Theo luật sư, bản án 3 năm tù treo cho cựu chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa thành phố Hưng Yên gây tai nạn giao thông khiến 4 học sinh thương vong chưa thuyết phục và cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Một loạt nhân chứng che dấu tội phạm
Cách đây gần một năm, chiếc xe Hyundai Getz màu đen, 5 chỗ của cựu Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa Phạm Văn Thụy (SN 1970) gây TNGT khiến 4 học sinh thương vong. Chuyện không có gì để nói nếu như ông Thụy không bỏ trốn khỏi hiện trường và nhờ người “đóng thế” trước khi ra đầu thú thừa nhận trực tiếp điều khiển phương tiện gây tai nạn.
Ngày 10/10/2018, TAND huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên 3 năm tù treo đối với ông Thụy về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông. Riêng người nhận tội thay và những người cố tình che giấu hành vi phạm tội của ông Thụy cũng chỉ bị xử phạt hành chính khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo bản án, sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến cháu Bùi Đăng Phát tử vong, các cháu Vũ Trọng Nam, Đoàn Trọng Hùng Anh và Nguyễn Đức Thuận bị thương. Ông Thụy không dừng xe lại để cứu giúp những người bị nạn mà tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy. Sau đó cả Thụy, Chượng, Mạnh và Tưởng (những người ngồi trên xe ô tô) đi về UBND xã Trung Nghĩa. Sau đó, Thụy gọi điện cho Nguyễn Văn Quyền ở cùng thôn đến gặp và kể lại nội dung vụ tai nạn. Quyền nói sẽ nhận thay để Thụy có thời gian ở ngoài lo cho những người bị nạn. Ngày 24/3/2018, Thụy và Quyền đến Công an huyện Tiên Lữ trình báo về việc Quyền đã mượn xe của Thuỵ đi và gây ra tai nạn.
Tuy nhiên, đến ngày 27/3/2018, Thụy đã đến Công an huyện Tiên Lữ khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Ông Đoàn Ngọc Thanh, Chánh án TAND huyện Tiên Lữ và là người trực tiếp xét xử vụ án này cho biết, lời khai nhận tội của Phạm Văn Thụy tại phiên toà phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án.
“Nếu bị cáo Thụy không bỏ chạy thì tội sẽ nhẹ hơn. Bị cáo Thụy có nhân thân tốt. Trước khi gây tai nạn bị cáo đang công tác tại UBND xã Trung Nghĩa, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc. Bị cáo thành khẩn khai báo với thái độ ăn năn, hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại. Phía gia đình nạn nhân đã có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Bố mẹ đẻ bị cáo là người có công với cách mạng nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào”, Chánh án TAND huyện Tiên Lữ lý giải về bản án 3 năm tù treo dành cho bị cáo Thụy.
Đối với Chượng, Mạnh và Tưởng là những người đi cùng xe với Thụy, trực tiếp chứng kiến việc Thụy điều khiển xe ô tô gây tai nạn nhưng che giấu và không khai báo về hành vi phạm tội của Thụy. Riêng Chượng còn có hành vi khai báo gian dối, gây khó khăn cho hoạt động điều tra nên Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tương tự, dù hành vi nhận tội thay gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi nhận bản án, ông Thụy đã bị cách chức Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa và bị khai trừ khỏi Đảng. Hiện ông Thụy đã được chuyển xuống làm cán bộ địa chính xã. Đảng ủy, UBND xã Trung Nghĩa cũng đã có kỷ luật về Đảng với hình thức khiển trách đối với Tưởng và cảnh cáo đối với Chượng.
Bản án vi phạm tố tụng?
Trong bản án ghi rõ, sau khi sự việc xảy ra, Phạm Văn Thụy đã thăm hỏi và bồi thường cho gia đình cháu Phát số tiền 205 triệu đồng; cháu Nam 150 triệu đồng; cháu Hùng Anh 7 triệu đồng. Các bên cam kết không có khiếu kiện gì về dân sự. Gia đình các cháu Phát, Thuận, Nam và Hùng Anh có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thuỵ. Ngoài ra, bản thân các cháu và gia đình đã có đơn xin từ chối giám định thương tích.
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, Bản án số 17/2018/HSST ngày 10/10/2018 của TAND huyện Tiên Lữ đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự bởi lẽ đây là vụ án giao thông. Việc xác định tỷ lệ thương tích đối với những người bị hại làm căn cứ xác định khung hình phạt có vai trò rất quan trọng trong vụ án nhằm đảm bảo vụ án được xét xử công bằng và khách quan.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định trong các trường hợp, trong đó có trường hợp về tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động. Như vậy, không có lý do gì các cơ quan tiến hành tố tụng lại không cho các nạn nhân đi giám định.
“Theo bản án, Phạm Văn Thụy điều khiển ô tô gây tai nạn làm chết 1 người và gây thương tích cho 3 người rồi bỏ trốn không cứu giúp người bị nạn là nghiêm trọng vi phạm Điều 206 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên thì bị cáo phải bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”, luật sư Bình nhận định.
Theo luật sư, nội dung bản án cho rằng thân nhân của các cháu bị thương có đơn từ chối giám định nhưng theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì bị hại có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị hại bị dẫn giải trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Việc VKS và Tòa án nhận định Thụy không có tình tiết tăng nặng để cho hưởng án treo là không thỏa đáng bởi sau khi gây án Thụy đã bỏ các nạn nhân ở lại mà không cấp cứu, bỏ trốn. Hiện trường vụ án đã bị xáo trộn đồng thời Thụy lại đưa một người khác ra để nhận tội thay. Đây chính là tình tiết tăng nặng và không có căn cứ để được hưởng án treo.
“Từ những viện dẫn nêu trên cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng tại đây đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Do bản án đã có hiệu lực pháp luật nên cần phải tiến hành thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại bản án này”, luật sư Bình nhấn mạnh.
báo giao thông.