Tài xế cần kết hợp kỹ năng quan sát, sử dụng chân ga, phanh hợp lý.
Lái xe dưới mưa hoặc đặc biệt đường ngập nước là điều không xa lạ tại Việt Nam. Tài xế không những cẩn thận hơn khi điều khiển ôtô, mà còn chú ý đến các bộ phận khác của xe để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
1. Lái xe dưới trời mưa
Nước mưa làm giảm độ ma sát giữa lốp và mặt đường, khiến việc lái xe khó khăn hơn. Khoảng cách phanh cho đến khi xe dừng lại vì thế cũng tăng lên. Thông thường cự li giữa hai xe ít nhất là 25 m, thì với đường ướt, tài xế có thể cần gấp đôi khoảng cách ấy hoặc hơn để đảm bảo an toàn.
Nước mưa gây hạn chế tầm nhìn cho tài xế.
Cần gạt nước và đèn pha là hai bộ phận tài xế nên chú ý. Kiểm tra, thay thế nếu cần đối với cần gạt nước để làm sạch kính chắn gió. Không lạm dụng đèn chiếu xa trong điều kiện trời mưa để tránh gây chói cho xe đối diện, trừ phi mật độ giao thông ít.
Tài xế cũng cần cân nhắc sử dụng đèn sương mù. Khi tầm nhìn hạn chế, đèn sương mù phía sau là tín hiệu nhận biết giữa các xe với nhau. Điều này giúp người lái tính toán khoảng cách phù hợp giữa hai xe.
Trong điều kiện mưa lớn, sử dụng đèn sương mù phía sau có thể "át" đèn báo phanh, khiến người lái phía sau đôi lúc không phán đoán được tình huống bất ngờ phía trước.
Tài xế cần quan sát trước và tính toán điểm vượt hợp lý, tránh những xe tải trọng lớn có thể hắt nước lên xe vượt khi qua những vũng nước lớn, làm giảm tầm nhìn, việc điều khiển xe có thể gặp nguy hiểm.
Khi đi qua những vũng nước trên đường, tài xế không nên đi quá nhanh vì có thể xảy ra hiện tượng trượt bánh hoặc ảnh hưởng đến xe khác do đụn nước bắn lên. Nếu vô-lăng nhẹ, người lái nên điều khiển xe với tốc độ trung bình, giữ đều ga, tránh nhấn phanh hoặc đánh lái đột ngột cho đến khi qua khỏi vũng nước.
2. Lái xe trên đường ngập
Đường ngập nước là hiện trạng phổ biến trên nhiều tuyến đường ở Việt Nam. Bằng kinh nghiệm và độ quen đường, tài xế có thể tránh những vũng nước sâu khi lái ôtô. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng cần nhớ: nếu không chắc về độ sâu của vùng nước ngập, không nên cho xe đi qua.
Cần chú ý quan sát xe phía trước để ước đoán độ sâu của vùng nước ngập. Tránh lái xe qua khu vực nước chảy xiết. Di chuyển chậm, chú ý quan sát và giữ khoảng cách an toàn.
Nếu bạn vẫn cố gắng vượt qua vùng ngập nước, điều đầu tiên cần xác định điểm cao nhất, thường là tim của mặt đường. Di chuyển với tốc độ trung bình, không quá chậm bởi xe có thể bị ngừng đột ngột do lực cản thay đổi của các dòng nước chảy.
Tài xế cũng không nên lái xe quá nhanh, bởi khó kiểm soát thân xe hoặc tạo những cuộn sóng tác động đến xe xung quanh. Tốt hơn hết, bạn hãy chờ xe trước ra khỏi phương xe mình di chuyển để tránh va chạm hoặc trường hợp buộc phải chuyển hướng do xe trước chết máy.