Sau thông tin của UBND TPHCM về việc sẽ đầu tư xây dựng cây cầu nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, giá đất Cần Giờ tăng lên dựng đứng. Cuối tuần qua xe cộ kéo nhau vượt qua phà Bình Khánh để đến Cần Giờ, chở theo anh em môi giới lẫn nhà đầu cơ săn đất, kẹt xe chiều xuống từ ngã ba Nguyễn Bình - Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè) đến đường Duyên Hải (Cần Giờ).
Thấy mấy anh em bất động sản đưa thông tin giới thiệu mua bán các loại đất, từ đất nuôi trồng thủy hải sản, đất lúa, đất cây hàng năm đến đất thổ cư với những lời rao "có cánh", thấy rao khu nào cũng có cơ hội chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, được phân lô tách thửa, giá cả nhảy múa từng giờ từng ngày... mà có chút chạnh lòng cho cả ba thành phần, chủ đất ở địa phương, môi giới lẫn nhà đầu cơ đất. Rồi đây, kẻ khóc người cười thằng cò chạy đâu mất sẽ đến cận kề.
Thời gian sụp hầm đất Cần Giờ sẽ đến nhanh hơn bao giờ hết. Cuộc vui chẳng tày gang đã vài lần đến với vùng đất ven biển Cần Giờ, cứ mỗi lần bong bóng bất động sản Cần Giờ xì hơi quá sâu thì cái phao thông tin "sẽ thi công cầu Cần Giờ" lại được bơm lên và công bố thông tin ra và ngay tức khắc các công cụ truyền thông lại chạy hết công suất để đẩy tần suất xuất hiện cùng giá cả bất động sản đu theo để bay cao.
Nếu như trước đây chỉ thông tin cầu Cần Giờ thì nay kết hợp với thông tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng khu đô thị lấn biển Cần Giờ lên hơn 2.870 ha do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư thì niềm vui và bong bóng được tăng theo cấp số nhân.
Song, điều đầu tiên đặt ra cho thấy hình như Vingroup chưa có kế hoạch gì cho Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, ngoại trừ mới đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng diện tích khu đô thị lấn biển Cần Giờ và vài cái phối cảnh thật hoành tráng và bắt mắt được đưa ra truyền thông. Trong khi đó chúng ta thấy rõ là Vingroup đang tập trung cho việc đền bù giải phóng mặt bằng Khu đô thị mới ở Hóc Môn và Củ Chi, trong quần thể Khu đô thị Tây Bắc Sài Gòn.
Kế tiếp để thi công Khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng lên đến 2.870ha thì phải cần đến hơn 120 triệu mét khối cát san lấp tạo mặt bằng để thi công khu đô thị. Trong khi đó việc khai thác cát miền Trung, miền Đông cũng như miền Tây đang bị cấm vận chuyển ra khỏi địa phương, vậy lấy đâu ra lượng cát khổng lồ như thế này để san lấp và phải chăng Vingroup đã tìm ra một giải pháp thi công xây dựng hạ tầng tầng kỹ thuật mà không cần cát san lấp.
Hơn nữa, theo Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin về tiến độ dự án cầu Cần Giờ tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Giờ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM (tổ đại biểu số 2), chiều 22/6 cho rằng Cầu nối huyện Cần Giờ với trung tâm TPHCM sẽ khởi công vào năm 2022, kinh phí xây dựng hơn 5.300 tỷ đồng, hoàn thành sau 3 năm, theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên vào tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Luật đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó không còn hình thức BT, nên việc chọn nhà đầu tư dự án là khá mờ nhạt. Trong khi đó thông tin Vingroup có làm chủ đầu tư cầu Cần Giờ hay không thì càng mờ nhạt hơn. Đầu tư cầu Cần Giờ để phục vụ cho người dân Cần Giờ đi lại hay để cho giới bất động sản buôn đất hay Vingroup hưởng lợi mà không cần bỏ tiền làm cầu kết nối giao thông.
Thành phố đang rất thiếu vốn để đầu tư hạ tầng, nhất là các chương trình giải quyết nhà ổ chuột trên kênh rạch như hai bên bờ kênh đôi... Vốn đối ứng để hoàn thành các tuyến Metro còn không đủ, phải cân đối từ nhiều nguồn khác nhau để cố gắng hoàn thành tuyến Metro đầu tiên và các tuyến đường vành đai thành phố chưa khép kín để giảm lưu lượng xe container vào trung tâm còn đang dở dang quá nhiều.
Phải chăng, cả ba thành phần, chủ đất - môi giới - nhà đầu cơ có dính dáng đến bất động sản Cần Giờ đang tự sướng hay "lựu đạn đã rút chốt đang chuyền tay nhau" chờ ngày khai hỏa. Song, dù sao đi chăng nữa trong cuộc chơi sẽ có nước mắt lẫn nụ cười, người vui kẻ buồn sẽ cùng chung mâm rượu, chỉ có cò là cao chạy xa bay.
Ngày mai sẽ tỏa sáng ...
Nguồn:
FB Nguyễn Xuân Châu