Nhu cầu đi lại, mua sắm tăng cao cuối năm cùng với công trình đang thi công khiến kẹt xe ở nhiều đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thêm căng thẳng.
Những ngày gần đây, dù không phải giờ cao điểm xe vẫn dày đặc trên các đường ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Vòng xoay Lăng Cha Cả - nơi giao nhau giữa các tuyến Trần Quốc Hoàn, Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ, Thăng Long dòng xe kín mặt đường, chậm chạp di chuyển. Ôtô nối thành hàng dài, trong khi hàng nghìn xe máy chen nhau từng khoảng trống, bóp còi inh ỏi.
Thoát khỏi nút giao trên, xe lại tiếp tục xếp hàng dài trên đường Cộng Hoà, trước cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Nhiều người nhễ nhại mồ hôi, kiên nhẫn nhích từng chút dưới tiết trời oi bức. "Ngày thường đoạn này đã luôn đông đúc nhưng ùn ứ chủ yếu xảy ra giờ cao điểm sáng và chiều, nay buổi trưa cũng đông xe, rất ngột ngạt", anh Nguyễn Lanh, 36 tuổi, ngụ quận 12 nói.
Xe phủ kín đường Cộng Hoà, nhích từng chút chờ lên cầu vượt ở nút giao Hoàng Hoa Thám, tháng 12/2023. Ảnh: Gia Minh
Kẹt xe nghiêm trọng nhất là tuyến Cộng Hoà. Con đường cho xe chạy 60 km/h, nhưng nhiều hôm anh Lanh mất hơn 30 phút mới qua được đoạn dài 3 km, từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến đường Trường Chinh. "Với người làm giờ hành chính sáng đi chiều về, đường Cộng Hoà thực sự là nỗi ám ảnh về cảnh ùn tắc", anh nói.
Cộng Hoà là trục chính kết nối quận 12, Tân Phú, Tân Bình với trung tâm thành phố và sân bay. Hiện, giao thông trên tuyến này đã vượt 110% thiết kế, theo dữ liệu quan trắc của Trung tâm quản lý giao thông đô thị TP HCM. Trong đó, nút giao Cộng Hoà - Hoàng Hoa Thám là "điểm đen" kẹt xe mới phát sinh, dù nơi này đã có cầu vượt. Biện pháp phân luồng một chiều cho xe qua cầu giờ cao điểm buổi sáng và hướng ngược lại vào buổi chiều vẫn chưa thể giải quyết do mật độ xe quá lớn.
Tương tự, vòng xoay Lăng Cha Cả và nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện sát công viên Hoàng Văn Thụ cũng đang là "điểm đen" kẹt xe ở cửa ngõ sân bay. Theo Sở Giao thông Vận tải, 11 tháng đầu năm, hai vị trí trên lần lượt xảy ra 123 và 234 vụ ùn tắc. Đặc biệt, khu vực này đang thi công hầm chui thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, rào chắn thu hẹp mặt đường khiến giao thông càng thêm căng thẳng.
Ùn ứ ở khu vực nút giao Lăng Cha Cả, tháng 12/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Trong khi đó, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang tăng cao, trở lại mức bình quân năm 2019 - trước đại dịch, kéo theo áp lực giao thông rất lớn ở các đường xung quanh. 10 tháng đầu năm nay, khách qua nơi này đạt hơn 34 triệu lượt, tăng 22% cùng kỳ năm trước. Cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, tại sân bay dự kiến mỗi ngày có 135.000-140.000 khách khiến giao thông khu vực này càng căng thẳng.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP HCM, nói dịp cuối năm, ngoài lượng xe bình thường, mật độ phương tiện đông đúc hơn do nhu cầu mua sắm, vận chuyển hàng hoá tăng cao. Quanh sân bay Tân Sơn Nhất lại tập trung nhiều trung tâm dịch vụ, văn phòng, kho hàng hoá vận chuyển bằng hàng không... nên ùn ứ ở các đường xung quanh là khó tránh khỏi.
Theo ông Bình, tại cuộc họp chuẩn bị phương án phục vụ cao điểm đi lại dịp Tết mới đây, các đơn vị đề nghị phía sân bay cập nhật lượng khách ra vào hàng ngày, đồng thời chủ động biện pháp phân luồng, tổ chức nơi đậu xe phù hợp nhằm thông suốt từ trong ra ngoài. Việc xử lý xe vi phạm quanh Tân Sơn Nhất cũng đang được các đơn vị tập trung, tránh gây gây ùn ứ trên các tuyến đường.
"Riêng lực lượng CSGT cùng Công an quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận cũng sẽ điều tiết từ xa, hạn chế xe dồn đến điểm ùn tắc nếu xảy ra sự cố", lãnh đạo Phòng PC08 nói, cho biết khu vực sân bay đang duy trì tổ phản ứng nhanh, thường xuyên trao đổi công việc qua nhóm chat để chủ động giải quyết. Từ đầu năm đến nay, hơn 140 sự cố về hạ tầng, đèn tín hiệu đã được xử lý nhanh, không để ùn ứ lan rộng.
Vị trí các tuyến đường gần nút giao Lăng Cha Cả ở cửa ngõ sân bay và hầm chui thuộc công trình đường nối đang thi công. Đồ hoa: Đăng Hiếu
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng ngoài hạ tầng quá tải, còn nhiều lý do khác gây kẹt xe ở khu vực sân bay. Trong đó, có vấn đề ý thức bởi tại nhiều giao lộ, nhiều trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông, cố vượt đèn vàng, đỏ, chạy ngược chiều... "Tình trạng trên rất dễ gây lộn xộn, ùn tắc, nhất là giờ cao điểm nếu không có lực lượng điều tiết, xử lý nhanh", ông nói.
Khu vực Tân Sơn Nhất đã được đầu tư 5 cầu vượt thép, mở rộng đường Cộng Hòa đoạn qua nút giao Lăng Cha Cả để giải quyết ùn tắc. Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng giải pháp căn cơ cho khu vực trên là cần hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn nối đến sân bay và hoàn thành dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà.
Công trình này có tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng, dự kiến khai thác năm 2024, ngoài kết nối trực tiếp ga T3 sẽ tạo trục đường mới tiếp cận sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn. Hiện, Sở đã đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây hầm chui khu vực Lăng Cha Cả, tạo thông thoáng cho cửa ngõ này.
Trong khi chờ tuyến đường mới hoàn thành, để giảm ùn tắc, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết đơn vị đang nghiên cứu hạn chế xe tải qua khu vực Tân Sơn Nhất, đồng thời xây dựng sẵn kịch bản phân luồng từ xa để lập tức triển khai nếu xảy ra kẹt xe. Ngoài ra, đèn tín hiệu giao thông tại 7 giao lộ lớn gần sân bay sẽ được kết nối về trung tâm điều khiển nhằm tăng cường giám sát, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.
>>>> Xem thêm:
Kẹt càng thêm kẹt, khu này biết khi nào mới hết