Việc cảng hàng không Tân Sơn Nhất "phớt lờ" phản ánh của người dân cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý ngành giao thông TP.HCM đặt ra nghi ngờ về việc có lợi ích nhóm trong điều hành quản lý sân bay.
"Hắt hủi" xe buýt?
Đáp chuyến bay về tới TP.HCM trưa ngày 11.1, kỹ sư Nguyễn Minh Đồng - người từng tham gia góp ý xây dựng rất nhiều chính sách về hạ tầng giao thông của TP.HCM - lập tức liên hệ với phóng viên
Thanh Niên phản ánh sự bất hợp lý trong phương án phân làn, phân luồng mới tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Đồng, kể từ khi cảng hàng không này áp dụng phương án phân làn mới từ tháng 11, ông đã liên tiếp tự mình trải nghiệm nhiều phương thức gọi xe, bao gồm đặt xe công nghệ và bắt taxi truyền thống. Đi kiểu nào cũng "khốn khổ"! Đón xe công nghệ thì vừa phải xếp hàng chờ thang máy lên tận lầu 4, lầu 5 khu nhà để xe, vừa phải trả thêm nhiều phí. Trong khi đó, muốn đi taxi luôn cho tiện thì cũng vật lộn xếp hàng mãi mới đón được xe.
Lần này, do không mang theo nhiều hành lý nên ông Đồng quyết định thử di chuyển về bằng xe buýt. "Không hiểu sao cảng đẩy xe buýt lên tận khu vực ga quốc tế. Đây là phương tiện công cộng, bất kể quốc gia nào trên thế giới cũng phải ưu tiên cho nó. Tôi đã đi rất nhiều sân bay, chưa ở đâu lại sắp xếp vô lý như sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay. Các vị lấy lý do ít người đi xe buýt nhưng chủ trương đang tìm mọi cách đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng, tại sao lại càng làm nó trở nên bất tiện, khó khăn với người dân như thế? Taxi, xe công nghệ cũng là một loại phương tiện công cộng, cũng cần được tạo điều kiện chứ không thể để chen chúc, lộn xộn như thế này", vị này bức xúc.
Thực tế, tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện phương án "Phân làn, hướng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa đón hành khách tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" do Cảng vụ Hàng không miền Nam chủ trì ngày 23.11, đại diện Sở GTVT đã đề xuất cảng cần bố trí kéo xe buýt lại gần để giảm xe cá nhân, hỗ trợ thúc đẩy giao thông công cộng vì xe buýt đang bị đẩy ra xa cách vị trí đón khách lý tưởng gần 200 m, trong khi đáng ra sân bay phải phát triển các loại hình giao thông công cộng cỡ lớn. Ngay tại buổi họp, Giám đốc Cảng vụ miền Nam Trần Doãn Mậu cũng yêu cầu lãnh đạo cảng nghiên cứu cho xe buýt đậu tại làn B để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi xe công cộng.
Thế nhưng, gần nửa tháng trôi qua, cảng Tân Sơn Nhất vẫn không thực hiện. Ngày 11.12, Sở GTVT TP đã phải ra văn bản đề nghị cảng khẩn trương bố trí một ô đỗ xe buýt tại làn B - ga quốc nội, đồng thời bố trí một phần làn C dành cho xe taxi đón khách nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh xảy ra tình trạng nguời dân đi bộ ra đường Trường Sơn để đón xe gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch ra vào sân bay này. Tuy nhiên, đến nay, mọi bức xúc của người dân và yêu cầu của cơ quan chức năng vẫn bị "phớt lờ".
Xe buýt bị "đẩy" lên chờ khách tại khu vực ga quốc tế, chung chỗ đậu với xe "dù" Hải Vân
Cần thanh tra hoạt động quản lý sân bay
Trước đó, báo
Thanh Niên cũng đã liên tục có nhiều bài viết phản ánh tình trạng khốn khổ vì phân làn ô tô mới tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Theo đó, ý kiến của nhiều chuyên gia, luật sư khẳng định việc cảng hàng không yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải đấu thầu đóng phí dịch vụ và phân làn phân biệt taxi truyền thống - taxi công nghệ như hiện nay là trái quy định pháp luật.
Mới đây nhất, trong bài "Bát nháo hoạt động đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất",
Thanh Niên còn ghi nhận thêm tình trạng xe Grab "chui", xe "dù" ngang nhiên hoành hành. Cá biệt, trường hợp một hãng xe được "ưu ái" đặt quầy đón khách trực tiếp tại làn B - khu vực không cho xe vận tải hoạt động - nhận về rất nhiều dấu hỏi của bạn đọc. Để thông tin được khách quan và đa chiều, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo cảng hàng không Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Cảng vụ miền Nam đề nghị trao đổi thêm thông tin nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng theo đúng quy định của pháp luật, các loại xe đón hành khách công cộng, phục vụ người dân phải được ưu tiên, sắp xếp tại vị trí thuận lợi. Việc cảng Tân Sơn Nhất ưu tiên cho 1 hãng xe vận tải, "đẩy" xe buýt ra xa, bất chấp phản ánh của báo chí, quyền lợi của người dân và yêu cầu của cơ quan chức năng là rất bất thường. "Phải chăng đằng sau có lợi ích nhóm? Phương án phân làn của cảng chỉ mang lợi ích cục bộ cho đơn vị quản lý, không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của người dân", vị này đặt vấn đề.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc về các khoản thu bất hợp lý cũng như cách điều hành tại các sân bay. Năm 2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khẳng định “21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất”. Thế nhưng, gần 3 năm trôi qua, hoạt động thu phí theo kiểu BOT ở sân bay này vẫn diễn ra bình thường và chưa hề ngưng lại. Số tiền cảng này đã thu về lên tới hàng trăm tỉ đồng.
"Rõ ràng đang có dấu hiệu độc quyền, bất thường trong công tác quản lý sân bay. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT cần lập tức vào cuộc kiểm tra hoạt động quản lý tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, lý giải rõ ràng những thắc mắc, phản ánh của người dân, của báo chí để tránh có trục lợi, gây tâm lý tiêu cực đối với người dân", LS Nguyễn Văn Hậu kiến nghị.
Nguồn:
Thanh niên