiếp tục bàn.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm.
Năm 2018, cơ quan chức năng Đồng Nai nhiều lần họp bàn, dự định sẽ đóng cửa khu công nghiệp vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định, văn bản pháp luật liên quan thì việc đóng cửa không khả thi, thiếu cơ sở pháp lý. Bởi Nghị định 82 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 10/7/2018) không có quy định về việc đóng cửa, chấm dứt hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế.
Để chấm dứt hoạt động Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lập hồ sơ, đưa Khu công nghiệp này ra khỏi quy hoạch, từ đó có cơ sở pháp lý thực hiện đề án di dời.
Việc này (bỏ quy hoạch cũ, lập quy hoạch mới) cần nhiều thời gian. Đến nay, các ngành chức năng vẫn đang bàn bạc, chưa xác định được thời gian cụ thể để đưa khu công nghiệp ra khỏi quy hoạch.
[Đa số doanh nghiệp tại Đồng Nai điều chỉnh lương tối thiểu vùng]
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đã nghiên cứu, xây dựng 3 phương án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I. Tỉnh sẽ đấu giá quyền sử dụng đất theo
Luật Đất đai; đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đấu thầu; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao thẳng dự án cho Tổng Công ty Sonadezi thực hiện.
Đến nay, chính quyền Đồng Nai vẫn đang nghiên cứu, rà soát, chưa lựa bất kỳ phương án nào.
Theo quan điểm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, các phương án trên đều có ưu, nhược điểm riêng. Nếu lựa chọn phương án 1, tỉnh sẽ cần kinh phí lớn để thực hiện giải phóng mặt bằng vì nếu đấu giá phải có quỹ đất sạch.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng phương án 1 phù hợp với hướng dẫn thực hiện thủ tục đất đai đối với đề án di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, là khu công nghiệp lâu đời nhất ở Việt Nam với tổng diện tích 323ha. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải; trong đó, có khoảng 1.000m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Tình trạng này khiến nguồn nước
sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân vùng Đông Nam Bộ.
Hiện Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 82 doanh nghiệp thuê đất, trong đó, 63 doanh nghiệp có thời hạn thuê đất đến năm 2051.
Dù thời hạn được thuê còn dài nhưng phần lớn doanh nghiệp đều đồng tình với chủ trương di dời khu công nghiệp và mong muốn chính quyền sớm thực hiện đề án, hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đến nơi mới.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Gạch ngói Đồng Nai (doanh nghiệp đang thuê đất trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho rằng chủ trương di dời khu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, song doanh nghiệp không biết bao giờ sẽ dời đi.
Thực tế này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhà xưởng, trang thiết bị của Công ty cổ phần Gạch ngói Đồng Nai đã xây, mua sắm từ lâu, hiện xuống cấp, lạc hậu. Thế nhưng, doanh nghiệp không dám sửa chữa, mua sắm thiết bị mới bởi nếu đầu tư mới, khi di dời sẽ phải đập bỏ, thiệt hại rất lớn.
Năm 2015, theo tính toán của Tổng Công ty Sonadezi, việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ có tổng chi phí hơn 11.000 tỷ đồng. Song đến nay, theo đề án mới của chủ đầu tư thì số tiền đã là 15.000 tỷ đồng (tăng thêm 4.000 tỷ đồng).
Nguyên nhân là chủ đầu tư thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm diện tích đất thương mại dịch vụ, bổ sung đất an ninh quốc phòng, tăng diện tích đất hành chính.
Ông Chu Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi, cho biết Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chậm di dời gây thiệt hại cho đơn vị quản lý.
Tổng Công ty Sonadezi được giao quản lý Khu công nghiệp Biên Hòa I, vì được giao quản lý nên Tổng Công ty Sonadezi thu tiền thuê đất ở đây là thu giúp cho ngân sách tỉnh, hoàn toàn không được hưởng gì trong khoản thu này, chỉ được sử dụng tiền thu từ phí dịch vụ.
Tuy nhiên, mức phí dịch vụ thu tại Khu công nghiệp rất thấp (khoảng 10.000 đồng/m2/năm) nên không đủ bù chi phí vận hành, bảo trì.
Hiện mỗi năm, chi cho các hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hơn 12 tỷ đồng, Tổng Công ty Sonadezi phải bù lỗ một nửa.
Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là chủ trương đúng, góp phần bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Đồng Nai, chỉnh trang bộ mặt thành phố Biên Hòa - một trong những đô thị lâu đời nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, 10 năm sau khi có chủ trương, các đơn vị liên quan vẫn đang loay hoay bàn tính. Bao giờ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được dời đi vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ./.