Khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh, dù mình có hành vi vi phạm hay không.
Việc người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của CSGT sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh. Trên các phương tiện truyền thông đã có nhiều clip, hình ảnh người lái ô tô, xe máy lạng lách, không dừng xe khi có hiệu lệnh của CSGT.
Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định về việc tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ thì hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm bằng tay, gậy chỉ huy giao thông; còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra; đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.
Khi có một trong các tín hiệu nói trên, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh dù mình có hành vi vi phạm hay không.
Trong trường hợp không chấp hành thì theo Nghị định 46/201 đây bị coi là hành vi “không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”, theo điểm a khoản 1 Điều 5.
Tùy theo từng loại phương tiện khác nhau mà mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT có thể khác nhau. Cụ thể, theo điểm a khoản 5 Điều 5, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô thì bị phạt tiền từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Nếu gây TNGT thì tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Theo điểm m khoản 4 Điều 6, đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy, mức phạt tiền sẽ là 300.000-400.000 đồng.