Thị trường ngày càng khắt khe và thay đổi không ngừng buộc các hãng xe từ phổ thông đến hạng sang đều phải gồng mình thích ứng. "Áp lực tạo nên kim cương" và cũng tạo ra những chiến lược đặc biệt trong ngành ô tô thời điểm hiện tại.
Đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng gần kề, khách hàng "thắt lưng buộc bụng", các hãng càng phải sáng tạo hơn và đột phá hơn ở các khâu marketing lẫn khâu định hướng phát triển.
Các hãng xe thay đổi thế nào thời gian qua? Mời các bác cùng tìm hiểu
Mercedes-Benz
Từ lâu trong mắt khách hàng Mercedes là hãng xe sang với phong cách đứng đắn và chững chạc. Nói vui là hãng xe phù hợp với người già. Nhưng có vẻ như các lãnh đạo của Mercedes không muốn bó hẹp mình trong phong cách đứng tuổi đó. Mercedes-Benz muốn trẻ hóa nhóm khách hàng của họ.
Mercedes-Benz trẻ hóa dần danh mục sản phẩm của họ từ những năm 2010. Và đến thời điểm 2020, phối hợp với việc chuyển mình sang điện khí hóa, Mercedes-Benz cũng đồng thời trẻ hóa cả cách tiếp cận đến khách hàng.
Những buổi tiệc sang trọng và khuôn khổ, những màn ra mắt hoành tráng và nghiêm túc dần nhường lại cho những cách tiếp cận mới mẻ hơn, trẻ hơn. Không gian ra mắt hiện đại đầy màu sắc, những KOL, rapper, fashionita trẻ trung đặt cùng các mẫu xe mới đầy công nghệ chính là cách Mercedes khẳng định sự "trẻ hóa" của mình.
Cùng Vietnam Star khám phá “Vùng an toàn” của Mercedes-Benz C-Class 2022. Với không gian nội thất hiện đại cùng vẻ ngoài độc lạ và năng động, C 300 AMG...
fb.watch
Đỉnh điểm là khi Mercedes-benz công bố chiến lược điện hóa của hãng tại thị trường Việt bằng việc phân phối 3 mẫu xe điện EQ. Những màn hình hiện đại, công nghệ kết nối thông minh và sắc màu trợ lý ảo có thể khiến cho nhiều khách hàng lớn tuổi của Mercedes e dè khi tiếp cận.
Subaru
Vì là xe nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản, Subaru luôn có giá bán khá đắt đỏ so với các dòng xe khác cùng phân khúc.
Chiến lược đầu tiên Subaru đưa ra khi kinh doanh xe tại Việt Nam chính là đánh vào sự khác biệt về vận hành và công nghệ an toàn.
Động cơ Boxer, hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối ứng AWD, công nghệ an toàn chủ động EyeSight. Chất lượng xe nhập khẩu cũng được hãng nhấn mạnh. Trong đó Forester được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan còn BR-Z được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.
Ngoài ra, song song với việc quảng bá hình ảnh Subaru mạnh mẽ và bền bỉ, hãng xe Nhật còn hướng đến nhóm khách hàng trẻ thông qua nhiều gương mặt KOL trẻ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và gần đây nhất là TikTok.
Ưu điểm của chiến lược này chính là lượt tương tác khủng trên mạng xã hội. Khuyết điểm là nhiều KOL chưa thật sự hiểu về dòng xe họ quảng bá nên nội dung đôi lúc ngô nghê và chung chung.
Ford
Gắn hình ảnh những chiếc bán tải và SUV với phong cách sống thể thao, hiện đại, và vì cộng đồng… những cách mà Ford sử dụng để tạo sự đồng điệu với khách hàng và kích thích nhu cầu mua sắm xe của họ.
Những buổi ra mắt tại các khu camping đậm chất chill ở rừng, các bài lái thử và luyện kỹ năng lái ở cung đường khó, những hành trình thiện nguyện vùng xa… đều góp phần tạo nên một văn hóa sử dụng xe đặc trưng của chủ xe Ford Việt Nam.
Ai lại không muốn trở thành một phần trong hình ảnh đầy chất thơ và đậm chất “chill” này của Ford.
Hay nhuốm bùn trong một chiếc xe Mỹ như thế này!?
Toyota
Dù luôn bị gắn mác là bảo thủ và chậm đổi mới nhưng thực tế Toyota đang là hãng bán nhiều mẫu xe “xanh” trên thị trường Việt Nam nhất.
Đối với phân khúc phổ thông, chúng ta có các mẫu Toyota: Corolla hybrid, Corolla Cross hybrid, Camry hybrid. Đối với phân khúc hạng sang, chúng ta có các mẫu Lexus: NX 350h, RX 500h, ES 300h, LS 500h, IS 300h.
Tuy chưa có mẫu xe điện nào của Toyota được ra mắt, nhưng hybrid có lẽ là hướng đi hợp lý của hãng xe Nhật giữa lúc giao thoa 2 thời kỳ.
Mitsubishi
Mitsubishi có hướng đi riêng khi mở đặt cọc mẫu XFC Concept khi xe còn chưa có phiên bản sản xuất. Hãng xe Nhật cũng chọn Việt Nam là thị trường ra mắt toàn cầu mẫu xe thế hệ mới này.
Lựa chọn Việt Nam cho lễ ra mắt toàn cầu chính là sự tri ân đối với khách hàng Việt Nam dành cho thương hiệu Mitsubishi Motors. Nhưng liệu câu chuyện thành công của Xpander có thể áp dụng lần nữa trên mẫu XFC Concept này hay không vẫn chưa ai rõ.
Hyundai, Kia
Tuy các mẫu xe điện của Hàn đã đạt được một số thành tựu trên các bảng xếp hạng thế giới nhưng Hyundai và Kia vẫn còn khá dè dặt khi đem chúng về Việt Nam.
Hyundai Ioniq 5 từng đoạt các giải thưởng Xe của năm quan trọng, nhưng khi về Việt Nam, dòng xe này chỉ được bán giới hạn với giá thành đắt đỏ.
Kết
Đương nhiên những cái tên được liệt kê trong bài không thể đại diện cho tất cả các hãng xe đang hoạt động tại Việt Nam. Nó chỉ phần nào thấy được xu hướng phát triển để thích nghi thị trường của một số đại diện Nhật, Hàn, Đức, Mỹ...
Áp lực có thể tạo ra "kim cương", cũng có thể bóp nát mọi thử, kể cả là đế chế được tích lũy hàng trăm năm. Hãng xe nào sẽ trở thành "kim cương", hãng xe nào sẽ vỡ vụn trước áp lực, chỉ có thời gian mới cho ta câu trả lời.
Các bác nghĩ sao?
Xem thêm:
Các bác nghĩ sao về những chiến lược truyền thông hiện nay của hãng xe?