Từ lâu, mua xe ô tô được xem là một trong những việc trọng đại cần tránh trong tháng 7 âm lịch. Nhưng quan niệm này liệu đã lỗi thời hiện nay khi nhiều người còn tranh thủ thời gian này để mua được xe với giá tốt hơn, nhận xe sớm hơn.
Tháng Ngâu - tháng 7 âm lịch có nghiêm trọng và cần tránh né khi mua xe?
Dân gian thường quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng 7 – ngày “xá tội vong nhân”.
Nhiều người tin rằng các vong hồn khi được thả ra sẽ quấy phá các công việc của con người. Vì vậy nếu làm những việc lớn như động thổ xây nhà, mua xe... đều phải kiêng kỵ. Nếu thực hiện sẽ không được hanh thông và gặp phải nhiều rủi ro.
Tất nhiên đó là quan niệm của mỗi người và không phải tất cả ai cũng tin vào chuyện này. Thậm chí là có nhiều người còn tranh thủ thời gian này để đi mua xe, vì sao lại như thế?
Mua xe tháng 7 âm lịch - xe thì rẻ mà ưu đãi thì nhiều
Vì quan niệm của số đông là mua xe tháng 7 âm lịch sẽ không tốt, nên doanh số xe tháng này lúc nào cũng thuộc hàng thấp nhất trong năm.
Để kích cầu thị trường, các hãng xe sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá đặc biệt. Vì thế, nếu không phải là một người kiêng kỵ thì tháng 7 thực sự là một trong các thời điểm mua xe ô tô tốt nhất trong năm.
Cụ thể, ngay như lúc này (8/2022) là đầu tháng 7 âm lịch, các hãng xe như Toyota, Honda, Mazda, Mitsubishi,... đang tung ra nhiều ưu đãi kích cầu:
- Honda giảm mạnh CR-V với ưu đãi lên đến 120 triệu đồng (gồm 50 triệu tiền mặt và gói phụ kiện 70 triệu). Civic tương tự giảm 30 triệu, Accord model 2020 nhận ưu đãi lên đến 270 triệu còn bản Accord 2022 có thể giảm nhẹ 40-100 triệu đồng.
- Mazda thì giảm 50% phí trước bạ cho 3 mẫu sedan Mazda2, Mazda3 và Mazda6 (All-New). Trong khi đó CX-30 và CX-8 sẽ nhận ưu đãi trực tiếp từ 20-40 triệu đồng.
- Toyota sẽ gia hạn bảo hành cho dòng MPV Innova 2 năm hoặc 50.000 km. Toyota Vios bản động cơ Euro 4 cũng được ưu đãi khoảng 20 triệu đồng
- Mitsubishi áp dụng ưu đãi dạng quà tặng với các sản phẩm như camera hành trình 5 triệu, phiếu nhiên liệu 20 triệu, và ưu đãi trả góp 0% lãi suất trong 12 tháng đầu tiên.
- Nissan ưu đãi Almera 40-50 triệu đồng, kéo giá xuống thấp nhất còn 489 triệu đồng cùng nhiều quà tặng.
- Subaru Forester sẽ giảm giá 229 triệu đồng và nhiều quà tặng kèm giá trị cao.
So với các năm trước, tháng 7 âm lịch năm khuyến mãi của các hãng xe giảm cả về chất và lượng bởi tình trạng cầu đang vượt quá cung kéo dài từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu giảm. Các hãng xe đang khan hàng như Hyundai, Ford, Mercedes,... hầu như đều cắt giảm khuyến mãi vì…có xe đâu mà bán!?
Anh Khang, NVBH của một đại lý Ford tại TP. HCM cho biết, “Hiện tại xe của Ford như Ranger, Explorer khá khan hàng, “hot” nhất là mẫu Everest mới ra mắt có lượng đặt hàng lớn vì vậy năm nay hầu như không có khuyến mại gì nhiều trong tháng 7 âm lịch. Thậm chí khách còn tranh thủ đặt cọc xe Everest và Ranger mới để nhận xe sớm vào cuối năm”
Tương tự, một NVBH của Mercedes cho biết, các dòng xe chủ lực như GLC, GLS, C và S hiện lượng xe khá ít nên đại lý cũng như hãng mẹ ít áp dụng ưu đãi.
Mua xe tháng 7 - Nhận xe tháng khác
Việc kiêng kỵ mua xe tháng Ngâu không còn bị đặt nặng nhưng nhiều khách hàng vẫn có xu hướng “có kiêng có lành” tránh vẫn tốt hơn. Mua xe lúc này, người mua không chỉ được hưởng nhiều ưu đãi mà còn thoải mái hơn trọng việc đàm phán khuyến mãi, lựa màu xe hay thậm chí là chốt ngày đẹp nhận xe theo ý muốn.
Dù nhiều khách hàng chưa sẵn sàng nhận xe trong tháng 7 âm thì việc chốt giá, khuyến mại và chuyển tiền mua xe trong tháng 7 rồi nhận xe vào đầu tháng 8 là giải pháp mà nhiều khách hàng khôn ngoan lựa chọn. Bởi họ có thể vừa được nhiều ưu đãi, vừa nhận xe vào tháng đẹp.
Tháng 7 năm nay khác với các tháng 7 năm trước
Đối với tháng 7 âm lịch các năm trước, chỉ cần có nhu cầu mua xe và đồng ý chuyển tiền, khách hàng có thể nhận xe nhanh chóng theo ý muốn. Tuy nhiên, tháng 7 năm nay lại khác. Thị trường xe đang đối mặt với tình trạng “cầu vượt cung”, tức các hãng không thể cung cấp đủ xe cho nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, khiến cho giá bán xe mới lẫn cũ tăng cao chóng mặt. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc thiếu hụt chip toàn cầu, kết hợp với việc đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện ở nhiều nơi.
Do đó, việc mua xe tại Việt Nam trong những tháng gần đây không hề dễ dàng, nhất là đối với những dòng xe “hot”. Đầu năm 2022 đến nay, xuất hiện tình trạng mua bia kèm lạc ở nhiều đại lý Ford, Toyota, Hyundai…
Nếu “lỡ” yêu thích một dòng xe quá cháy hàng, người mua dù đặt bút ký hợp đồng vào tháng 7 âm lịch, cũng khó có khả năng nhận xe ngay trong tháng.
Có thể thấy, chuyện mua xe vào tháng 7 âm lịch là tùy vào quan niệm của mỗi người, người thì có kiêng có lành, người thì không quan tâm và tranh thủ lúc này mua xe để có giá tốt hơn, nhiều ưu đãi hơn. Tuy nhiên, rõ ràng là các ưu đãi và mức giá của xe ô tô trong tháng 7 năm nay không được tốt và hấp dẫn như các năm trước vì việc khan hàng.
Tại sao tháng Ngâu không cần phải kiêng mua xe
Theo dân gian, những điều kiêng kỵ trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, tháng 7 Âm lịch là mùa mưa ngâu, thêm nữa đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, gây ra mưa lớn, ngập lụt, sạt lở…
Khi tiến hành những công việc như: làm nhà, khai trương, … sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể làm kéo dài thời gian hơn so với dự kiến. Do đó, ông bà thường kiêng làm một số việc trọng đại vào tháng này để “tránh mưa bão”.
Theo quan niệm Phật Giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng làm các việc thiện hạnh và tu tập, báo hiếu phổ độ cho các hương linh gia tiên. Ngoài ra không ảnh hưởng đến các việc khác.
Theo quan niệm Phong thủy, chúng ta chọn ngày giờ tốt theo can chi, theo mệnh, theo phi tinh và phương vị. Điều này cũng không phụ thuộc vào tháng 7. Chỉ cần hợp mệnh vận, thời điểm tốt là có thể tiến hành các việc.
Đối với những việc có liên quan đến đất đai, mồ mả, hương linh thì cần thận trọng phát khởi các thiện tâm theo tinh thần Phật giáo để trợ giúp cho họ. Như vậy vừa tăng công đức vừa hoàn thành được các việc đời sống mà không cần phải kiêng kỵ.