Việc khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến tránh Long Xuyên không chỉ tạo thuận lợi lưu thông, giải tỏa ùn tắc giao thông qua trung tâm tỉnh mà còn mở rộng không gian đô thị cho TP. Long Xuyên là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư tại An Giang.
Hoàn thành vượt tiến độ
Vừa qua, An Giang vinh dự đón Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng... cùng nhiều đại biểu về dự Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (gọi tắt là tuyến tránh Long Xuyên).
Đây là công trình giao thông quan trọng thuộc Dự án kết nối đồng bằng Mekong, có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Để đưa tuyến tránh vào sử dụng sớm hơn 2 tháng so kế hoạch là nỗ lực rất lớn của các bên tham gia. “Hiểu được nỗi mong chờ của người dân tỉnh An Giang suốt 25 năm qua, các nhà thầu thi công tuyến tránh Long Xuyên đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt mọi khó khăn, huy động tối đa phương tiện, thiết bị, vật tư và nhân sự, tổ chức thi công khoa học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “Vượt nắng, thắng mưa”, “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết”, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đoàn kết, hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để đưa dự án vào khai thác từ ngày 31/5/2024.
Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GTVT, sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh An Giang, sớm bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vật liệu cát, đá đảm bảo nhu cầu cho dự án, đáp ứng tiến độ đề ra” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy Nguyễn Phi Long đại diện cho các đơn vị thi công phát biểu tại lễ khánh thành.
Từ nay, du khách đến An Giang có thể đi thẳng một mạch từ cầu Vàm Cống đến lối ra tại phường Mỹ Hòa (giao Đường tỉnh 943) hoặc đến điểm cuối tuyến tránh tại phường Bình Đức (giao Quốc lộ 91), không còn chịu cảnh ùn tắc, nối đuôi nhau qua trung tâm TP. Long Xuyên. Người dân thành phố cũng bớt nỗi lo khi đi chung tuyến đường Trần Hưng Đạo với các phương tiện lớn.
“Mỗi lần chở con đi học, chạy xe đi làm song song với loạt xe khách, xe tải là tôi cứ như bị ám ảnh, muốn sang đường, rẽ trái đều rất khó khăn. Từ khi tuyến tránh thông xe, lượng phương tiện lớn giảm, mình di chuyển cũng thoải mái, yên tâm hơn” - chị Lê Thị Thanh Nhàn (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Động lực phát triển
Bà Susan Lim, chuyên gia cao cấp quản lý danh mục đầu tư, Cơ quan đại diện Thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, tuyến tránh Long Xuyên không chỉ giúp giảm tải giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông qua trung tâm TP. Long Xuyên, kết nối An Giang với vùng ĐBSCL mà còn mang lại lợi ích cho khoảng 1,5 triệu người ở TP. Cần Thơ và TP. Long Xuyên, trong đó có 50% là phụ nữ và trẻ em gái, thông qua tiếp cận thương mại, dịch vụ, việc làm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cũng nhấn mạnh, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh. Trong bối cảnh Quốc lộ 91 là tuyến đường giao thông độc đạo nối từ TP. Cần Thơ đi An Giang và qua Campuchia, tỉnh được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, hỗ trợ đầu tư Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.
“Với tinh thần phối hợp hỗ trợ, thi công khẩn trương, quyết liệt và đầy trách nhiệm, sau hơn 2 năm thi công, dự án đã được hoàn thành, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân tỉnh An Giang. Bên cạnh tạo thuận lợi lưu thông, giải tỏa sự ùn tắc giao thông qua trung tâm tỉnh, dự án còn giúp mở rộng không gian đô thị cho TP. Long Xuyên, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá.
Kết nối liên vùng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực lớn để tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông quy mô lớn, hiện đại tại khu vực Tây Nam Bộ, tạo điều kiện kết nối thông suốt, thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và với cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL.
Theo đó, nhiều công trình quy mô lớn, mang tính động lực, đột phá đang được tập trung triển khai thi công, như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2; dự án hoàn thiện mặt đường để đảm bảo tiêu chuẩn khai thác cao tốc đối với tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; khởi công dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận...
Các dự án này khi hoàn thành, cùng với nhiều công trình, dự án đã được đưa vào khai thác trước đó (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường hành lang ven biển phía Nam, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Châu Đốc, tuyến N2...) sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại cho vùng ĐBSCL.
Với Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, như một mảnh ghép quan trọng kết nối An Giang với vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và cả nước, chẳng những giúp rút ngắn thời di chuyển từ TP. Châu Đốc về cầu Vàm Cống mà còn mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới cho An Giang - cửa ngõ kết nối ĐBSCL với tiểu vùng Mekong.
Nguồn:
Báo An Giang
Hình ảnh chi tiết tuyến tránh TP Long Xuyên trên GG maps (đoạn từ cầu Vàm Cống đến hết tuyến tránh)