<h1>Keo tự vá có thể phá hủy vành xe</h1>
Do người tiêu dùng không biết hoặc hãng sản xuất không khuyến cáo cụ thể nên đã xảy ra tình trạng dung dịch keo tự vá phá huỷ vành khi để lâu trong bánh xe.
Không có khuyến cáo cho người sử dụng
Ngoài sản phẩm của cơ sở sản xuất Tiến Hưng, hiện ở Hà Nội và TP. HCM xuất hiện nhiều sản phẩm keo tự vá trôi nổi, chủ yếu là hàng Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không có khuyến cáo nào cho người tiêu dùng như phải sử dụng trong bao nhiêu lâu rồi phải rửa hoặc đổ dung dịch trong ruột xe ga, có (hoặc không) được dùng cho xe máy, ôtô không ruột... Giá của các loại keo tự vá kể trên dao động trong khoảng từ 30.000đ/bình, 50.000đ/bình, 80.000đ/bình cho tới giá 150.000đ/bình.
Vì không có một lời khuyến cáo nên nhiều cơ sở sửa chữa xe máy đã sử dụng loại keo này cho các loại xe máy, xe đạp, ôtô dù có săm hay không săm, miễn cho xong việc mà không cần biết hậu quả.
Những lọ keo tự vá không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Anh Lê Xuân Hiến (trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. HCM) tỏ ra lo ngại khi cách đây một tháng anh đem xe ra sửa tại một tiệm sửa xe lớn trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp. Sau khi nhân viên sửa xe phát hiện có mấy cái đinh găm vào lốp xe Vespa của anh, họ mời chào dùng keo tự vá. Anh đồng ý đổ liền 2 chai keo Trung Quốc với giá 150.000đ/chai.
Nhân viên ở đây nói dùng loại này tốt và đảm bảo lốp xe bị đinh cắm thủng sẽ tự vá. Nhưng chỉ hơn 2 tuần sau thì lốp xe lại bị xì hơi. Đem xe tới trung tâm bảo hành, anh được khuyến cáo không nên dùng loại keo tự vá này đặc biệt khi không rõ nguồn gốc. Anh Hiến đã phải mất tiền thay lốp xe và trung tâm bảo dưỡng chỉ cọ sạch được một phần keo dính vào vành xe.
Phá huỷ vành nếu để dung dịch tồn tại lâu trong bánh xe
Ông Trần Vĩnh Tuyến, một thợ sửa xe lâu năm trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP. HCM, cho biết: "Keo tự vá cũng có tác dụng nhất định như an toàn hơn khi xe đang chạy tốc độ cao mà cán phải đinh, dung dịch keo sẽ tự bịt vào lỗ thủng, tránh tình trạng lốp bị xì hơi đột ngột gây tai nạn. Tuy nhiên, do người tiêu dùng không biết hoặc hãng sản xuất không khuyến cáo cụ thể nên đã xảy ra tình trạng dung dịch keo tự vá phá huỷ vành khi để dung dịch tồn tại lâu trong bánh xe".
Với những dòng xe đời mới như SH, PS, Vespa... một cái lốp có giá vài trăm ngàn nhưng một cái vành giá tới vài triệu đồng. Do đó, dùng keo tự vá không rõ nguồn gốc mà hỏng vành xe thì hại nhiều hơn lợi.
Ông Nguyễn Văn Lâm, đội trưởng Đội Bảo dưỡng xe tay ga Piaggo, quận Tân Bình, TP. HCM, khuyến cáo không nên dùng keo tự vá vì chúng sẽ làm vành xe nhanh bị mục do bị keo bám. Nhiều bánh xe khi mở ra vành bị mục rỗ và ôxy hóa.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên phó chủ tịch Hội Kỹ sư Ôtô Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có đơn vị khoa học nào kiểm định rõ ràng về thành phần cấu tạo của các loại keo tự vá trên thị trường và tác dụng xâm thực của keo đối với kim loại dùng làm vành xe cũng như tác dụng xâm thực của keo đối với cao su.
Do đó, trước mắt người tiêu dùng chỉ có thể tham khảo, lắng nghe những ý kiến của những chủ xe đã từng sử dụng keo tự vá và kinh nghiệm của các thợ sửa xe đã từng dùng keo tự vá để xử lý các bánh xe bị thủng cho khách để tự quyết định nên hay chưa nên dùng loại keo tự vá này.
(Theo Autopro & Bee.net)