http://www.baomoi.com/Kho-bien-nuoc-la-thanh-xang-dau/145/9200908.epi
(VietQ.vn) - Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, TS. Huỳnh Quyền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hoá dầu (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, xăng – dầu bị pha hóa chất sẽ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và có khả năng gây ra hỏng hóc thiết bị và động cơ.
>
Biến nước lã, tạp chất thành xăng là dấu hiệu sản xuất hàng giả
>
Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu
Việc pha tạp chất vào xăng - dầu có khả năng gây hỏng hóc cho động cơ Ảnh: Tuổi trẻ
Thông tin “biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu”, ở góc độ khoa học theo ông liệu có thể như thế không?
Theo tôi, biến nước lã thành xăng dầu đứng trên quan điểm khoa học là khó thực hiện được. Chúng ta phải hiểu rằng, khả năng tan của xăng và dầu với nước là rất thấp, do vậy nếu đơn thuần sử dụng nước để pha vào xăng - dầu là khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng một số hoá chất bổ sung để tạo ra cầu nối giữa cấu tử không có cực (xăng - dầu) và cấu tử có cực (nước) thì sẽ tạo thành hỗn hợp và có thể đốt được. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không đảm bảo được các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như về mặt môi trường và gây ra hỏng hóc thiết bị, động cơ là điều tất nhiên.
Theo tôi, thông tin báo chí đưa ra có thể liên quan đến việc đưa một loại dung dịch hoá chất vào xăng dầu thì đúng hơn.
Việc đưa nước vào nhiên liệu diesel đã có một số nghiên cứu trên thế giới thực hiện và công bố. Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đang thực hiện hướng nghiên cứu này dựa vào nguyên lí trộn lẫn bằng phương pháp cơ học hoặc tạo hỗn hợp nhũ tương nhờ vào các phụ gia. Sản phẩm nhũ tương dầu – nước tạo thành có ưu điểm tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nhiệt độ khói thải.
Hiện nay một chiêu thức gian lận trong xăng dầu là trộn xăng A83 với A92 nhưng lại cho thêm dung dịch màu, hóa chất để tăng thêm độ nhạy (đánh lửa), theo ông những loại xăng được pha chế này có tác hại như thế nào với động cơ?
Chắc chắn rằng nếu pha hỗn hợp như thế thì nhiên liệu xăng sẽ không đảm bảo khả năng chống kích nổ (tiêu chuẩn RON). Như vậy, tác hại đầu tiên là động cơ sẽ hoạt động không hiệu quả, tuổi thọ động cơ sẽ giảm, sinh ra khói thải ô nhiễm môi trường và đôi khi xảy ra trường hợp hỏng hóc nặng. Ngoài ra, khả năng gây tác dụng phụ như ăn mòn, phá huỷ các chi tiết trong động cơ có thể xảy ra như các chi tiết roăng bịt kín, xẹc măng trong xi lanh… bởi các hoá chất màu không cho phép.
Có ý kiến cho rằng, dầu tái sinh (nấu ra từ dầu nhớt) trộn lẫn với loại dầu rẻ tiền thành dầu DO. Vậy chất lượng của loại dầu này như thế nào?
Hiện nay, việc tái sinh dầu thải thu hồi từ dầu nhớt thải vẫn đang thực hiện ở một số nước, ngay cả Mỹ và một số quốc gia Châu âu. Vì bản chất của dầu thải sau khi sử dụng vẫn còn chứa tử 50-60% dầu gốc. Do vậy phương pháp thu hồi vẫn đang được khuyến cáo thực hiện. Tuy nhiên, công nghệ thu hồi dầu tái sinh hiện nay vẫn đang ở giá thành đắt do sử dụng xúc tác và sản phẩm dầu thu hồi phải đạt tiêu chuẩn tương đương với dầu gốc ban đầu. Các nghiên cứu liên quan đến công nghệ tái sinh bằng phương pháp hiện đại đã thực hiện tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM từ năm 2009.
Ở Việt Nam, theo tôi biết vẫn có những đơn vị thực hiện tái sinh, tuy nhiên phải khẳng định rằng phương pháp chưng cất đơn thuần và sau đó sử dụng các dung dịch a xít, chất oxy hoá mạnh hoặc bazơ để tiếp tục tinh chế thì hầu như các sản phẩm thu hồi khó có thể đạt chất lượng nếu quy trình kỹ thuật không đạt yêu cầu. Hơn nữa, hiện nay chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn nào cho dầu tái sinh này.
Do vậy việc pha dầu tái sinh từ dầu nhờn thải vào DO chắc chắn sẽ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về tiêu chuẩn cho dầu DO như hiện nay. Hàm lượng các kim loại sẽ cao, sự tồn tại các muối, a xít hoặc bazơ (tuỳ theo quy trình xử lí) sẽ ảnh hưởng đến động cơ, gây hỏng hóc, ăn mòn, giảm tuổi thọ của động cơ, gây tắt nghẽn lọc… ngoài ra sẽ ô nhiễm môi trường.
Theo quy định mới nhất của Bộ KH&CN, xăng không chì được xác định phù hợp với QCVN 1:2009/BKHCN khi đáp ứng các yêu cầu tại điểm 2.1.2 khoản 2.1 Mục 2 của QCVN1:2009/BKHCN và có kết quả thử nghiệm đối với các hợp chất keton, methanol và nước như sau:
Hợp chất keton, không phát hiện, xác định theo phương pháp thử quy định trong TCVN 7332 ( ASTM D 4815);
Methanol, không phát hiện, xác định theo phương pháp thử quy định trong TCVN 7332 (ASTM D 4815);
Nước, không phát hiện, xác định theo chỉ tiêu ngoại quan, trong, sáng, không có tạp chất lơ lửng, xác định theo phương pháp thử quy định trong TCVN 7759 (ASTM D 4176).